Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường theo người vợ yêu dấu về 'miền mây trắng'

Sau khi người vợ yêu dấu của mình là nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ qua đời chưa được 20 ngày thì nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, tác giả bài bút ký nổi tiếng 'Ai đã đặt tên cho dòng sông' đã qua đời tại TP Hồ Chí Minh, hưởng thọ 86 tuổi.

Thông tin từ nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường qua đời ngày hôm qua (24/7). “Tôi mới được gia đình nhà văn thông báo về sự ra đi của tác giả “Ai đã đặt tên cho dòng sông”. Phải nói, đây là thông tin rất buồn đau với giới hoạt động nghệ thuật khi người vợ của ông mới qua đời cách đây không lâu”, nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc cho biết.

Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường.

Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường.

Cũng theo nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường bị đột quỵ từ năm 1998 và sức khỏe yếu dần, nhất là khi người vợ của ông qua đời. “Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế và gia đình sẽ phối hợp tổ chức lễ tưởng niệm cho vợ chồng nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường vào lúc 14h ngày 30/7 đến hết ngày 31/7. Tối ngày 30/7, chúng tôi sẽ tổ chức một đêm thơ để tưởng nhớ vợ chồng nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường”, nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc nói thêm.

Trao đổi với PV Báo CAND, PGS.TS, nhà văn Ngô Văn Giá, nguyên Trưởng Khoa Viết văn – Báo chí, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội cho biết, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường là người sớm có ý thức chính trị, tinh thần yêu nước khi cùng một số nhà thơ, nhà văn, nhạc sĩ cùng thời tham gia trong phong trào xuống đường của học sinh, sinh viên Huế để chống đế quốc Mỹ và chế độ Việt Nam cộng hòa.

Theo PGS.TS, nhà văn Ngô Văn Giá, trong văn chương, Hoàng Phủ Ngọc Tường có 2 thể loại đóng góp quan trọng là ký và thơ. Trong ký, ông có viết về chiến tranh mang tính sử thi cộng đồng lên án cuộc chiến tranh phi nghĩa ở Việt Nam. Thành tựu lớn nhất trong thể loại ký của ông là viết về cảnh quan thiên nhiên, đất nước, ẩm thực, văn hóa của Huế nói riêng cũng như của đất nước nói chung. Các bài bút ký của ông thể sự hiểu biết lịch sử văn hóa, con người rất kỹ lưỡng. Trong ông có tình yêu da diết với quê hương, đất nước, con người.

“Ông là một thi sĩ viết ký, nhưng cái tài của ông là không để cảm xúc lấn át, tức là có cảm xúc mạnh mẽ nhưng ông vẫn giữ được tính khoa học, chân thực của tác phẩm. Trong thơ của ông có ngôn ngữ và hình ảnh đầy tinh tế, đẹp và đặc sắc. Ông cùng với nhà văn Nguyễn Tuân đã tôn vinh và trả lại địa vị xứng đáng cho thể loại ký trong văn học Việt Nam hiện đại”, PGS.TS, nhà văn Ngô Văn Giá nhấn mạnh.

Ngô Khiêm

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/chuyen-dong-van-hoa/nha-van-hoang-phu-ngoc-tuong-theo-nguoi-vo-yeu-dau-ve-mien-may-trang--i701590/