Nhà văn hóa Hữu Ngọc: Người Mỹ nghĩ gì? (Kỳ cuối)
Người Mỹ trên vùng biên giới đôi khi là những người quê kệch, thô lỗ, nhưng lại là những người làm việc có hiệu quả, sản xuất giỏi, có đầu óc thực tế, hướng về tương lai và đoàn kết.
Ở miền Nam, cố nhiên kinh tế đồn điền đã nhanh chóng thay thế cho những khoảng đất canh tác nhỏ của những người định cư đầu tiên. Tư tưởng cộng hòa chủ nghĩa cá nhân vì vậy đã nhanh chóng lấn át tư tưởng cộng đồng. Từ lâu, trước khi xảy ra đổ máu tại Lexington và Concord (bang Massachusetts) trong thời gian đầu Chiến tranh giành độc lập, người Thanh giáo đã bị biến thành người Yankee. Cách mạng và tình hình sôi động trong giới trí thức gây ra bởi sự đoạn tuyệt với Anh, đã một lần nữa khiến cho người Mỹ phải tự xác định mình về mặt chính trị, như ta có thể thấy qua những luận án về pháp luật và triết học của John Adams và các cuộc tranh luận về Hiến pháp. Tuy bác bỏ cơ sở hiến pháp của Anh, song người dân Mỹ hiểu rằng họ chỉ có thể đặt lòng tin ở một tầng lớp ưu tú đã được thử thách. Một sáng tạo hết sức quan trọng là họ chọn phương án các đại diện dân cử; tức là những công dân có thể mắc tội tham nhũng nhưng phải tuân theo một số quy tắc nhất định và khi cần thiết thì có thể bị bãi nhiệm.
Sau khi giành độc lập, người Mỹ tiếp tục xác định vị trí bằng cách mở rộng đất đai ra ngoài dãy núi Allegheny và phát triển kinh tế, trước kia chỉ vào mỗi việc buôn bán với bên kia Đại Tây Dương, nay hướng về nội địa của đất nước. Thomas Jefferson đã muốn tạo ra ở miền Tây một quốc gia của những điền chủ độc lập: “Những ai trồng trọt trên đất đai là dân chủ Chúa chọn, và vạn nhất Chúa có một dân tộc được tuyển chọn thì Chúa đã chọn dân tộc ấy làm nơi ưu tiên gửi gắm một đạo đức mạnh mẽ và chân chính”.
Thời kỳ mà những người đi tiên phong đã đẩy lùi biên giới là thời kỳ đóng góp nhiều nhất vào việc hình thành tính cách dân tộc theo chủ nghĩa thường hiểu: khía cạnh thực tế và sáng tạo của “người dân bình thường” kỷ nguyên Jackson, tháo vát, ít quan tâm đến nghệ thuật nhưng giỏi xoay sở để có thể hoàn thành tốt đẹp những gì mà mình tiến hành. Người Mỹ trên vùng biên giới đôi khi là những người quê kệch, thô lỗ, nhưng lại là những người làm việc có hiệu quả, sản xuất giỏi, có đầu óc thực tế, hướng về tương lai và đoàn kết. Chất lượng cuộc sống tại cộng đồng mới đó tùy thuộc ở sự gắn bó các thể chế. Tocqueville đã phải ngạc nhiên: “Ở Anh, chính quyền làm rất ít còn các cá nhân thì làm rất nhiều. Nhưng ở Mỹ, chính quyền hầu như không can thiệp cái gì cả và các cá nhân thì hợp sức lại làm tất cả mọi việc”. Vậy là cộng đồng trên vùng biên giới quả có thừa hưởng phần nào cộng đồng Thanh giáo trước kia.
Chấm dứt thái độ vô can
Nước Mỹ giữa thế kỷ XIX do nhiều cộng đồng nhỏ gắn bó với nhau một cách lỏng lẻo, hay do một vài tập đoàn lớn hợp thành, hay nó đã trở thành một quốc gia thuần nhất?
Cuộc chiến tranh Bắc – Nam là trung tâm của mọi cuộc tranh luận về tính cách dân tộc. Các nhà sử học ngày nay đã hết tranh luận về vấn đề có phải cuộc nội chiến là tất yếu không và gần đây, bắt đầu nêu lên khía cạnh mới của lịch sử xã hội và văn hóa của miền Nam để tìm hiểu đặc điểm của một nền văn minh, xây dựng trên quan hệ giữa nô lệ với chủ nô và miền Nam bằng cách nào duy trì sự phân biệt chủng tộc, bất chấp mọi nguyên tắc bình đẳng. Những công trình nghiên cứu lịch sử chính trị cũng đã đặt cuộc xung đột Bắc Nam vào trong một cuộc đấu tranh rộng lớn hơn vì sự hợp pháp của Mỹ, trong đó, mỗi phe khẳng định di sản cộng hòa là thuộc về mình.
Về tái thiết Liên bang và bước chuyển tiếp sang một quốc gia đô thị công nghiệp hóa và quan liêu hóa, tham gia các cuộc xung đột thế giới, đã gây ra những cuộc tranh luận mới về sự chấm dứt thái độ vô can của nước Mỹ, và qua đó, chấm dứt tính chất đặc biệt của lịch sử nước Mỹ. Những sự biến đổi nối tiếp nhau của xã hội Mỹ, và ảnh hưởng nặng nề của cuộc Đại khủng hoảng kinh tế đôi khi có thể gây ra những rạn nứt trong tòa kiến trúc, nhưng chúng cũng đã góp phần xác định lại và thậm chí trong một số trường hợp, tăng cường cơ cấu tư tưởng được xây dựng trên bản chất đặc biệt đó của Mỹ.
Các nhà công nghiệp đi đầu trong thế kỷ XVII, như Francois Lowell – người đã xây dựng các nhà máy dệt bên các con thác dòng sông Merrimack, thu hút nguồn nhân lực là các cô con gái tá điền miền New England – đã mơ ước đến việc tạo ra một xã hội công nghiệp phồn vinh và không có xung đột. Sẽ không có một “Manchester của Mỹ” thế nhưng đến cuối thế kỷ đó, nền công nghiệp bắt đầu sử dụng một lực lượng lao động không lành nghề, là những người nhập cư mới từ châu Âu kéo đến.
Còn tồn tại được những gì trong tư tưởng của Lowel tại bang Pitsburg của Carnegie hay bang Detroit của Ford? Nỗi lo sợ xã hội thoái hóa đã chi phối phản ứng tư tưởng của người theo đạo Tin lành đối với việc vô sản hóa thành thị. Các nạn nhân của nghèo khó bị coi như một mối đe dọa đối với xã hội. Thành phố trở thành một địa hạt truyền giáo. Chỉ có khái niệm về một xã hội mở cửa, cho phép những người có năng lực nhất giành lấy chỗ đứng của mình dưới mặt trời, bằng cách khắc phục các hàng rào ngôn ngữ và thành kiến, là có thể thay thế cho giấc mơ không thể thực hiện được là một xã hội không có cảnh nghèo.
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/nha-van-hoa-huu-ngoc-nguoi-my-nghi-gi-ky-cuoi-119520.html