Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp: Ngôi sao sáng của văn học Việt Nam
Nguyễn Huy Thiệp (1950- 2021) là nhà văn đương đại Việt Nam nổi tiếng với các thể loại truyện ngắn, kịch, tiểu thuyết, phê bình văn học. Sự ra đi của ông vào chiều 20-3 vừa qua đã để lại niềm tiếc thương vô hạn với nhiều thế hệ công chúng bạn đọc.
Xuất hiện trên văn đàn từ năm 1986, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp có nhiều tác phẩm tạo dấu ấn đặc sắc, nổi bật như: Tướng về hưu, Không có vua, Những ngọn gió Hua Tát, Chảy đi sông ơi, Con gái thủy thần...
* Sự nghiệp văn chương đồ sộ
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp sinh tại Thái Nguyên, quê gốc ở H.Thanh Trì, Hà Nội. Thuở nhỏ, ông cùng gia đình lưu lạc khắp nông thôn đồng bằng Bắc bộ, từ Thái Nguyên qua Phú Thọ, Vĩnh Yên… Năm 1970, ông tốt nghiệp Khoa Sử Trường đại học Sư phạm Hà Nội. Trước khi trở thành người viết văn chuyên nghiệp, ông có nhiều năm dạy học tại Tây Bắc. Năm 1980, ông chuyển về làm việc tại một công ty thiết bị sách của Bộ GD-ĐT, sau đó làm việc tại Công ty Kỹ thuật trắc địa bản đồ, Cục Bản đồ cho đến lúc nghỉ hưu.
Nguyễn Huy Thiệp xuất hiện khá muộn trên văn đàn Việt Nam với vài truyện ngắn đăng trên Báo Văn nghệ năm 1986. Năm 1996, Tiểu Long Nữ được coi là “tiểu thuyết đầu tay” của ông được chính thức xuất bản bởi NXB Công an nhân dân. Sở trường của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp là các truyện ngắn với mảng đề tài đa dạng gồm lịch sử và văn học, hơi hướng huyền thoại và cổ tích, xã hội Việt Nam đương đại, đời sống làng quê và những người lao động.
Trong sự nghiệp sáng tác, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp từng nhận nhiều giải thưởng văn chương, trong đó nổi bật là Huân chương Văn học nghệ thuật Pháp (năm 2007); giải thưởng Premio Nonino Italia (năm 2008). Ông vừa được Hội đồng cấp cơ sở gửi hồ sơ lên Hội đồng cấp nhà nước đề nghị xét tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2021. 2 tác phẩm được đề nghị xét giải của ông là truyện ngắn Tướng về hưu và Những ngọn gió Hua Tát.
Trong sự nghiệp sáng tác của mình, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp có hơn 50 truyện ngắn, 10 kịch bản, 4 tiểu thuyết và nhiều bài phê bình văn học, tiểu luận. Tên tuổi của ông với hàng chục truyện ngắn như: Tướng về hưu, Những ngọn gió Hua Tát, Không có vua, Con gái thủy thần, Những người thợ xẻ, Kiếm sắc, Vàng lửa, Phẩm tiết… Trong đó, truyện ngắn Tướng về hưu đã được chuyển thể thành phim truyện điện ảnh cùng tên vào năm 1988. Bộ phim này cũng gây tiếng vang lớn, đến nay vẫn là một trong những phim truyện Việt Nam nổi tiếng, để lại dấu ấn khó quên cho người xem.
Ngoài truyện ngắn, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã xuất bản nhiều tiểu thuyết như: Tuổi 20 yêu dấu, Gạ tình lấy điểm, Tiểu long nữ… Ông cũng là tác giả của nhiều kịch bản như: Gia đình (hay Quỷ ở với người, dựa theo truyện ngắn Không có vua), Nhà tiên tri… Bên cạnh đó, ông còn làm thơ (chưa xuất bản tập thơ nào, nhưng xuất hiện khá nhiều trong các truyện ngắn của ông) và viết tiểu luận phê bình đăng trên nhiều báo, tạp chí trong nước.
Năm 2020, tuyển tập Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp với phần minh họa của nhiều họa sĩ nổi tiếng như: Lê Thiết Cương, Quách Đông Phương, Thành Chương... ra mắt bạn đọc nhân dịp ông tròn 70 tuổi. Tuyển tập gồm 42 truyện chọn lọc và tâm đắc nhất của ông, do NXB Văn học và Công ty Đông A ấn hành với nhiều phiên bản chất lượng phục vụ bạn đọc gần xa.
Với ngòi bút đầy bản lĩnh và tài năng sáng tạo, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã làm một cuộc cách mạng trong tư duy nghệ thuật so với truyền thống. Những tác phẩm của ông mang lại cho bạn đọc một cảm giác vừa thân quen, vừa lạ lẫm, vừa truyền thống, vừa hiện đại. Nét cá tính và phóng khoáng, không bị gò bó bởi khuôn mẫu đã khiến cho văn chương của ông có sức hút một cách kỳ lạ, khó có thể diễn tả. Điều đó cho thấy ông không chỉ bao quát cuộc sống, không chỉ xoáy vào nhiều đề tài mà còn mở ra một phong cách mới của văn học Việt Nam hiện đại.
* “Hiện tượng” độc đáo trên văn đàn
Sự ra đi của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp để lại niềm tiếc nuối khôn nguôi trong lòng bao thế hệ bạn đọc và nhiều thế hệ nhà văn hôm nay. Nhà văn Trần Thu Hằng (Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai) cho biết, mặc dù chưa có dịp gặp gỡ trực tiếp nhà văn Nguyễn Huy Thiệp ngoài đời nhưng những sáng tác của ông đã ghi dấu ấn sâu đậm trong chị và trong nhiều thế hệ học sinh, sinh viên.
“Thời tôi còn sinh viên, trên văn đàn đã “xôn xao” về các tác phẩm của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, chúng tôi đổ xô tìm đọc, bàn luận, nghiên cứu và chia sẻ những tác phẩm của ông. Trong số đó, tôi ấn tượng nhất vẫn là truyện Những ngọn gió Hua Tát. Những ngày tôi mới chập chững sáng tác, nghệ thuật viết truyện ngắn của ông tác động mạnh và có ảnh hưởng ít nhiều đến cách viết của bản thân tôi. Về sau, tôi học hỏi kinh nghiệm viết văn của ông để rồi chuyển hóa, tự định hình phong cách cho mình” - nhà văn Thu Hằng chia sẻ.
Có dịp gặp gỡ nhà văn Nguyễn Huy Thiệp trong một lần đến Hà Nội dự hội nghị văn chương do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức, nhà văn Nguyễn Trí kể: “Ấn tượng về Nguyễn Huy Thiệp trong tôi là người gần gũi, hiền hòa và thân tình. Lần ra Hà Nội ấy, tôi được một người bạn dẫn đi uống trà cùng nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, lúc đó tôi chưa được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam. Trong buổi nói chuyện, chúng tôi đề cập đến chuyện đời, chuyện nghề và Nguyễn Huy Thiệp có khuyên tôi rằng nên làm đơn xin vào Hội để sinh hoạt”.
Riêng đối với những tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp, nhà văn Nguyễn Trí cho biết ông đã đọc gần hết và có ấn tượng sâu sắc với nhiều tác phẩm như: Tướng về hưu, Những ngọn gió Hua Tát, Hạc vừa bay vừa kêu thảng thốt, Chuyện ông Móng… “Văn chương của Nguyễn Huy Thiệp đã đọc thì không thể rời mắt, mỗi câu, mỗi từ đều tròn trịa, không thừa, không thiếu. Ông viết về những vấn đề của cuộc sống xã hội mà trước đó chưa ai nói, bằng cách viết và bút pháp rất riêng biệt. Một số tác phẩm của ông đi vào đầu tôi một cách tự nhiên, đọc xong gần như tôi đã thuộc lòng” - nhà văn Nguyễn Trí bộc bạch.
Theo nhà văn Bùi Quang Tú, thời điểm cha ông (nhà văn Bùi Hiển) còn sống, ông thường được cha kể chuyện về những sáng tác của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Nguyễn Huy Thiệp xuất hiện trên văn đàn với những truyện ngắn đặc sắc, mới mẻ không giống ai đã tạo được dấu ấn sâu đậm trong lòng bạn văn và các thế hệ bạn đọc.
Nhà văn Bùi Quang Tú chia sẻ: “Cha tôi thường nói Nguyễn Huy Thiệp có bút pháp “lạnh”. Trong dòng chảy văn học hậu chiến, nhiều nhà văn đang khai thác đề tài chiến tranh thì Nguyễn Huy Thiệp lại in khá đậm nét về đề tài nông thôn và những người lao động. Tác phẩm của ông chủ yếu lên án cái xấu, cái ác, khơi gợi niềm tin, sự hướng thiện. Chính cái nhìn mạnh mẽ, quyết liệt về xã hội ấy đã tạo nên sự đổi mới trong văn chương của ông. Tôi cũng hoàn toàn đồng ý với các đánh giá, Nguyễn Huy Thiệp là một “hiện tượng” độc đáo của văn đàn, là nhà văn lớn của Việt Nam”.