Nhà vô địch Olympia không về nước: Cuộc đời của họ, ồn ào làm gì?
Sau chiến thắng của Thu Hằng trong trận chung kết Đường lên đỉnh Olympia vào sáng qua, trên mạng xã hội lại tràn ngập các bình luận 'chúc mừng nước Úc'.
Những bình luận này không mới, nó cứ dai dẳng từ năm nay sang năm khác, và lại trở nên nóng hổi khi có nhà vô địch Olympia mới.
Nhưng những nhà vô địch Olympia, họ có lỗi gì?
Không chỉ quán quân mới đi du học
Năm nay là tròn 20 năm chương trình đường lên đỉnh Olympia tổ chức tại Việt Nam. Trước hôm diễn ra trận chung kết đã có 1 phim tài liệu nói về 20 năm chương trình. Tôi rất may mắn bước vào trường quay S14 ở VTV và xem trực tiếp trận chung kết này.
Hầu hêt các nhà vô địch đều đi du học Úc và sau đó đa phần ở lại Úc làm việc. Nhưng ngoài 18 nhà vô địch đi du học, còn khá nhiều bạn học sinh thi Olympia và không giành ngôi quán quân nhưng vẫn đi du học. Hơn 3.000 học sinh thi Olympia trong 20 năm qua và con số thí sinh thi Olympia đi du học là khá lớn chứ không chỉ nằm ở con số 20 nhà vô địch.
Môi trường học tập ở nước ngoài thiên về thực tiễn và đề cao khả năng tự học, độc lập nghiên cứu. Ở môi trường đó khiến sinh viên khát khao học tập và muốn đi đến cùng mọi vấn đề ngóc ngách của kiến thức. Các kỹ năng làm việc theo nhóm gần như phải được vận dụng liên tục nên hầu hết các du học sinh đều rất tự tin.
Theo tôi biết, hầu hết thí sinh thi Olympia đi học nước ngoài học đều mong muốn học lên Tiến sĩ. Cho đến nay, chỉ có 3/18 nhà vô địch là về nước làm việc và con số đó làm nhiều người cảm thấy ít ỏi.
Từ trải nghiệm của cá nhân mình, tôi cho rằng, sau khi học ở nước ngoài nói chung và nước Úc nói riêng thì khi về Việt Nam làm việc, mọi người sẽ phải thích nghi từ đầu vì 2 nơi hoàn toàn khác nhau. Các phòng thí nghiệm ở Việt Nam phần lớn chưa đạt chuẩn quốc tế nên người làm trong lĩnh vực nghiên cứu sẽ gặp quá nhiều khó khăn. Thế nên, việc các du học sinh chọn ở lại Úc cũng không có gì khó hiểu.
Cuộc đời của họ, hãy để họ lựa chọn
Giáo sư Ngô Bảo Châu đang sinh sống và làm việc tại Mỹ nhưng năm nào cũng đi đi về về Việt Nam và cống hiến cho Toán học còn nhiều hơn một số nhà khoa học khác.
Bao nhiêu người Việt ở nước ngoài đã tham gia các dự án, các chương trình nghiên cứu khoa học có tính toàn cầu, đóng góp cho tri thức của nhân loại. Và bằng nhiều con đường, họ cũng đang âm thầm cống hiến cho đất nước.
Điều đó cho thấy dù bạn làm gì ở đâu thì nếu hướng về Việt Nam, bạn vẫn có thể cống hiến. Đừng quá khắt khe với các nhà vô địch không về Việt Nam mà chọn định cư nơi xứ người.
Đã là người tài thì ở đâu họ cũng có thể thi thố tài năng được nhưng nếu họ đặt ở 1 môi trường đầy đủ các yếu tố họ sẽ cất cánh nhanh hơn.
Ở Việt Nam hiện nay, môi trường học tập, nghiên cứu và cơ hội việc làm cũng đang được cải thiện. Tôi có gặp gỡ và trao đổi với các chuyên gia kinh tế ở nước ngoài, họ nói với tôi rằng ở Việt Nam kiếm tiền dễ hơn ở Châu Âu, Mỹ và Úc nếu bạn thật sự giỏi và tài năng. Vì sao ư, vì ở Việt Nam đang có quá nhiều cơ hội đầu tư và việc làm hấp dẫn cho các bạn trẻ. Vấn đề là các bạn có đủ năng lực hay không mà thôi.
Vì thế, trong tương lai, rồi cũng sẽ có rất nhiều người tài của các nước chọn Việt Nam làm nơi học tập, nghiên cứu và sinh sống, nhiều người Việt trở về hơn nữa.
Mỗi người sẽ có 1 con đường riêng. Cuộc đời của họ, hãy để họ lựa chọn. Vì vậy, tôi nghĩ câu chuyện thí sinh hay quán quân cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia sẽ ở lại hay về nước sau khi du học không có gì đáng để ồn ào.