Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phủ nhận chuyện 'làm SGK rất lãi'

Liên quan đến giá sách giáo khoa (SGK) đầu năm học mới, PGS.TS Nguyễn Văn Tùng, Phó Tổng biên tập Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, khẳng định, lợi nhuận từ SGK hầu như không có hoặc có rất ít.

Trước không ít ý kiến cho rằng làm SGK mang lại lãi cao, PGS.TS Nguyễn Văn Tùng, cho hay, quy trình làm SGK của Nhà xuất bản (NXB) Giáo dục Việt nam phải trải qua 8 bước: Xây dựng đội ngũ tác giả; xây dựng mô hình bao gồm đề cương tổng thể, đề cương chi tiết, biên soạn bài mẫu, dạy thực nghiệm; biên soạn bản thảo thô, góp ý điều chỉnh bản thảo của tác giả.

Tiếp theo là khâu biên tập thiết kế; thẩm định nội bộ đọc rà soát ý kiến chuyên gia thẩm định; thẩm định quốc gia 2 vòng; giới thiệu sách; tập huấn giáo viên sử dụng sách và cung ứng SGK.

“Do đó, trong cấu thành giá của SGK có rất nhiều chi phí. NXB Giáo dục Việt Nam và các đơn vị xuất bản SGK khác đều phải kê khai giá trên cơ sở các chi phí cấu thành giá và phải được Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính phê duyệt. Như vậy, trên thực tế, lợi nhuận từ SGK hầu như không có hoặc có rất ít. NXB Giáo dục Việt Nam có lợi nhuận là từ các sách khác như: Sách bổ trợ, sách tham khảo…

Nhưng dư luận, ngay cả người trong ngành cũng không biết điều này, cứ cho rằng NXB Giáo dục Việt Nam doanh thu 3.000 tỷ, lãi 300 tỷ là từ SGK. Nếu làm SGK dễ và lãi nhiều như vậy, có lẽ đã có rất nhiều NXB, nhiều đơn vị tư nhân tham gia vào việc biên soạn, xuất bản SGK”, ông Tùng nói.

PGS.TS Nguyễn Văn Tùng, Phó Tổng biên tập Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Ảnh: Thanh Hùng

PGS.TS Nguyễn Văn Tùng, Phó Tổng biên tập Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Ảnh: Thanh Hùng

Ông Tùng cho biết thêm, giá SGK được cấu thành từ nhiều yếu tố, trong đó tập trung vào 5 yếu tố gồm: Chi phí tổ chức bản thảo, chi phí nhuận bút, chi phí sản xuất: gồm giấy và công in, chi phí khâu lưu thông (hay còn gọi là chi phí phát hành; chi phí tài chính (hay còn gọi là lãi vay).

Phí tổ chức bản thảo của một bộ SGK lên tới hàng trăm tỷ đồng; chi phí nhuận bút hiện nay được tính theo tiết học (dù số lượng sách được in nhiều hay ít). Tổng nhuận bút của 2 bộ SGK “Kết nối tri thức với cuộc sống” và “Chân trời sáng tạo” của NXB Giáo dục Việt Nam hàng năm cũng lên tới gần 70 tỷ đồng.

Ngoài ra, chi phí sản xuất cũng lên tới hàng ngàn tỷ đồng (bao gồm giấy và công in), trong khi chi phí sản xuất hiện nay của NXB hoàn toàn dựa vào vốn vay ngân hàng. Chi phí cho khâu lưu thông, phát hành cũng rất lớn", ông Tùng nói.

Theo ông Tùng, trên thực tế, việc tổ chức biên soạn, in ấn, phát hành SGK không phải độc quyền của NXB Giáo dục Việt Nam. Hiện có 7 NXB được Bộ TT&TT cấp phép xuất bản SGK nhưng chỉ có 6 NXB tham gia vì để thực hiện được việc xuất bản SGK không dễ dàng.

Ảnh minh họa: Thanh Hùng

Ảnh minh họa: Thanh Hùng

Theo ông Tùng, trước thềm năm học mới 2024-2025, để có thể giảm trên dưới 10% giá SGK đối với từng bộ nhằm hỗ trợ người tiêu dùng, NXB Giáo dục Việt Nam đã rà soát các chi phí cấu thành giá, bao gồm 2 khoản mục quan trọng nhất: chi phí tổ chức bản thảo và chi phí khâu lưu thông.

“Với chi phí tổ chức bản thảo, NXB đã cập nhật sản lượng phát hành thực tế. Sản lượng này lớn hơn so với số dự kiến, do đó chi phí tổ chức bản thảo phân bổ trên từng bản sách giảm xuống. Chi phí khâu lưu thông cũng tiếp tục được chúng tôi tiết giảm để có thể giảm giá bìa sách”, ông Tùng nói.

Theo đó, giá bìa mới của các cuốn SGK tái bản áp dụng từ năm học 2024-2025 được điều chỉnh giảm so với các năm trước. Cụ thể, giá bìa bộ SGK Kết nối tri thức với cuộc sống giảm 9,6%, giá bìa bộ SGK Chân trời sáng tạo giảm 11,2%.

Đối với giá SGK các lớp 5, 9, 12 (xuất bản năm đầu tiên), NXB Giáo dục Việt Nam đã xây dựng giá theo cơ cấu giá đã giảm của SGK tái bản.

Thanh Hùng

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/dai-dien-nha-xuat-ban-giao-duc-viet-nam-phu-nhan-viec-lam-sgk-rat-lai-2310047.html