Nhà văn nhìn Hà Nội với con mắt của 'kẻ si tình'
Nếu bạn là một vị khách du lịch mang theo cuốn sách đi dọc phố phường hay ngồi thư thái với tách cà phê, trà đá ở một quán nước cũng dễ có cảm giác đang được một người quen dẫn đi thăm thú Hà Nội.
Hà Nội đang trong giai đoạn giao hòa giữa mới và cũ, giữa lạ và quen… như chính nhà văn Uông Triều – một "kẻ si tình" với Hà Nội từng so sánh rằng: Hà Nội nghìn năm tuổi có lúc như một đứa trẻ mới lớn với cái áo quá chật cần có những thay đổi. Sự thay đổi luôn có những điều tích cực nhưng cũng không tránh khỏi những bất cập. Nhà văn Uông Triều không phải là "kẻ si tình mù quáng" đến với Hà Nội dấu xưa, phố cũ, anh nhìn Hà Nội có phần thật hơn, anh vẫn yêu nhưng nét yêu đã bớt mỹ vị.
Hà Nội hiện giờ đã rất khác, chính anh cũng nhận thấy nó lạ lẫm, khiến mình bực tức nóng giận vì cái sự ồn ào, ngột ngạt của nó nhưng cuốn sách mới Hà Nội, dấu xưa, phố cũ, nhà văn Uông Triều viết với đầy sự bao dung vì dẫu sao trong mắt "kẻ si tình" như anh, Hà Nội vẫn đáng để yêu, để nhớ và để viết về.
Cách đặt tên cũng vẫn mộc mạc như ta từng bắt gặp trong cuốn Hà Nội quán xá, phố phường nhưng đến với Hà Nội dấu xưa, phố cũ sẽ không còn những hàng quán, những món ăn mà thay vào đó là sự ngẫu hứng về mọi điều ở Hà Nội mà anh bắt gặp, cả điều cũ và mới, cả những điều tác giả thích hay không. Chính sự ngẫu hứng ấy khiến người đọc có cảm giác lần này anh như một lãng khách, vốn nghe tiếng đất Kinh Kỳ từ lâu, nay tự mình trải nghiệm, nên cách đặt thứ tự bài viết cũng hoàn toàn ngẫu hứng chứ không còn đan xen giữa hàng và phố một cách có chủ đích. Đơn giản, tự do yêu Hà Nội theo cách của một người tỉnh ngoài.
Nếu bạn là một vị khách du lịch mang theo cuốn sách đi dọc phố phường hay ngồi thư thái với tách cà phê, trà đá ở một quán nước cũng dễ có cảm giác đang được một người quen dẫn đi thăm thú Hà Nội. Không hoa mỹ, bay bổng mà như lời kể, lời chuyện trò của một người bạn đang say mê nói về Hà Nội là cách Uông Triều đã thể hiện trong Hà Nội dấu xưa, phố cũ. Cái hay là anh thực sự dành công sức để đi, để tìm hiểu nên khi đến một địa điểm bất kỳ đều có thể so sánh với nhưng nơi chốn khác giúp người đọc có sự bao quát.
Như, nói về thanh âm của thành phố, Uông Triều nhắc đến tiếng máy cắt, máy hàn ở phố Lò Rèn, Hàng Thiếc, ở đầu Giảng Võ, hay những âm thanh chim hót ở dốc Tam Đa, thậm chí là cả những tiếng rao đêm của những gánh hàng… Anh cho rằng âm thanh nơi này dễ chịu, nơi kia đã thưa vắng, chỉ thế thôi nhưng đã đủ khiến người ta muốn dành chút thời gian để tự lắng nghe những thanh âm mà vốn ngỡ là tiếng ồn ào, phiền toái nên cố chặn chúng lại bên ngoài bằng những tấm cửa chống ồn.
Uông Triều cũng rất biết cách kể chuyện. Anh luôn tìm được những câu chuyện riêng có ở mỗi điểm đến để kể cho người đọc, có những câu chuyện nhiều người đã biết, có những câu chuyện ít người được nghe, không ly kỳ nhưng lại mang những dấu ấn lịch sử. Từ chuyện những ngôi đền thiêng, bức tượng cổ đến cả những tích truyện phía sau câu ca dao… đều được Uông Triều kể lại, không quá dài nhưng khiến người đọc bồi hồi. Có khi vì vậy mà người ta phải tìm cách để biết nhiều hơn về câu chuyện anh nhắc tới ở nhiều nguồn khác nữa, vì mỗi chuyện anh chỉ lựa chọn một vài chi tiết đặc sắc để kể, chưa đủ thỏa mãn cho những người tò mò muốn được biết tường tận. Vậy mới thấy, Hà Nội tự nó cũng đã là một pho tàng đồ sộ với những câu chuyện trầm tích chờ người tìm đến khám phá.