Có mặt tại tại làng nghề cây cảnh Tứ Liên những ngày này, PV Báo Sức khỏe & Đời sống dễ dàng bắt gặp những chuyến xe chở những cây quất héo lá, rụng quả tập kết tại các nhà vườn.
Đây là những cây quất sau khi được chưng Tết, tô điểm cho hương sắc mùa xuân tại mỗi gia đình nay được được thu mua quay trở về với mảnh đất thân thuộc của mình.
Không khí làm việc tại các nhà vườn nhộn nhịp không kém so với lúc trước Tết.
Chỗ này trộn đất, xe đất, chỗ kia tách cây từ chậu xuống đất, cắt tỉa cành.
Tất cả phải làm khẩn trương, chạy đua với thời gian...
Lý giải cho vấn đề này, ông Hoàng Luận - một người có thâm niên trong nghề trồng quất Tứ Liên cho biết: "Sau cả tháng trời bị bứng khỏi đất vườn, để một gốc quất đã héo đâm chồi nảy lộc trở lại là một công việc không dễ dàng".
Sau khi thu mua những cây quất mà mình đã bán hoặc cho khách hàng thuê (lựa những cây còn khỏe), những gốc quất này được hồi sức trong bóng mát rồi tiếp nước, sau vài ngày mới đem hạ thổ, hoặc cho vào chum vại. Mất khoảng vài tuần để cây hồi sức, sau đó mới đến công đoạn chăm sóc, cắt tỉa, hãm cành.
Ông Luận bật mí, làm đất là công việc hồi sinh đầu tiên của cây quất cảnh. Trên nền đất canh tác cũ, nhà vườn phải rắc vôi bột để khử độc tiêu trùng tiêu diệt và ngăn chặn các mầm bệnh cho đất. Với các cây trồng trong chum vại thì phải thay đất mới hoàn toàn.
Các nhà vườn thường mua đất phù sa sông Hồng trộn với phân bò, phân trâu và cả đỗ tương ủ gần một năm trời trước khi đem bón cho cây.
Đất màu mỡ, giàu dinh dưỡng giúp cây quất cảnh sinh trưởng và phát triển tốt hơn và ngăn chặn được dịch bệnh trên nền đất cũ.
"Sở dĩ mọi công đoạn đều phải tiến hành ngay sau Tết bởi tiết trời mùa xuân là lúc cây sinh trưởng, phát triển và phục hồi trở lại tốt nhất. Sau khi làm đất kỹ lưỡng, tiếp đất mới cho những cây quất, người chăm phải tưới nước đầy đủ để cây hồi phục và kích thích ra rễ, sau đó phải tạo thế luôn cho cây" - ông Luận chia sẻ.
Tuấn Anh