Nhà văn Lục Mạnh Cường - Rong chơi miền mây trắng
Một ngày đầu tháng Ba, tôi bàng hoàng khi nhận tin nhà văn Lục Mạnh Cường đã ra đi. Dẫu biết 'đời người như bóng chớp, có rồi không'(*), nhưng tôi vẫn không tin con người đầy nhiệt huyết, với cơ thể cường tráng như một chú gấu rừng mà nhà văn Cao Xuân Thái từng yêu mến ví von đã rời xa cõi tạm.
Có lẽ người hiền ấy, nhà văn thương mến ấy chỉ làm cuộc viễn du về núi, và núi rừng quê cha đã bao dung ôm lấy anh, ru anh một giấc mộng lành. Bằng cách nào đó Cường vẫn sẽ có một hành trình khác, phía sau bốn nhăm mùa rừng anh đã đi qua.

Nhà văn Lục Mạnh Cường.
Tôi biết Lục Mạnh Cường và các tác phẩm của anh từ khi tôi cộng tác với Tạp chí Văn nghệ Hà Giang, khoảng cuối năm 2006. Thời điểm ấy, Lục Mạnh Cường, Chu Thị Minh Huệ, Hoàng Diệu Thúy hợp thành bộ ba tác giả thế hệ 8X đầy hứa hẹn của văn chương Hà Giang. Sau này, Cường và Huệ viết khá sung sức, hoạt động văn nghệ sôi nổi, giành được những giải thưởng văn chương danh giá. Thúy ít viết, dần rút lui khỏi văn đàn xứ đá, đi du học, quay trở lại Việt Nam một thời gian, hiện nay đang định cư tại Úc.
Riêng Lục Mạnh Cường tạo cú "hat-trick" đầy ấn tượng trong cuộc vận động sáng tác văn học cho thiếu nhi do Hội Nhà văn Đan Mạch, Hội Nhà văn Hà Nội và NXB Kim Đồng phối hợp tổ chức (2007-2008, 2008-2009, 2012-2013). Những giải thưởng đó, thêm củng cố vị trí của một nhà văn trẻ người Tày trên địa hạt văn học thiếu nhi. Tác phẩm của anh được tuyển chọn vào các tuyển tập truyện ngắn hay viết cho tuổi thơ, đưa vào sách giáo khoa giảng dạy...
Lục Mạnh Cường có dấu ấn nhất định khi viết cho người lớn. Anh từng đoạt giải Nhất truyện ngắn tỉnh Hà Giang năm 2011, giải Nhất cuộc thi truyện ngắn do Hội Nhà văn thành phố Đà Nẵng tổ chức năm 2015. Truyện của Cường là những bài ca buồn cất lên từ cái nền văn hóa tộc người (Tày, Mông, Dao,...) nơi miền đá chất ngất, tráng lệ nhưng gian khó, khốc liệt.
Điều ấy thật dễ lý giải, Cường sinh ra ở bản Tày, đi dạy ở những bản Mông, Dao, Giáy... Cội rễ văn hóa vùng đất đã làm nên phẩm tính con người Cường, quyết định không gian, cá tính sáng tạo của anh và từ đó nhà văn góp phần làm phong phú vùng đất ấy. Hầu hết các nhân vật trong tác phẩm của Lục Mạnh Cường đều hiền lành, đôn hậu, ở họ thiện lương đẹp tựa suối nguồn, họ sẵn sàng chở che, bảo vệ, hy sinh vì người mình yêu, vì những điều cao đẹp trong cuộc đời.
Vản, chàng trai trẻ người Mông vì thương và yêu Mảy - người bạn học - đã năn nỉ bố mẹ cho được cưới Mảy (đám cưới giả) để cứu cô thoát khỏi cuộc hôn nhân cưỡng ép, trao cho cô cơ hội được tiếp tục đến trường,... Sau này, vì muốn dành tương lai tươi sáng cho Mảy, lại một lần nữa anh đứng ra che chắn cho cô và rồi anh đã mãi ra đi ở tuổi 18 (Dốc đá).
Nàng con gái luyện "nhản" (một loại bùa chú) chấp nhận đánh đổi cả cuộc đời tươi đẹp của mình để mang lại sự sống cho người cô yêu (Trôi trên hoa đào). Cậu bé Liêm sẵn lòng cởi bỏ sợi dây hiềm khích của gia đình mình và ông Vạn, cảm thông, quên đi lỗi lầm của người khác để được sống trong trẻo, nhẹ nhàng giữa bản làng (Con trâu nhà ông Vạn)...
Trong nhiều tác phẩm của Lục Mạnh Cường, thông điệp nhân bản như những mầm cây nảy xanh trong lòng người đọc: Con người ta dù buồn khổ đến đâu, qua một chặng đời thì giông gió nhất định sẽ tan đi, để bắt đầu những ngày mới tươi sáng, hạnh phúc hơn. Thế nên, kết truyện của anh thường có hậu... Mảy qua bao trắc trở, đớn đau, thương tổn vẫn vượt qua để trở thành một nữ cán bộ đầy nhiệt huyết, cánh cửa trái tim của cô tưởng như đã khép chặt nhưng nó đã mở ra để đón nhận tấm chân tình của một người lính Biên phòng (Dốc đá).
Những ngày mất người vợ sắp cưới là chuỗi ngày u ám nhất đời Tương, Thiều đến như một sự bù đắp của số phận, nhưng Tương đã chối bỏ. Thiều ra đi, bỏ lại thằng Lim (đứa con riêng của Thiều) bơ vơ trong sự hờ hững, lạnh nhạt. Bất ngờ, một tiếng gọi "bố" thiêng liêng từ thắng bé khiến Tương bừng ngộ: "Tiếng gọi như một mũi dao phá tan băng giá trong trái tim Tương. Anh ôm chầm lấy thằng bé. Thật chặt". Và anh tin một ngày kia Thiều sẽ trở về...(Nậm Khiêu).
Nhưng có lẽ hơn hết, Lục Mạnh Cường sinh ra là để viết cho trẻ thơ. Anh trổ rễ vào cánh đồng văn chương từ những truyện thiếu nhi. Ngày mới tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Hà Giang, Cường nhận công tác tại Trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Quảng Ngần - ngôi trường ngút xa thuộc huyện Vị Xuyên, một huyện cao nguyên phía Tây của tỉnh.
Nơi đây, điều kiện của đồng bào các dân tộc thiểu số vô cùng khó khăn, thiếu thốn. Học sinh của thầy giáo Cường đa phần đều từ những gia đình đông con ở các bản làng xa xôi, đói ăn, thiếu mặc quanh năm, các em thường tự ti, rụt rè, ít chia sẻ. Không ít em đã phải bỏ học vì nghèo, vì bị ép kết hôn sớm,...
Những thiệt thua, buồn thương ấy của đám trò làm thầy giáo trẻ không ngừng day trở, xa xót bởi chính tuổi thơ của anh cũng mang màu xám bạc của đói nghèo, thiếu thốn. Anh chỉ có thể bù đắp cho các em bằng những bài giảng dày công biên soạn, những câu chuyện hấp dẫn mà anh từng lĩnh trải, những ân cần hỏi han, chia sẻ. Như hạt mưa mát lành thấm vào đất khát, các em dần mở lòng, thầy giáo dần bước vào thế giới nội tâm trong ngần, non nớt, đầy mơ ước nhưng cũng lắm âu lo, thương tổn của nhiều trò.
Điều ấy thôi thúc Cường phải viết. Viết để xoa dịu các em và xoa dịu chính mình. Viết để mở ra những thế giới vừa mộng mơ, lộng lẫy vừa chân thực, khắc nghiệt, khốn khó mà ấm áp, đầy tình yêu thương.

Một tác phẩm của nhà văn Lục Mạnh Cường.
"Seo May" là truyện ngắn đầu tiên ghi danh Lục Mạnh Cường với văn đàn, sau đó đoạt giải Nhì cuộc thi viết cho thiếu nhi. Tính cương trực, tâm hồn trong sáng của người miền rừng, sự trải nghiệm cùng trí tưởng tượng phong phú, nhà văn đã tạo nên những tác phẩm văn học mang yếu tố giả tưởng hấp dẫn, lôi cuốn, phù hợp với tâm hồn trẻ thơ.
Lục Mạnh Cường thường cấu trúc truyện theo mạch: hiện thực, thế giới ảo, rồi lại trở về hiện thực. Tiêu biểu nhất cho cấu trúc này là truyện ngắn Seo May: Trong cơn vật vã, khô khát của cao nguyên đá, Seo May đi tìm nước cho cả nhà. Khát, mệt cô bé thiếp đi trong mộng mị. Trong giấc mộng ấy cô bé gặp lại Chẩn Pao (cậu bạn đã mất) và cậu đã dẫn cô bé đi gặp thần núi. Nhưng cô bé bị thần núi phạt biến thành ếch vì uống nước khi chưa xin phép.
Cuối cùng chính tình yêu thương mà hai người bạn nhỏ tuổi dành cho nhau (hai đứa trẻ giành nhau xin bị trừng phạt thay bạn mình) đã khiến thần núi cảm động, Seo May được trở lại thành người. Choàng tỉnh, Seo May thấy mình bên một dòng suối mát lành. Truyện tái hiện không gian miền núi, câu chuyện của trẻ em miền núi hòa quyện vào những yếu tố kì ảo trong thế giới của giấc mơ, tưởng tượng,... làm cho tác phẩm của nhà văn có sự hấp dẫn, lôi cuốn đối với các em nhỏ.
Cường hiền lành, khi trò chuyện chừng mực nhưng uống rượu thì rất nhiệt tình. Anh luôn dành cho bè bạn văn chương sự ấm áp, tử tế của một người luôn sống thật với người, với đời và với chính lòng mình. Có lẽ, mưu cầu kết nối, giãi bày, tấm lòng của người viết với bạn văn đồng trang lứa, Lục Mạnh Cường và vài bạn văn thân thiết đã lập nên nhóm Văn trẻ Hà Giang. Cường trở thành người anh cả của nhóm.
Mấy năm qua, nhóm hoạt động sôi nổi, họ đã cùng nhau tạo nên những ân tình, cả trong cuộc sống và trang viết. Những buổi anh em tụ họp thực tế sáng tác, giao lưu, Cường luôn là người vào bếp chiêu đãi các đàn em nhiều món ngon mang phong vị Tày. Với thế hệ đi sau, anh trao cho họ niềm đam mê con chữ và tình yêu thương để mọi người cùng sẻ chia, gắn bó, chung niềm vui sáng tạo.
Vợ chồng Lục Mạnh Cường muộn con. Bé Trí đến với mái ấm của Cường như một ân đức mà tạo hóa, cuộc đời ban tặng vợ chồng anh. Anh yêu con hơn tất thảy mọi thứ trên đời. Tình phụ tử tiếp thêm cho anh động lực trong hành trình sống và viết. Tập tản văn "Cho con và những yêu thương" là tâm tình, lời thủ thỉ của người cha, người thầy, người bạn của cậu bé Trí. Ở đó, người đọc sẽ không khỏi xúc động bởi tấm lòng của người cha đôn hậu đã kết nở thành hoa trái để dành cho đứa con yêu.
Nhà văn đã về với núi, nhưng khát vọng, ước mơ của anh sẽ còn được viết tiếp bởi tình yêu thương và những trang sách anh gửi lại cho đời.
-----------
(*) Thiền sư Vạn Hạnh