Nhà vườn Đông Cương lo hoa tết ế vì dịch bệnh
Chỉ còn ít ngày nữa là đến Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, làng hoa Đông Cương, xã Đông Cương (TP Thanh Hóa) đang vào độ thu hoạch sản phẩm để phục vụ tết. Tuy nhiên, dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp khiến giá hoa và nhiều gốc cây cảnh bị rớt giá, khó bán.
Hoa năm nay được mùa nhưng rớt giá vì dịch bệnh
Làng hoa Đông Cương được biết đến là một trong những nơi trồng hoa lớn nhất Thanh Hóa, cung ứng hoa tươi phục vụ nhu cầu không chỉ của người dân thành phố mà còn cho nhiều tỉnh phía Bắc và huyện, thị khác trong tỉnh. Nghề trồng hoa cũng là nguồn thu nhập chính của hàng trăm hộ dân tại đây, nhưng thời gian vừa qua do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã khiến người làm nghề trồng hoa tại đây “điêu đứng” vì hoa được mùa nhưng rớt giá, khó bán.
Chủ vườn lo lắng vì đến thời điểm này vẫn rất ít khách đến mua hoa
Nhiều luống hoa đến độ thu hoạch vẫn nằm trên ruộng vì không có khách mua
Khu vườn của gia đình ông Thông đã phủ kín những luống hoa cúc, hồng, ly, đồng tiền… tuy nhiên vì không có người mua nên chúng vẫn phải nằm trên ruộng. Lý giải nguyên nhân hoa bị “ế”, ông Thông cho biết: “Đầu ra của hoa chủ yếu là thương lái đến từ Hà Nội, các tỉnh phía Bắc vào mua, chiếm hơn 50%, số còn lại tiêu thụ tại tỉnh. Tuy nhiên, dịch bệnh khó lường như thế này thì đầu ra rất khó, vì lượng người đi mua sắm tết sẽ giảm, hoa sẽ khó tiêu thụ, thương lái cũng không dám gom về… Giá hoa đã rớt 30 - 40% nhưng vẫn không thể bán được”.
Trước khó khăn trong việc tiêu thụ, nông dân làng hoa còn phải đối mặt với tình trạng giá nguyên liệu đầu vào tăng mạnh, nhất là phân rơm nguyên liệu.
Những ngày qua, giá phân rơm liên tục tăng mạnh từ 15.000 - 20.000 đồng/bao, trong khi những năm trước, vào những dịp cao điểm mặt hàng này chỉ tăng khoảng 7.000 đồng/bao.
Nguyên nhân khiến giá phân rơm tăng là do hiện nay bà con sử dụng nguyên liệu này khá nhiều để thay phân mới cho các chậu hoa chưa bán được và xuống giống sản xuất hoa kiểng phục vụ thị trường tết.
“Hoa rớt giá khiến tất cả người làm nghề trồng hoa điêu đứng chứ không riêng một nhà nào. Tất cả đều thua lỗ rất nhiều vì giá bán hoa không thu đủ tiền giống chứ chưa tính đến chi phí phân bón, nhân công, điện thắp sáng", ông Thông nói thêm.
Hoa rớt giá khiến tất cả người dân ở đây đều điêu đứng chứ không riêng một nhà nào
Cũng theo các chủ vườn, thiệt hại nặng nề nhất giai đoạn này chính là người trồng hoa ly, bởi giá giống hoa cao, mất nhiều chi phí chăm sóc và hoa nở trong thời gian rất ngắn, không có người mua chỉ còn cách cắt bỏ tại ruộng bởi hoa đã vào mùa, nở bung không thể bán được cho ai.
Theo tính toán của các chủ vườn hoa, với giá hoa ly bán như hiện nay hoàn toàn không thể hòa vốn chứ chưa mong đến chuyện có lãi, bởi chi phí mua giống hoa ly về đã ngang bằng với giá bán của hoa, chưa kể trồng hoa ly phải gánh thêm rất nhiều chi phí khác, tiền thuê nhân công làm vườn cũng đã dao động từ 200.000 - 250.000 đồng/ngày.
Những vị khách ít ỏi đến vườn hoa Đông Cương
Đầu ra cho thị trường hoa bị thu hẹp, người dân chỉ biết mong chờ dịch COVID -19 sớm được khống chế, để hoa tiêu thụ được như mọi năm.