Thầy cô Việt kể chuyện ăn Tết, mặc áo dài lên giảng đường tại Mỹ, Anh
Anh Trúc Đào đi lễ chùa, đón Tết cùng cộng đồng người Việt tại San Diego (Mỹ). Trong khi đó, có năm, chị Sương Hoàng mặc áo dài lên giảng đường, chia sẻ văn hóa Tết âm lịch tại Manchester (Anh).
Ngày 26 tháng chạp, anh Nguyễn Nguyễn Trúc Đào ngâm rửa măng khô, chuẩn bị giò heo để nấu một nồi canh măng giò heo thật lớn. Món ăn này, anh mang đến nhà chị bạn, "góp gạo ăn Tết chung" cùng khoảng 30 người Việt khác tại San Diego (bang California, Mỹ).
“Mỗi người sẽ mang một món ăn đặc trưng của quê hương tới. Mình mang canh măng giò heo, món ăn đặc trưng trong ngày Tết ở Bình Định - quê mình”, anh Nguyễn Nguyễn Trúc Đào (31 tuổi, giáo sư bậc 1 tại khoa Toán và Thống Kê, Đại học San Diego State, Mỹ) chia sẻ với Tri Thức - Znews.
Với mỗi người dân Việt Nam, Tết luôn là dịp lễ trọng đại nhất. Dù không được đón Tết cổ truyền cùng gia đình, nhiều thầy cô người Việt đang làm việc ở nước ngoài vẫn tìm cách tái hiện không khí Tết qua những phong tục hay các món ăn truyền thống.
Đã quen dần với Tết xa nhà
Năm 2016, anh Nguyễn Nguyễn Trúc Đào sang Mỹ học tiến sĩ, từ đó đến nay đã 9 năm, anh không đón Tết Nguyên đán ở Việt Nam, bởi tháng 1, tháng 2 âm lịch luôn trùng với kỳ học chính tại Mỹ.
Với anh Đào, Tết có nghĩa là gia đình đoàn viên, cả nhà cùng nhau sắm sửa, sum vầy rất đầm ấm. Trước Tết, tất cả con cháu sẽ tập trung ở nhà bà nội. Người thì rửa lá, ngâm gạo, người lại chuẩn bị đậu, thịt, rồi cả nhà cùng nhau gói bánh chưng, bánh tét, cùng nhau bên bếp lửa trông nồi bánh.
“Mười mấy đòn bánh chưng, bánh tét sẽ chia ra mỗi nhà vài đòn. Đó là lúc vui nhất, háo hức nhất, mong ngóng Tết tới. Mình nghĩ ai đi xa cũng nhớ về những cảm giác ấy”, anh Đào nhớ lại.
Anh Đào kể ngày trước, anh chị sang Mỹ chưa có nhiều phương tiện để liên lạc về gia đình nên mỗi dịp Tết sẽ buồn nhiều hơn. Nhưng bây giờ, có thể gọi video về nhà thường xuyên, anh cũng vơi bớt nỗi nhớ.
“Cả nhà làm gì dịp Tết, mình cũng biết, giống như đang ở nhà. Tất nhiên, nếu mình được trực tiếp chuẩn bị Tết cùng cả nhà sẽ vui hơn, nhưng vì công việc nên phải chấp nhận đón Tết qua màn hình”, nam giảng viên chia sẻ.
2025 cũng là năm thứ 5 chị Sương Hoàng (giáo viên dạy Tiếng Anh tại Manchester Adult Education service, Hội đồng thành phố Manchester) đón Tết Nguyên đán tại Anh.
Với chị Sương, Tết Việt trong ký ức là không khí rất đặc trưng ở TP.HCM, nhất là những ngày trước Tết luôn nhộn nhịp, hiện đại nhưng vẫn giữ được truyền thống. Mọi người bận rộn dọn dẹp nhà cửa, nấu ăn, mua hoa trái và dành thời gian cho gia đình.
Chị nhớ hình ảnh mẹ nấu các món truyền thống như thịt kho hột vịt, mua chả lụa, chả giò, dự trữ vài món vì ngày lễ khó đi chợ. Ba mẹ cũng được nghỉ ngơi nhiều hơn trong dịp Tết, có nhiều thời gian rảnh, "đôi khi hơi nhàm chán nhưng chị thấy vui".
Đó là những thứ chị không thấy được ở Anh, nhất là khi sống ở Manchester, nơi cộng đồng người Việt chưa thực sự đủ lớn. Khi nhắc đến Tết âm lịch, người dân thường nhớ đến Chinese New Year thay vì Lunar New Year hay Tết. Vì vậy, chị cảm thấy ý nghĩa Tết bị giảm đi, không ấm áp như ở quê nhà.
Dù đã quen với việc đón Tết xa nhưng những ngày này, mỗi khi gọi về gia đình, chị Sương đều thấy nhớ nhà, nhất là khi ba mẹ nhắc “năm nay là năm thứ mấy Sương không ăn Tết ở nhà rồi”.
Tết xa xứ
Mọi năm đón Tết ở Anh, nhà có sẵn đèn, chị Sương treo lên để có không khí, sau đó sẽ mua bánh chưng hoặc những loại bánh truyền thống của Việt Nam để ăn trong dịp này. Chị kể ở Anh không cúng kiếng gì, chỉ đơn giản có thứ gì đó để nhớ về Tết quê nhà.
“Có những món chỉ ăn trong dịp Tết, bánh chưng, bánh tét nằm trong số đó. Vì vậy, mình nhớ nhất hương vị hai loại bánh này”, cô giáo chia sẻ.
Sau đó, chị sẽ tụ tập cùng bạn bè người Việt hoặc gốc Việt, thậm chí cả bạn bè quốc tế muốn tìm hiểu về văn hóa Tết âm lịch. Tùy theo lịch làm việc mà có thể đúng ngày hoặc muộn hơn.
Tương tự mọi năm, năm nay, chị sẽ tụ tập vào ngày mùng 4 Tết, trùng với ngày nghỉ cuối tuần. Mọi người sẽ mặc áo dài, mở nhạc Tết và cùng nhau thưởng thức những món ăn Việt Nam hoặc những món châu Á khác.
Tương tự, năm nay, anh Đào đón Tết cùng cộng đồng người Việt tại San Diego. Mọi người sẽ cùng nhau gói bánh chưng, bánh tét, trang trí, rồi cùng nhau thưởng thức các món ăn đặc trưng của các vùng miền. Anh cũng chuẩn bị thêm cả lì xì để mừng tuổi cho các em nhỏ.
Mang đến món canh măng giò heo, anh kể món ăn này nấu rất cầu kỳ, phải ngâm rồi luộc măng 3 lần. Măng và gia vị cũng được anh mang từ Việt Nam sang để chuẩn vị nhà.
“Trước đây, mình lên mạng học món này nhưng không đúng vị. Phải gọi điện về nhờ mẹ chỉ thì mới chuẩn vị. Cứ đến Tết là mình lại nghĩ tới món này”, nam giảng viên chia sẻ.
California là bang có nhiều người Việt nhất tại Mỹ, vì vậy, anh cảm nhận không khí Tết không khác nhiều so với Việt Nam. Khu Little Saigon ở Orange County đón năm con rắn rất nhộn nhịp. Chợ Phước Lộc Thọ ở đây bày bán nhiều đồ trang trí Tết và tổ chức các lễ hội, đốt pháo, múa lân, văn nghệ…
Mùng 1 Tết, anh cũng mặc áo dài, đến Thiền viện Trúc Lâm Đại Đăng để lễ chùa và xin lộc đầu năm. Năm nào thiền viện cũng trang trí Tết rất đẹp, tổ chức các khu ẩm thực, văn nghệ và đốt pháo mừng năm mới.
Lan tỏa văn hóa Việt đến sinh viên quốc tế
Là những người làm công tác giảng dạy, anh Trúc Đào và chị Sương Hoàng luôn ý thức được việc lan tỏa văn hóa Việt đến sinh viên, học viên quốc tế và bản địa tại Anh, Mỹ.
Giảng dạy tại khoa Toán, anh cho hay các lớp học ít kiến thức liên quan đến văn hóa hơn. Dù vậy, hàng năm, Hội sinh viên Việt Nam tại Đại học San Diego State đều tổ chức sự kiện Tết tại trường và mời cả sinh viên quốc tế tham dự. Trường đại học cũng rất hỗ trợ sinh viên, coi trọng những dịp này để các em cảm nhận được không khí quê nhà.
Các sinh viên tái hiện lại không khí Tết Việt, bao gồm các khu trò chơi dân gian, khu ẩm thực với nhiều loại mứt, bánh kẹo ngày Tết… Sinh viên nữ cũng sẽ mặc áo dài trong dịp này.
“Năm ngoái, mình có tham gia và hướng dẫn các sinh viên quốc tế cách làm gỏi cuốn. Các bạn rất thích, ai cũng khen món ăn này, rất vui”, anh Đào kể.
Trong khi đó, chị Sương kể có dịp, chị mặc áo dài lên lớp, nhiều người trầm trồ, bày tỏ sự tò mò, muốn tìm hiểu về trang phục này và đều khen áo dài đẹp. Điều này khiến chị cảm thấy thích mặc áo dài hơn khi ở Anh.
Buổi học hôm đó, chị xây dựng một buổi đố vui về Lunar New Year và cho học sinh trả lời câu hỏi để tìm hiểu về văn hóa Tết âm lịch. Thứ sáu tuần trước, khi dạy một lớp online, chị cũng chọn chủ đề Tết, trong đó có những hình ảnh thường thấy của người Việt như cúng bái trong ngày lễ hoặc những bao lì xì màu đỏ.
“Các học viên rất ngạc nhiên và hào hứng. Họ chia sẻ có nhiều nét khác nhưng cũng có nét tương đồng với văn hóa của họ khi đón năm mới”, cô giáo kể.
Nhiều năm không đón Tết ở nhà, chị Sương chia sẻ năm 2026, chị dự định sẽ về Việt Nam trong dịp này để cảm nhận trọn vẹn được không khí sum vầy, đoàn tụ.