Nhà văn Mã Thiện Đồng: Người kể chuyện về những anh hùng

Hơn 20 năm cầm bút, nhà văn Mã Thiện Đồng đã có 30 cuốn sách được xuất bản. Bằng lối viết dung dị, đầy cảm xúc, tôn trọng sự thật, nhà văn Mã Thiện Đồng tôn vinh những người từng vào sinh ra tử, những anh hùng thầm lặng trong kháng chiến chống Mỹ.

Nhà văn Mã Thiện Đồng trò chuyện với nhà văn Nguyễn Hiệp về nghiệp cầm bút. Ảnh: YÊN LAN

Nhà văn Mã Thiện Đồng trò chuyện với nhà văn Nguyễn Hiệp về nghiệp cầm bút. Ảnh: YÊN LAN

“Tôi được gặp những nhân chứng lịch sử tạo cho mình biết bao cảm xúc. Gặp họ, mình không thể không viết. Nếu không viết thì cảm thấy mình có lỗi. Tôi đưa họ lên trang sách để tôn vinh họ”, nhà văn Mã Thiện Đồng chia sẻ về cơ duyên trở thành tác giả nhiều cuốn sách thu hút sự quan tâm của đông đảo bạn đọc.

Cm bút sau khi ngh hưu

Trước khi viết sách và được bạn đọc biết đến, bà Thiện Đồng là một nhà giáo. Năm 1976, từ miền Bắc, bà được tăng cường vào miền Nam, nhận nhiệm vụ tại Trường bổ túc Công nông, Trường bổ túc Dân chính ở Long An. Bà có gần 20 năm dạy Văn tại hai ngôi trường này cho đến khi nghỉ hưu.

Ở Long An, bà Thiện Đồng quen với vợ anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Kịp (biệt danh Đồng Đen) và được nghe kể về người chiến sĩ biệt động Sài Gòn đã cùng đồng đội lập nên nhiều chiến công huyền thoại. Sau khi nghỉ hưu, bà lên TP Hồ Chí Minh sống cùng con gái. Có một sự trùng hợp thú vị: Con đường trước nhà mang tên người anh hùng Đồng Đen. Bà Thiện Đồng bèn tìm hiểu và viết bài báo có tiêu đề Tên phố tôi. Công việc viết lách mang lại niềm vui cho một nhà giáo vừa rời bục giảng. Khi đó, tạp chí Tài hoa trẻ là nơi đón nhận và đăng những bài viết của cây bút trẻ Mã Thiện Đồng.

Được thôi thúc bởi những câu chuyện về các chiến sĩ biệt động bao phen làm cho kẻ địch khiếp sợ, bà Thiện Đồng đã gặp anh hùng - đại tá Nguyễn Đức Hùng (tức Tư Chu), Phó Tư lệnh - Tham mưu trưởng Quân khu Sài Gòn - Gia Định kiêm Chỉ huy trưởng lực lượng biệt động Sài Gòn.

Được ông Tư Chu nhiệt tình hỗ trợ về mặt thông tin, bà tìm gặp một số thành viên đội biệt động Sài Gòn ngày ấy, nghe họ kể chuyện. Và bà viết, say sưa, mê mải. 15 trận đánh gây rúng động của biệt động Sài Gòn được tái hiện trên những trang viết đầy cảm xúc của tác giả Mã Thiện Đồng.

Viết về người thật việc thật gắn với những sự kiện lịch sử trong chiến tranh là công việc đầy thử thách đối với một người cầm bút không chuyên, cũng không biết gì về các loại vũ khí. Bà Thiện Đồng từng nhầm tưởng pháo 82mm là một khẩu súng to, có... cò súng, và nghĩ rằng TNT là... lựu đạn.

Cuối năm 2004, bà Thiện Đồng hoàn thành bản thảo cuốn sách đầu tiên Biệt động Sài Gòn - chuyện bây giờ mới kể. Bà mang bản thảo đến gặp Ban liên lạc Biệt động Sài Gòn, nhờ họ kiểm chứng từng chi tiết và chỉnh sửa. Sau đó, bà mang bản thảo đến nhà ông Tư Chu nhờ ông đọc và “duyệt” nội dung.

Cuốn sách Biệt động Sài Gòn - chuyện bây giờ mới kể được NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh ấn hành và tái bản. Cuốn sách đầu tiên được bạn đọc hào hứng đón nhận, cho thấy tác giả có duyên với nghiệp cầm bút.

Tiếp nối sự thành công của Biệt động Sài Gòn - chuyện bây giờ mới kể, nhà văn Mã Thiện Đồng viết thêm... 11 cuốn sách về biệt động Sài Gòn. Bà thổ lộ: “Mình được in sách, nhuận bút 10%. Mình thêm ít tiền mua sách tặng người thân, bạn bè đồng nghiệp. Viết được sách, mình thích lắm”.

Nhà văn Mã Thiện Đồng tại trại sáng tác ở Vũng Tàu. Ảnh: YÊN LAN

Nhà văn Mã Thiện Đồng tại trại sáng tác ở Vũng Tàu. Ảnh: YÊN LAN

Viết bng cm xúc, nhit huyết và... nưc mt

Không chỉ say mê với đề tài biệt động Sài Gòn, nhà văn Mã Thiện Đồng còn viết về những chiến sĩ tình báo can trường, về những con người làm nên chiến công nơi địa đạo, về tàu Không số... Bà đã có 6 cuốn sách về tình báo, 4 cuốn sách về tàu Không số...

Nhà văn Mã Thiện Đồng thổ lộ: “Tôi là người học Văn, dạy Văn ở miền Bắc rồi vào miền Nam. Dạy Văn là giáo dục thế hệ trẻ lòng yêu nước, yêu thương con người, tôi lại được gặp những người anh hùng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Điều đó thôi thúc tôi viết, đưa những chiến công của họ, cuộc đời họ lên trang sách, để thế hệ sau thấy rằng sự hy sinh của quân và dân ta trong kháng chiến lớn lao như thế nào. Những gì tôi viết hoàn toàn là sự thật, không thêm thắt. Mỗi câu chuyện tôi đều gửi gắm vào đó niềm khâm phục”.

Mỗi đề tài, mỗi nhân vật đều mang đến cho nhà văn Mã Thiện Đồng vô vàn cảm xúc. Có những lúc, bà rơi nước mắt. Đó là khi viết về anh hùng - thiếu tá tình báo Nguyễn Văn Thương (Hai Thương) - một tấm gương về sự mưu trí, kiên cường.

Năm 1969, trên đường công tác, ông Hai Thương bị địch bao vây tại một cánh đồng ở Bến Cát (Bình Dương). Ông chiến đấu đến viên đạn cuối cùng trước khi bị thương, ngất đi và rơi vào tay địch. Trong lao tù, ông giữ vững khí tiết của người chiến sĩ cách mạng, không gục ngã trước những mua chuộc, dụ dỗ lẫn tra tấn tàn bạo của kẻ thù. Hai Thương bị quân Mỹ cưa chân đến 6 lần; ông vĩnh viễn mất đôi chân.

Bà Thiện Đồng nhớ lại: “Vừa gặp anh Thương là tôi khóc rồi. Cảm xúc dâng trào. Tôi chưa từng hình dung có một ngày, một người anh hùng như thế ngồi kể chuyện với tôi - cô giáo dạy Văn. Khi tôi về, anh Thương dùng tay di chuyển trên hai cái ghế, ra đến cửa, tiễn tôi. Tôi khóc òa lên. Tôi dốc hết khả năng, dốc hết nhiệt huyết viết hồi ký cho anh ấy”.

Sau đó, nhà văn Mã Thiện Đồng xin phép ông Hai Thương cho bà viết một cuốn sách về ông từ lúc bị bắt cho đến ngày hòa bình. Ông Hai Thương bảo: “Được, nhưng tôi đề nghị cô một điều: Tôi kể sao, cô viết vậy. Những chi tiết tôi nói ra phải chính xác”.

Bà Thiện Đồng cam đoan sẽ viết đúng như những gì nhân vật kể. Không có máy ghi âm, bà nghe ông Hai Thương kể và ghi tóm tắt nội dung. Về nhà mở sổ ra, hình ảnh người anh hùng cùng những câu chuyện của ông lần lượt hiện lên như thước phim quay chậm. Bà viết bằng tất cả cảm xúc, bằng sự khâm phục một chiến sĩ tình báo giữa “hang hùm miệng sói” vẫn kiên cường. Và bằng nước mắt. Viết đến đâu khóc đến đấy.

Cuốn sách Người bị CIA cưa chân 6 lần ra đời, được bạn đọc nồng nhiệt đón nhận. Buổi ra mắt sách được tổ chức tại hội trường Thành ủy TP Hồ Chí Minh; đồng chí Nguyễn Văn Nên, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh khi đó cùng đoàn cán bộ ở Tây Ninh đến dự.

Cuốn sách được tái bản đến lần thứ 11. Anh hùng - thiếu tá tình báo Nguyễn Văn Thương và tác giả Mã Thiện Đồng được mời đi nói chuyện ở nhiều nơi. Ông Hai Thương chia sẻ những câu chuyện rất cảm động trong khói lửa chiến tranh, giáo dục lòng yêu nước, truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.

Tác phẩm này là cầu nối để các cán bộ cách mạng ở Bình Dương gặp lại người đã cứu họ trong trận càn Cédar Falls, năm 1967. Bà Thiện Đồng nhớ lại: “Anh Thương nhiều lần kể về trận càn Cédar Falls. Anh bảo: “Ở Bến Cát còn mấy người anh em, đồng chí của tôi ngày đó”.

Tôi mượn xe, đưa anh Thương xuống Bến Cát, gặp những người từng tham gia cuộc chiến đấu không cân sức mười mấy ngày đêm trong lòng địa đạo. Thế là sau đó, cuốn sách Bóc vỏ trái đất ra đời”. Cuốn ký sự này tái hiện một trong những trận càn vô cùng khốc liệt ở miền Nam, qua đó khắc họa tinh thần chiến đấu kiên cường bất khuất, mưu trí sáng tạo xuất phát từ lòng yêu nước của các chiến sĩ cách mạng.

Ở tuổi 74, nhà văn Mã Thiện Đồng vẫn hào hứng viết. Bà vui khi những cuốn sách của mình là một mảng hiện thực trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của quân và dân ta ở miền Nam.

Nhà văn Mã Thiện Đồng tên thật là Đinh Thiện Đồng, sinh năm 1950 tại Hải Dương, sống tại Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh. Bà là tác giả nhiều cuốn sách được công chúng đón nhận:

Biệt động Sài Gòn - chuyện bây giờ mới kể, Bóc vỏ trái đất, Mạch nguồn, Ký ức tàu Không số, Đoàn cảm tử quân trên biển, Những người con của bến, Huyền thoại trong lòng đất, Người Tịnh Khê, Bên dòng Thạch Hãn - mùa hè 1972, Gia đình tình báo có bốn Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Niềm tin thắp sáng, Điệp viên Tám Thảo...

YÊN LAN

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/93/318972/nha-van-ma-thien-dong--nguoi-ke-chuyen-ve-nhung-anh-hung.html