Nhà văn viết báo Xuân

Báo Xuân, từ lâu trở thành một món ăn tinh thần không thể thiếu trong dịp Tết của người Việt. Và những cây bút tài hoa, nhà văn, nhà thơ là những người góp phần tạo nên hương vị đặc biệt cho các tờ báo Xuân thêm nhiều dư vị và cảm xúc.

Với nhiều người, báo Xuân không chỉ đơn thuần là một ấn phẩm báo chí mà còn là một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa tinh thần của người Việt. Báo Xuân giúp chúng ta cảm nhận sâu sắc hơn về mùa Xuân. Vì đó là cầu nối giúp mọi người cảm nhận được vẻ đẹp của mùa Xuân, từ những cánh hoa đào, hoa mai đến những câu chúc Tết ấm áp. Báo Xuân còn giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa, giúp chúng ta hiểu rõ hơn về những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, từ đó có ý thức gìn giữ và phát huy. Chưa kể, báo Xuân mang đến những câu chuyện vui vẻ, những bài thơ hay, giúp chúng ta thư giãn và tận hưởng những ngày Tết trọn vẹn hơn.

Với nhà văn, mùa Xuân với họ đã “gõ cửa” từ những nét bút đầu tiên trên bản thảo của báo Xuân. Nhiều nhà văn cho rằng, văn phong của báo Xuân phải tươi tắn, trong sáng, chứ lộ vẻ than thở, buồn bã là không thể chấp nhận. Có khi nhà văn kể chuyện về loài vật biểu tượng của năm, như: Con chuột, con trâu, con hổ, con rắn... Cũng có lúc là một truyện ngắn, một bút ký có hương vị Xuân hoặc những nét đẹp truyền thống vào ngày Tết đến, Xuân về như “Mồng một Tết cha, mồng hai Tết mẹ, mồng ba Tết thầy”.

“Hàng năm, đôi khi tất bật với công việc, tôi quên mất còn bao nhiêu ngày nữa đến Tết. Tuy nhiên, hễ nghe các anh chị biên tập viên gọi nhắc viết báo Xuân thì tôi thấy nôn nao. Cảm giác từ nghĩ suy đến ngồi viết ra mang đến cho tôi nhiều điều thú vị. Nhờ vậy mà mình có dịp quan sát đời sống, thâm nhập vào thực tế hơn. Đôi khi, tôi đến với người trồng hoa để biết họ đổ mồ hôi với cây từ khi gieo hạt. Lúc lại đến với người làm bánh mứt để biết người nông dân đã cực nhọc thế nào… Và khi cầm được tờ báo Xuân trên tay, cảm giác nôn Tết như vỡ òa, đó là lúc tôi thấy Tết thực sự đã về - về trên từng con chữ, từng câu chuyện” - nhà văn Lê Quang Trạng (hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hiện công tác tại Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh An Giang) chia sẻ.

Là tác giả của 10 đầu sách, đoạt giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2023 với truyện dài “Cá linh đi học” và là đại biểu Việt Nam tham dự diễn đàn Văn học Châu Á năm 2023 tại Hàn Quốc, Lê Quang Trạng là “cây viết” trẻ đầy tiềm năng của tỉnh An Giang. Nhà văn viết báo Xuân sẽ thế nào? Nói về điều này, nhà văn Lê Quang Trạng cho biết: “Tôi hay nói vui với các bạn, mùa báo Tết như một dịp tổ nghề “lì xì” cho người viết. Và với tôi, mỗi năm khi được “lì xì” đều có những kỷ niệm vui”.

Cái gì tươi mới nhất, xinh tươi nhất đều được nhà văn dành cho báo Xuân. Thế nên, báo Xuân không chỉ là một tờ báo thông thường mà còn là một tác phẩm nghệ thuật. Sự kết hợp giữa tài năng của nhà văn và không khí rộn ràng của mùa Xuân đã tạo nên một nét đẹp văn hóa độc đáo của người Việt Nam.

“Người Việt đọc báo Xuân cũng giống như việc ăn mứt Tết, nhâm nhi trà mỗi dịp Tết đến, Xuân về và không biết tự bao giờ đã trở thành thông lệ, nét đẹp văn hóa” - nhà văn Lê Quang Trạng hồi tưởng.

PHƯƠNG LAN

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/nha-van-viet-bao-xuan-a414040.html