Nhà văn hóa Hữu Ngọc: Shakespeare và Brecht trong tuồng và chèo (ii)
Trong sân khấu dân gian Việt Nam, văn hào Markiewicz đã tìm thấy sự trùng hợp với sân khấu tự sự của Brecht. Cũng không có gì lạ, vì Brecht đã tìm đến sân khấu phương Đông và chủ trương một sân khấu buộc khán giả phải tỉnh táo để phê phán và hành động vì chính nghĩa.
Nhà nữ phê bình sân khấu Ba Lan thích thú khi tìm thấy hình ảnh nhà viết kịch lớn người Anh Shakespeare ở Việt Nam:
“Trong sân khấu dân gian Việt Nam, tôi lại thấy những nét kịch Shakespeare thật rõ nét! Những vai hề điển hình xây dựng theo ước lệ về trang phục, cử chỉ và động tác, là những nhân vật dường như chép theo mẫu những nhân vật của Shakespeare. Thế mà tôi tin chắc những vai hề có tính dân gian ấy là đặc điểm hoàn toàn Việt Nam (khi hai nền nghệ thuật Đông Tây chưa hề gặp nhau).
Giống như trong kịch của Shakespeare, các vai ấy được sử dụng để làm nổi bật sự đối lập xảy ra trong một hành động, biểu hiện những tình cảm và tư duy mang tính phổ biến của nhân loại. Tôi xin lấy thí dụ cảnh Xúy Vân giả dại, diễn ở rạp Hồng Hà, Hà Nội”.
Xúy Vân, vai chính trong vở chèo Kim Nham, giả điên để có thể bỏ chồng là anh khóa Kim Nham. Kim Nham đi học xa, Xúy Vân ở nhà mê tay lái buôn, bạn kết nghĩa của chồng là Trần Phương, muốn lấy hắn. Sau bị hắn lừa, Xúy Vân nhảy xuống sông tự tử. Xúy Vân giả dại là lớp trò hay nhất, không những của vở mà cả trong toàn bộ chèo truyền thống.
Vì vậy, Markiewicz đánh giá cao lớp chèo Xúy Vân giả dại cũng không có gì lạ.
“Lúc mà Xúy Vân chìm đắm trong nỗi cô đơn, trong một thế giới hèn hạ, đã tuyệt vọng đến cao độ thì một chú hề xuất hiện, pha trò để diễn tả sự vô cảm của mọi người chung quanh đối với nỗi khổ của đồng loại. Ấn tượng sân khấu thật kinh hoàng, tôi vô cùng khâm phục ý nghĩa triết học sâu sắc của nó được thể hiện”.
Trong sân khấu dân gian Việt Nam, Markiewicz cũng tìm thấy sự trùng hợp với sân khấu tự sự của Brecht. Cũng không có gì lạ, vì Brecht đã tìm đến sân khấu phương Đông và chủ trương một sân khấu buộc khán giả phải tỉnh táo để phê phán và hành động vì chính nghĩa.
Markiewicz nhận định:
“Giá trị của sân khấu dân gian Việt Nam là ở tính chất thơ của cử chỉ. Cử chỉ của các diễn viên hài hòa với âm nhạc của các nhạc cụ cổ truyền, cử chỉ mềm mại, uyển chuyển, có tính trang trí. Cử chỉ khiến cho những bức họa sân khấu bay bổng thêm, khiến tính huyền thoại cổ tích mung lung hơn. Chuyện cổ tích là cơ sở của sân khấu Việt Nam truyền thống. Các diễn viên phải có tài năng đa dạng và đặc biệt, phải có cảm xúc âm nhạc nhạy bén, điều này quyết định trình độ của diễn viên. Tôi đã thấy một số diễn viên trẻ có nhiều sáng tạo tuyệt vời về mặt này. Phong cách diễn xuất còn được quyết định bởi cách hóa trang táo bạo, “ồn ào”, làm nổi bật tính cách của nhân vật. Trong các vở dân gian, tôi thấy những nét của sân khấu tự sự. Tuy người kể không phải là một nhân vật có mặt trên sân khấu, nhưng yếu tố câu chuyện được trình bày bởi ban đồng ca, lần lần giải thích và bình luận hành động. Điều này rất gần kịch của Brecht, mà tác phẩm ngày nay ở châu Âu được coi là một hiện tượng sân khấu quan trọng.
Từ sân khấu miền Viễn Đông, Brecht đã mượn thể loại ngụ ngôn bóng gió để sáng tác nhiều vở. Khi xem các vở Việt Nam với một cách nhìn châu Âu, tôi cảm thấy đây là nguồn sân khấu tự sự, đang dựng cơ đồ ở phương Tây”.
Markiewicz rất thích vở chèo Lưu Bình Dương Lễ:
“Đó là vở gây ấn tượng mạnh nhất với tôi, một vở về tình bạn và tình vợ chồng, tôi được xem diễn ở rạp Hồng Hà. Tôi khâm phục sự cách điệu chính xác, nhất là vai Dương Lễ. Nghệ sĩ Chu Thức khiến tôi cảm động, vì anh bám sát những hình thức truyền thống của chèo. Mặc dầu nội dung của vở xa lạ đối với phong tục tập quán châu Âu, dĩ chí, khó hiểu đối với tôi về mặt tâm lý, tôi đã thích thú theo dõi buổi diễn với hứng thú nghệ thuật sâu sắc”.
Quả là người phương Tây hiểu sao được: người chồng (Lưu Bình) lại cử vợ đi ở với bạn (Dương Lễ) mấy năm để chăm sóc bạn. Ở phương Tây, quan hệ tam giác chồng - vợ - bạn đặt ra vấn đề khá phổ biến. Vở Lưu Bình Dương Lễ xuất hiện vào thế kỉ 18, khi chế độ đa thê, nhất là trong giới quan lại là chuyện bình thường. Do đạo đức Khổng học ngự trị, tất cả các bà vợ đều phải chung thủy. Vì vậy mà Lưu Bình không e ngại cho vợ đi ở với Dương Lễ. Và Châu Long vâng lời chồng đi làm nhiệm vụ chồng giao phó, không bao giờ đi chệch hướng tình cảm, một thử thách mà người phương Tây theo chủ nghĩa cá nhân khó tưởng tượng nổi!