Nhà vệ sinh học đường: Để không còn 'nhu cầu nhỏ - ám ảnh lớn'

Bên cạnh nâng cao chất lượng giáo dục, hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất học đường thì một vấn đề khác cũng cấp thiết không kém, đó là bảo đảm an toàn vệ sinh học đường, nhất là khu vệ sinh trường học nhằm giảm thiểu nỗi lo của phụ huynh và nỗi ám ảnh của hầu hết học sinh.

Thời gian gần đây, một số trường học trong tỉnh đã thay đổi cách nhìn và xem cái “toa lét” không còn là chuyện nhỏ. Nhiều trường đã nghiêm túc đầu tư hệ thống nhà vệ sinh đẹp, thoáng, chuẩn, thậm chí có trường còn đầu tư theo hướng thân thiện nhằm giải quyết nhu cầu cần thiết cho học sinh.

Hệ thống bồn rửa tay tại Trường THCS Tân Phú, TP. Đồng Xoài

Hệ thống bồn rửa tay tại Trường THCS Tân Phú, TP. Đồng Xoài

Điểm cộng cho “nhà vệ sinh thân thiện”

Thực tế lâu nay, nhà vệ sinh học đường được xem là góc khuất ít ai để ý. Tuy nhiên, đây lại là chuyện cực kỳ quan trọng, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và ý thức của học sinh. Hiện nay, vẫn rất nhiều trường học xem đây chỉ là chuyện nhỏ, khiến nhiều nhà vệ sinh học đường đang bị “bỏ bê”, không được quan tâm đúng mức. Đặc biệt ở khu vực nông thôn, vẫn trong tình trạng thiếu nhà vệ sinh/tổng số học sinh. Trong khi đó, nguồn ngân sách đầu tư cho giáo dục tại địa phương còn hạn chế, việc xã hội hóa từ phụ huynh, các tổ chức, cá nhân cũng khó khăn. Giải pháp được các trường thực hiện là sửa chữa, bảo dưỡng nhỏ… thường xuyên kết hợp làm tốt vệ sinh hằng ngày.

Trường THCS Long Phước, thị xã Phước Long có 1.400 học sinh. Năm 2017, thời điểm trường mới thành lập, cơ sở vật chất còn khó khăn, tuy nhiên Ban giám hiệu trường đã quyết tâm cải tạo lại hệ thống nhà vệ sinh nhằm thay đổi tư duy, thói quen của học sinh.

Thầy Dương Văn Như, Hiệu trưởng trường cho biết: Để tiết kiệm chi phí xây dựng, chúng tôi xin chủ trương cải tạo phòng học cấp 4 cũ không còn sử dụng để xây dựng 2 dãy nhà vệ sinh theo mô hình thân thiện dành cho học sinh nam và nữ. Các phòng vệ sinh được thiết kế sạch sẽ, bắt mắt, có bồn rửa tay cao ráo, bảng nội quy rõ ràng và hơn nữa, nhà vệ sinh được dọn dẹp thường xuyên sau mỗi buổi học. Nhằm tạo thêm không gian tươi mới, nhà trường còn bố trí cây xanh, lắp đặt hệ thống âm thanh, quạt điện để tạo cảm giác thoải mái cho các em.

Em Nguyễn Đăng Khoa, lớp 9A7, Trường THCS Long Phước cho biết: So với trước, khu vệ sinh của trường được nâng lên cả về số lượng, chất lượng phục vụ. Em rất hài lòng với không gian sạch sẽ, thoáng mát tại khu vực nhà vệ sinh của trường.

“Việc đầu tư xây dựng hệ thống vệ sinh theo mô hình “Nhà vệ sinh thân thiện” không chỉ giúp bảo vệ sức khỏe học sinh mà còn góp phần đáng kể cho việc duy trì, nâng cao chất lượng học sinh khi đến trường học tập. Thời gian tới, với việc tập trung phấn đấu xây dựng trường chuẩn, hy vọng trường sẽ được đầu tư ngân sách để nâng cấp, tăng cường thêm số lượng nhà vệ sinh cho học sinh” - thầy Dương Văn Như chia sẻ thêm.

Xã hội hóa

Năm học 2021-2022, Trường THCS Tân Phú, thành phố Đồng Xoài có 2.159 học sinh, với 52 lớp. Đây là ngôi trường THCS có số lượng học sinh đông nhất tỉnh. Điều này dẫn đến áp lực không nhỏ trong việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh, trong đó có việc bố trí hệ thống nhà vệ sinh sao cho sạch sẽ, thoáng mát, tạo cảm giác thoải mái, an toàn cho các em.

Thầy Nguyễn Viết Tuyên, Hiệu trưởng trường cho biết: Quan điểm của tôi là học sinh đến trường phải được phục vụ tốt nhất. Từ cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ học tập, sinh hoạt phải đáp ứng được nhu cầu thiết yếu, cơ bản của các em.

Theo thầy Tuyên, trước khi về nhận công tác tại trường, cơ sở hạ tầng khu vực vệ sinh còn hạn chế, vừa ít về số lượng, chất lượng cũng đã xuống cấp. Trước thực trạng đó, thầy Tuyên đã cùng các thầy, cô trong Ban giám hiệu trường họp ban đại diện hội phụ huynh và phân tích cho họ thấy rằng đầu tư hệ thống nhà vệ sinh tức là đang chăm lo cho tương lai của các em. Các em đến trường phải được phục vụ những gì tốt nhất để đảm bảo việc học.

Đồng tình với quan điểm của Ban giám hiệu trường, năm học 2021, các bậc phụ huynh đã đóng góp 786 triệu đồng để xây dựng hệ thống nhà vệ sinh học đường. Công trình có 2 dãy dành riêng cho nam và nữ, với 18 phòng. Ngoài bồn rửa tay sạch sẽ, kiên cố, bên trong nhà vệ sinh được bố trí thêm hệ thống âm thanh, quạt điện giúp thoải mái, thông thoáng hơn.

“Chúng tôi vận động các bậc phụ huynh đứng ra xây dựng, nhà trường chỉ tiếp nhận và quản lý công trình. Về quy định giữ gìn vệ sinh chung, trường tuyên truyền, giáo dục các em ý thức cộng đồng, giữ môi trường sạch sẽ. Đối với nhân viên tạp vụ, chúng tôi yêu cầu sau mỗi giờ học phải lau dọn vệ sinh, làm sao khi các em bước vào nhà vệ sinh phải đảm bảo sạch sẽ” - thầy Tuyên cho biết thêm.

Trong khi đó, Sở GD&ĐT cho biết, trên cơ sở kế hoạch đảm bảo cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông, giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh, sở đã có tờ trình yêu cầu các cơ sở giáo dục rà soát, đánh giá thực trạng, lập kế hoạch xây mới, sửa chữa, cải tạo nhà vệ sinh và công trình nước sạch.

“Kế hoạch phải đảm bảo thể hiện rõ các nội dung như: nêu rõ thực trạng, đề xuất kế hoạch cải tạo, nâng cấp nhà vệ sinh, công trình nước sạch; việc quản lý, sử dụng nhà vệ sinh, công trình nước sạch phù hợp thực tiễn của từng trường, trong đó chú trọng mô hình tự quản lý của giáo viên và học sinh; gắn trách nhiệm người đứng đầu các cơ sở giáo dục với việc đảm bảo vệ sinh trường học. Trong đó, chú trọng tuyên truyền nâng cao ý thức của học sinh nhằm đảm bảo nhà vệ sinh luôn sạch, đẹp và bảo quản thiết bị vệ sinh đã được đầu tư” - Giám đốc Sở GD&ĐT Lý Thanh Tâm lưu ý.

Xuân Túc

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/72/134152/nha-ve-sinh-hoc-duong-de-khong-con-nhu-cau-nho-am-anh-lon