Nhà vườn thấp thỏm lo đầu ra hoa màu tết
Mỗi dịp tết đến, nông dân lại tất bật chuẩn bị rau, hoa,... phục vụ thị trường. Tuy nhiên, năm nay, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên người trồng chủ động giảm diện tích vì sức mua không cao như những năm trước.
Người trồng hoa tết lo lắng đầu ra
Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An, năm nay, huyện có trên 370ha mai vàng và hơn 50.000 chậu hoa tết các loại (giảm gần 150.000 chậu so cùng kỳ). Tại các địa phương trồng nhiều hoa tết như thị trấn Thủ Thừa, xã Tân Long, Long Thạnh,... năm nay, nhiều người dân bỏ vụ vì dự báo sức tiêu thụ không cao.
Với kinh nghiệm gần 20 năm trồng hoa tết, ông Nguyễn Văn Lựa (xã Tân Long) cho biết: "Dịch Covid-19 làm ảnh hưởng đến thu nhập của nhiều người nên sức mua sẽ giảm. Vì thế, ông ngại xuống giống vụ hoa tết". Cũng với 0,3ha đất nhưng năm nay, ông chỉ trồng hơn 800 chậu hoa tết gồm vạn thọ và mào gà (giảm gần 2/3 so với năm trước).
Hàng năm, thương lái từ TP.HCM đến đặt mua nhưng năm nay thì vẫn chưa có thương lái nào liên hệ mua hoa. “Theo kinh nghiệm trồng hoa nhiều năm của tôi thì cận tết, thị trường hoa sẽ hút khách. Có thể trong tình hình dịch bệnh như hiện nay, sức mua sẽ giảm nhưng nhu cầu mua hoa để trang trí nhà cửa, chưng trên bàn thờ ông bà những ngày tết vẫn có, bởi trong mấy ngày tết, nhà nào cũng có vài chậu hoa” - ông Lựa cho biết thêm.
Là thương lái chuyên thu mua mai với số lượng lớn nhưng năm nay anh Nguyễn Nhựt Linh (xã Tân Long, huyện Thủ Thừa) chủ động giảm số lượng mua. Anh Linh bộc bạch: “Những năm trước, mỗi năm tôi đều chuẩn bị khoảng 200 chậu mai để đi bán tết nhưng năm nay chỉ chuẩn bị khoảng 100 chậu vì sợ khó tiêu thụ”.
Vừa mua được khoảng 50 gốc mai tại xã Tân Tây, huyện Thạnh Hóa nhưng anh Võ Minh Tuấn (thương lái mua bán mai tại xã Tân Long, huyện Thủ Thừa) cho biết: “Năm nay, do tình hình dịch bệnh nên giá mai giảm khá nhiều. Với mỗi gốc mai khoảng 3 năm tuổi thì giá bán giảm khoảng 1 triệu đồng/gốc. Cụ thể, năm trước, giá mai trung bình từ 2 - 2,5 triệu đồng/gốc thì năm nay chỉ còn từ 1 - 1,2 triệu đồng/gốc”.
Do giá quá thấp nên một số nhà vườn trồng mai quyết định không bán. Ông Võ Văn Vững (xã Long Thạnh, huyện Thủ Thừa) có 1,2ha mai với hơn 2.700 gốc trên 2,5 tuổi. Từ giữa tháng 10 Âm lịch đến nay, nhiều thương lái đến trả giá, tuy nhiên giá quá thấp nên ông không bán. Ông Vững chia sẻ: “Năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên chi phí đầu vào tăng cao, trong khi giá bán mai lại quá thấp nên gia đình tôi quyết định giữ lại, tiếp tục chăm sóc đợi mùa tết năm sau”.
Diện tích trồng rau màu tết giảm mạnh
Vụ tết năm nay, các nhà vườn trồng rau màu ở huyện Tân Trụ chủ động rải vụ, không tập trung vào cùng một thời điểm như mọi năm. Cụ thể, với dưa hấu, thời điểm này, toàn huyện xuống giống được 36,2ha, giảm gần 10ha so với năm trước. Trong đó, có khoảng 40% diện tích thu hoạch trước tết (khoảng ngày 15 - 18 tháng Chạp), 40% thu hoạch ngay tết và 20% còn lại thu hoạch sau Tết Nguyên đán. Ông Lê Văn Mười, ngụ xã Đức Tân, huyện Tân Trụ, cho biết: “Năm nay, tôi xuống giống muộn hơn mọi năm gần 15 ngày để bán sau tết bởi nếu tập trung cùng một thời điểm sẽ dễ dẫn đến tình trạng “dội chợ”, dưa hấu rất dễ rớt giá”.
Theo thống kê của ngành Nông nghiệp huyện Cần Đước, năm nay, toàn huyện xuống giống hơn 500ha rau màu các loại phục vụ thị trường tết, tổng sản lượng ước đạt khoảng 5.000 tấn (giảm gần 20% diện tích và sản lượng so với tết năm trước). Theo đó, các loại rau màu được trồng chủ yếu ở xã Long Khê, Long Trạch, Phước Vân,...
Trưởng phòng NN&PTNT huyện Cần Đước - Nguyễn Hồng Chương thông tin: “Thời gian qua, ngành Nông nghiệp huyện chỉ đạo cán bộ khuyến nông ở các xã, thị trấn tuyên truyền, vận động người dân cẩn trọng trong việc sản xuất nông sản phục vụ tết; khuyến khích nông dân chủ động liên kết, tham gia vào các hợp tác xã, tổ hợp tác hoặc các thương lái trên địa bàn để ký kết hợp đồng sản xuất theo sản lượng đặt trước nhằm tránh tình trạng khó tiêu thụ khi vào vụ”.
Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT - Nguyễn Chí Thiện, nông dân nên sử dụng vật tư nông nghiệp đầu vào một cách phù hợp, bón phân với tỷ lệ hợp lý để tăng hiệu quả và ít tốn kém chi phí đầu vào, hạn chế sâu, bệnh phát triển. Ngoài ra, với tình hình dịch bệnh như hiện nay, nông dân cũng nên theo dõi thông tin về thị trường thường xuyên để có quy mô sản xuất thích hợp. Đặc biệt, cần đề phòng các loại sâu, bệnh gây hại, nhất là rầy lửa trên dưa hấu và thán thư trên rau màu./.
Nguồn Long An: https://baolongan.vn/nha-vuon-thap-thom-lo-dau-ra-hoa-mau-tet-a128559.html