Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư: 'Nhà văn không và không nên viết vì giải thưởng'
Giải thưởng Văn học Ðiền Trì ra đời vào năm 2003, do Tạp chí Văn học Ðiền Trì sáng lập, Liên đoàn Văn học và Nghệ thuật Côn Minh quản lý, trao thường niên. Giải thưởng này luôn đi theo tôn chỉ chú trọng chất lượng tác phẩm, nâng đỡ các cây bút có lực, đặc biệt là cây bút trẻ. Riêng hạng mục "Văn học Ðông Nam Á" có từ năm 2018. Với hạng mục này, có đến 11 nước trong khu vực tham gia.
Truyện ngắn "Những biển" vừa được trao giải thưởng "Văn học Ðông Nam Á xuất sắc nhất năm 2024" nằm trong tập truyện ngắn "Cố định một đám mây" của Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. Ðây là tập truyện ngắn với 10 truyện mang đầy dấu ấn cá nhân của nhà văn vùng đất Tây Nam Bộ.
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư nổi tiếng với nhiều tác phẩm: "Ðảo", "Khói trời lộng lẫy", "Cánh đồng bất tận", "Gió lẻ", "Không ai qua sông", "Hành lý hư vô". Trước giải thưởng này, chị từng nhận nhiều giải thưởng văn chương trong nước và quốc tế như: Giải Văn học tuổi 20, Giải Văn học ASEAN 2008. Một số cuốn sách của Nguyễn Ngọc Tư còn được dịch sang tiếng Hàn, Anh, Ðức và Thụy Ðiển.
Nhận giải thưởng “Văn học Ðông Nam Á xuất sắc nhất năm 2024” do Tạp chí Văn học Ðiền Trì (Trung Quốc) trao với tác phẩm "Những biển", Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư chia sẻ với độc giả ấn phẩm Ðất Mũi của báo Cà Mau về cảm xúc, góc nhìn của bản thân về giải thưởng và về tác phẩm của chính mình.
- Thưa Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, khi nhận giải “Văn học Ðông Nam Á xuất sắc nhất năm 2024” do Tạp chí Văn học Ðiền Trì (Trung Quốc) trao, chị nghĩ, tác phẩm của mình đã đáp ứng được tiêu chí nào của họ?
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư: Giải thưởng mang tới cho tôi sự an ủi rằng tác phẩm của mình được tiếp thêm ánh sáng, hơi ấm trên con đường lang thang và chịu áp lực bởi sự mài mòn của thời gian. Tôi tin, mỗi bạn đọc, từ vị trí của họ sẽ cảm thụ tác phẩm văn học theo cách riêng. Những người trong Ban Tổ chức giải cũng vậy. Cái sự mênh mông, đa dạng đó mình không thể dò, nên tôi bỏ qua, không dõi theo, hay đọc vị, hay ước đoán. Nói cho cùng, nhà văn không và không nên viết vì giải thưởng.
- Chị có thể chia sẻ điều tâm đắc của bản thân với truyện ngắn "Những biển" vừa được giải?
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư: Tôi không thật sự tâm đắc với tác phẩm nào của mình. Có thể lúc mới viết xong thì ưng, nhưng sau đó đọc lại, lại thấy có đôi chỗ không vừa ý. "Những biển" nằm trong tập sách mà tôi coi là quan trọng trong quá trình sáng tác. Nó quan trọng vì là tôi bắt đầu ý thức một cách nghiêm túc về kỹ thuật viết, bắt đầu đi vào khai thác nội tâm của nhân vật thay vì chỉ kể một câu chuyện đơn thuần.
- Ðể độc giả mãi bảo bọc thì chị thay đổi và nỗ lực về điều gì trong từng tác phẩm?
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư: "Thứ mình đang hoặc sắp viết đây có gì mới?", bao giờ xuất hiện một ý tưởng trong đầu, tôi cũng tự hỏi câu đó. Nếu vấn đề không mới thì ít nhất tôi cũng nên có một góc nhìn mới. Sự bảo bọc của độc giả sẽ gắn với trách nhiệm luôn làm mới mình. Tôi cẩn trọng từng câu, chữ; không ngừng học. Với tôi là vậy, nhưng mỗi nhà văn có cách nghĩ khác.
- Chất văn hồn hậu, chân thực và thấm ngay khi đọc của chị đã được tôi luyện như thế nào qua từng năm tháng cũng như trải nghiệm cuộc sống?
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư: Này thì cũng khó nói, tôi nghĩ mình có một chút duyên trời cho, ngay từ đầu. Sẽ có nhiều người viết, nhưng để trở thành nhà văn cần có chút duyên đó.
- Tác phẩm của chị ở thì hiện tại sẽ mang dấu ấn và khác những gì so với trước đây?
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư: Tôi chú trọng kỹ thuật hơn, viết có ý thức hơn, không còn bản năng như trước, vì vậy mà chữ cũng phức tạp hơn, không còn dành cho số đông như trước, đồng nghĩa tôi không còn là nhà văn yêu thích của mọi người, mọi giới. Với tôi, đánh đổi này là xứng đáng.
- Chị nghĩ, giới văn sĩ Cà Mau cần nỗ lực hơn điều gì để tạo được một tên tuổi đại diện cho quê hương và có được chỗ đứng với độc giả như chị đã làm được giữa vô vàn nhà văn, tác giả giỏi trong cả nước?
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư: Tôi nghĩ, không người viết, hay văn nghệ sĩ nào là đại diện cho ai khác, ngoài chính mình. Nỗ lực hết mình, nghiêm túc hết mình, học hỏi không ngừng. Tôi biết, nếu không phải thiên tài (những người này rất hiếm) thì ngoài có một chút khả năng trời cho, người làm sáng tạo văn học nghệ thuật còn phải học nhiều. Bầu trời trên kia rộng lắm, mình ở dưới giếng không hình dung nổi đâu.