Nhà văn Ngô Tất Tố: Một tên tuổi lớn, một ngôi sao sáng
Sáng 20/4, Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức 'Lễ kỷ niệm 130 năm ngày sinh nhà văn Ngô Tất Tố' (20/4/1893 - 20/4/2023). Dù đã đi xa nhưng các tác phẩm của ông vẫn còn tính thời sự, mang nhiều thông điệp ý nghĩa trong đời sống hiện nay.
Ngô Tất Tố là một tên tuổi lớn với những đóng góp to lớn, đặt nền móng cho tiến trình văn học Việt Nam hiện đại. Theo các nhà phê bình văn học, các tác phẩm của Ngô Tất Tố chứa đựng nhiều mặt giá trị.
Các tác phẩm như “Tắt đèn”, “Việc làng”, “Tập án cái đình” đã truyền tải đến người đọc những thực tế nhức nhối trong sinh hoạt người nông dân và nông thôn Việt Nam trước 1945.
Với ngòi bút chân thực, Ngô Tất Tố luôn làm người đọc kinh ngạc vì cách đặt vấn đề xã hội từ các tầng tiềm ẩn sâu xa của sự sống và của cả nền văn hóa. Cũng vì sự nhạy cảm, cập nhật thời sự của hiện tại, những tác phẩm của ông mang tầm vóc lớn khi thấu hiểu sau xa về cuộc sống và con người, về xã hội và thời cuộc.
Sinh năm 1893, mất năm 1954, toàn bộ sự nghiệp viết của Ngô Tất Tố là nghiêng về phía trước 1945. Trong chưa đầy ba chục năm, tính từ khi vào nghiệp văn, ông đã để lại một khối lượng trang in không mỏng, gồm các sáng tác trên rất nhiều mặt hoạt động mà một cây bút nếu không đủ vốn, đủ hành trang, đủ nhiệt tâm và bản lĩnh thì hẳn khó mà vươn tới được.
Nghiệp văn của Ngô Tất Tố là nằm trọn nửa đầu thế kỷ XX, thế nhưng người đọc vẫn không một chút e dè khi đặt Ngô Tất Tố vào hàng những văn gia lớn của cả thế kỷ. Bởi ông luôn luôn là con người của thời sự, của hiện tại.
Ánh sáng trong tác phẩm của ông luôn luôn có sức rọi sâu và xa. Sự nghiệp của ông là dự cảm, llà hiện thân những vấn đề của đất nước, của nhân dân, của thế kỷ.
Một thế kỷ dày đặc các sự kiện, các biến động, các đổi thay, các bước ngoặt trong đời sống vật chất và tinh thần, trong văn hóa, văn học, nghệ thuật... mà phần xuyên suốt, liền mạch, không ngắt quãng của nó là hai nhu cầu lớn và khẩn thiết: Công cuộc canh tân đất nước và cách mạng dân tộc - dân chủ chúng ta đã hoàn thành; công cuộc đổi mới và cách mạng theo định hướng xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đang theo đuổi.
Hóa thân vào người nông dân nhưng Ngô Tất Tố vẫn là một nhà Nho, một trí thức Tây học, một kẻ sĩ của nhân dân. Ông nhìn nhân dân với cái nhìn của người trí thức và đau nỗi đau của người trí thức, không phải cái nhìn và nỗi đau của người đứng ngoài.
Nghề báo, đó cũng chính là lĩnh vực Ngô Tất Tố chiếm lĩnh ở vị trí cao và tác giả Ngô Tất Tố - vẫn qua nhận xét của nhà văn Vũ Trọng Phụng - là “một tay ngôn luận xuất sắc trong đám nhà Nho”. Ở đây bộc lộ sự quyết liệt, sâu sắc trong phê phán, phanh phui, lật trở các vấn đề của xã hội thuộc địa.
Tư cách nhà văn hóa, học giả, người nghiên cứu dày dặn và sâu sắc về văn hóa dân tộc nói riêng và văn hóa phương Đông cổ truyền có thể được xem là phần cơ bản tạo nên cốt cách riêng của Ngô Tất Tố, so với nhiều đồng nghiệp cùng thời.