Kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2): Vận dụng bài học công tác Đảng trong nhà tù đế quốc vào xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh (Bài 1)
95 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, cách mạng nước ta đã giành nhiều thắng lợi to lớn. Để đi đến bến bờ vinh quang, hạnh phúc, đã có rất nhiều thế hệ cán bộ, đảng viên bị địch bắt, tra tấn, tù đày hy sinh hoặc 'chết đi, sống lại'. Người trước ngã xuống, người sau đứng lên, quyết tâm bảo vệ lý tưởng cộng sản, tranh đấu giành và bảo vệ nền độc lập, tự do của Tổ quốc…
Bài 1: Biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng
Trong ngục tối của kẻ thù, bản lĩnh những người cộng sản tiếp tục tỏa sáng và kiên cường hơn bao giờ hết. Họ đã đoàn kết, biến nhà tù đế quốc, thành những trường học cách mạng, trui rèn bản lĩnh, kiên quyết đấu tranh, không khuất phục kẻ thù.
* Những câu chuyện xúc động
“Đời cách mạng từ khi tôi đã hiểu/Dấn thân vô là phải chịu tù đầy/Là gươm kề tận cổ, súng kề tai/Là thân sống chỉ coi còn một nửa/Bao khổ ấy, thôi cần chi nói nữa/Bạn đời ơi! Ta đã hiểu nhau rồi” - bài thơ “Trăng trối” của nhà thơ Tố Hữu được ông Nguyễn Minh Hoàng, Phó chủ tịch Hội Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày (CSCMBĐBTĐ) tỉnh đọc thay lời chào đầu năm mới với chúng tôi khi gặp mặt.
Bước vào câu chuyện về những năm tháng từng sống, hoạt động, đấu tranh... trong nhà lao Phú Quốc, cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Minh Hoàng chậm rãi đọc những câu thơ trên như lời khẳng định, trong bất cứ hoàn cảnh nào, bản lĩnh và khí tiết của người chiến sĩ cộng sản cũng luôn kiên định, vững vàng; sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp cách mạng, vì nước, vì dân.
Kể với chúng tôi về quãng thời gian đấu tranh sống còn với kẻ thù, ông Hoàng cho hay, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông tham gia cách mạng và bị bắt khi đi công tác vào ngày 2-12-1969. Chúng giam ông tại Trại giam tù binh Hố Nai và Trại giam tù binh Phú Quốc và được "nếm đủ" những tra tấn, nhục hình.
Đến ngày 24-3-1973, địch trả tự do cho ông trong đợt trao trả tù binh tại Thành cổ Quảng Trị. Ông được về an dưỡng tại Sầm Sơn, Thanh Hóa và học tập chính trị tại Hà Nội. Đến ngày 24-3-1974, ông được về miền Nam tiếp tục chiến đấu đến ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam.
Cũng bị địch bắt tù đày và tra tấn dã man ở nhiều nhà lao đế quốc, ông Huỳnh Ngọc Nhuận (ngụ xã Tân Hiệp, huyện Long Thành) luôn là tấm gương sáng trong giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống cách mạng của Đảng, của dân tộc… từ chính hoạt động cách mạng phong phú của mình.
Ông Nhuận là một trong 27 CSCMBĐBTĐ được Đảng ủy nhà tù Côn Đảo chỉ đạo vượt ngục thành công trở về với cách mạng. Đêm 12-5-1971, đêm mà Đảng ủy nhà tù Côn Đảo quyết định cho ông cùng 26 đồng đội vượt ngục trở về với cách mạng trong điều kiện bị đối tượng phản bội chỉ điểm sẽ là kỷ niệm ông không bao giờ quên.
“Trước khi đi, Nguyễn Văn Tân - người em kết nghĩa của tôi ở Đà Nẵng đã dùng mật cá viết trên mẩu bìa carton trao cho tôi bức thư với nội dung: “Nếu còn sống sẽ hẹn ngày gặp lại khi đất nước thống nhất! Đồng thời dặn lại, nếu gặp trường hợp xấu nhất sẽ thủ tiêu bức thư để bảo đảm bí mật”. May mắn, cả tôi và Tân đều gặp lại nhau, lá thư vẫn được tôi giữ mãi đến cách đây vài năm trao lại cho Bảo tàng Phú Quốc trưng bày” - ông Nhuận kể lại.
Chính thực tiễn đấu tranh cách mạng phong phú của ông đã trở thành những bài học giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ ở địa phương. Trong buổi kể chuyện truyền thống cho tuổi trẻ mới đây, ông đã kể lại câu chuyện vượt ngục về với cách mạng của mình khiến nhiều người xúc động…
Phó chủ tịch Hội CSCMBĐBTĐ tỉnh NGUYỄN MINH HOÀNG cho biết, trong nhà lao đế quốc, kẻ thù dùng 24 ngón đòn thù, sát hại hàng ngàn chiến sĩ cách mạng, nhất là những người kiên quyết đấu tranh. Chỉ riêng Trại giam tù binh cộng sản Phú Quốc được Mỹ ngụy thiết lập từ tháng 7-1967 đến tháng 3-1973 chúng đã bắt giam hơn 40 ngàn chiến sĩ cách mạng và người dân yêu nước, trong đó chúng đã giết hại khoảng 4 ngàn tù binh, hàng chục ngàn người bị thương tật, tàn phế vĩnh viễn…
* Linh hoạt sinh hoạt Đảng trong tù ngục
Khi kể về quá trình đấu tranh cách mạng, đặc biệt nhiệm vụ xây dựng Đảng, sinh hoạt Đảng trong các nhà lao đế quốc, các CSCMBĐBTĐ đều rưng rưng xúc động cho rằng, sinh hoạt Đảng trong nhà tù đế quốc được tổ chức một cách linh hoạt, đa dạng nhằm phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của chế độ lao tù khắc nghiệt.
Đó có thể là trong bữa ăn, các cựu CSCMBĐBTĐ cùng nói chuyện hoặc nhắc về một chủ trương hay chính sách nào đó. Đó cũng có thể trong quá trình bị kẻ thù bắt từng nhóm đi lao động khổ sai trong khi làm nhiệm vụ tuyên truyền về chủ trương, đường lối…
“Đa dạng, linh hoạt nhưng đúng phương châm “ở đâu có đảng viên, ở đó có tổ chức Đảng”. Mỗi cựu CSCMBĐBTĐ thực sự trở thành những tuyên truyền viên tích cực, phổ biến, quán triệt chủ trương, chính sách đến với cựu CSCMBĐBTĐ để thống nhất về quan điểm, về phương pháp đấu tranh cũng như chống chào cờ ba que, chống chính sách thâm độc chia rẽ của kẻ thù” - ông Nguyễn Minh Hoàng kể lại.
Bị bắt giam và chuyển đến nhiều nhà lao đế quốc, CCB, cựu CSCMBĐBTĐ Phan Xuân Thừa, Chủ tịch Hội CSCMBĐBTĐ huyện Cẩm Mỹ còn in hằn nhiều vết sẹo minh chứng cho một thời kỳ bị địch giam cầm, tra tấn tại các nhà lao đế quốc.
Ông Thừa xúc động kể: “Ngày 19-5-1971 nhân dịp sinh nhật Bác, chúng gọi tôi lên lấy cung và hỏi: Đứa nào dạy mà mày thuộc Di chúc đến vậy? (tôi được Đảng ủy Nhà tù phân công đọc thuộc diễn văn kỷ niệm và Di chúc Bác Hồ). Tôi trả lời: Bác Hồ vị cha già của dân tộc Việt Nam, là ánh dương soi rọi cho những người chính nghĩa, trong đó có những chiến sĩ cách mạng nên chúng tôi kính yêu, học Bác và thuộc Di chúc của Người. Không đạt được ý định, chúng đè tôi ra tra tấn".
Cũng theo ông Thừa: “Chúng nghĩ đục răng tôi, đàn áp thể xác, tinh thần tôi và đồng đội thì chúng sẽ đạt mục đích. Nhưng chúng đã nhầm, đòn roi tra tấn của kẻ thù tiếp tục trui rèn bản lĩnh cách mạng của những người tù cộng sản; bởi họ có niềm tin tất thắng, tin vào chính nghĩa, chắc chắn cách mạng sẽ thành công” - ông Thừa nói.
Các cựu CSCMBĐBTĐ kể lại, hình thức như tổ chức mâm cơm để sinh hoạt chi bộ; giáo dục văn hóa trong tù; học thuộc những bài về lịch sử dân tộc; truyền miệng cho cán bộ, chiến sĩ bị tù đày. Khi đấu tranh thì chia thành lớp tuổi, trẻ đứng hàng đầu, trung tuổi hàng giữa; già thì hàng cuối… để đòi quyền dân sinh, dân chủ nhưng thực chất là cách linh hoạt trong sinh hoạt Đảng ở nhà tù đế quốc…