Nhắc hàng xóm tiết kiệm nước và cú lườm 'rát mặt'!

Không đành lòng khi nhìn dòng nước sạch chảy phí phạm nhưng nếu nhắc nhở, đôi khi ta lại nhận về ánh mắt khó chịu, kiểu 'có phải việc của bạn đâu!'.

Gần khu nhà tôi ở có một dãy trọ với nhiều phòng đã được thuê kín. Có hộ gia đình, sinh viên và cũng có nhiều người độc thân là lao động tự do ở đó. Tôi vẫn thường ngang qua khu trọ này khi đi làm, đi tập thể dục.

 Sống trong môi trường dồi dào về nguồn nước sạch khiến nhiều người coi nhẹ việc tiết kiệm nước.

Sống trong môi trường dồi dào về nguồn nước sạch khiến nhiều người coi nhẹ việc tiết kiệm nước.

Mỗi lần đi qua đây, tôi đặc biệt để ý đến cái vòi nước ngay trước hành lang dãy trọ. Nó thường hoạt động hết công suất để làm đầy các loại xô chậu, thậm chí chảy lênh láng ra cả mặt đường mà người dùng cũng không buồn khóa lại.

Nhiều lần chứng kiến cảnh đó, tôi “đánh liều” nhắc người phụ nữ đang say sưa buôn chuyện điện thoại bên cạnh vòi nước chảy xối xả thì nhận được ánh mắt thờ ơ như không quan tâm. Tôi cứ tưởng chị ấy chưa nghe rõ, nhắc thêm lần nữa thì nhận được cú lườm “rát mặt” kèm câu nói xắt xéo: “Việc của nhà chị đấy à! Tiền nước tôi đóng khoán hằng tháng cho chủ nhà rồi, dùng bao nhiêu là quyền của tôi, chị không phải nhắc!”.

 Mùa hè đến, nhiều địa phương phải đối mặt với tình trạng khô hạn, thiếu nước sinh hoạt và sản xuất. Ảnh tư liệu

Mùa hè đến, nhiều địa phương phải đối mặt với tình trạng khô hạn, thiếu nước sinh hoạt và sản xuất. Ảnh tư liệu

Tôi “đứng hình” mất mấy giây và tự hỏi, liệu mình có đang “bao đồng” chuyện thiên hạ quá không. Thế nhưng, khi về quê thăm họ hàng, dường như cái tính “bao đồng” đó vẫn không bỏ được, tôi lại thấy khó chịu với cách người dân quê tôi dùng nước ngọt.

Quê tôi trước nay vẫn dùng nước giếng khoan, nguồn nước khá dồi dào, ngọt mát. Mấy tháng trước, hệ thống nước máy sạch đã được lắp đặt, người dân được sử dụng song song hai nguồn nước. Có lẽ cũng vì thế mà họ sử dụng nước vô cùng lãng phí, từ người lớn đến trẻ nhỏ gần như không có thói quen tiết kiệm nước.

Tận dụng lại chậu nước đã dùng trước đó là việc mà họ chẳng mấy khi nghĩ đến. Nhìn những chậu nước sạch bị đổ đi một cách vô lý, tôi thấy “nóng ruột”, tiếc của thay họ. Nhưng khi nhắc nhở thì ai cũng một câu nói biện minh “nước thiếu gì mà phải tiết kiệm”.

Có vẻ như khi được may mắn sống trong môi trường không bị khan hiếm nước sạch thì với nhiều người, tiết kiệm nước vẫn là điều không thực sự cần thiết.

 Lực lượng cảnh sát PCCC&CNCH cung cấp nước khẩn cấp cho các hộ dân ở TX Hồng Lĩnh khi xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt vào tháng 9/2023.

Lực lượng cảnh sát PCCC&CNCH cung cấp nước khẩn cấp cho các hộ dân ở TX Hồng Lĩnh khi xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt vào tháng 9/2023.

Có lẽ chỉ khi trải qua cảm giác chắt chiu từng giọt nước sạch để duy trì nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống hằng ngày họ mới hiểu, nguồn nước quý giá đến nhường nào. Cũng không quá khi có người nói rằng “lãng phí nước sạch là một tội ác” nếu ta chứng kiến sự khổ sở, khốn cùng của người dân nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới và gần đây là đồng bào ta ở miền Nam, phải vật lộn với tình trạng khan hiếm nước sạch như thế nào.

Với những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu như hiện nay thì tiết kiệm nước sạch không còn là câu chuyện của một địa phương, một quốc gia nào mà đã trở thành vấn đề toàn cầu. Tương lai của những vùng dồi dào nguồn nước chưa hẳn đã bền vững, vì thế, tiết kiệm nước vẫn luôn là điều cần thiết. Không chỉ đơn thuần là vấn đề tiết kiệm tiền bạc, của cải vật chất hay nguồn nước cho bản thân mình sử dụng, mà còn là câu chuyện của lối sống văn minh và lòng sẻ chia, trách nhiệm với cộng đồng.

Minh Khánh

Nguồn Hà Tĩnh: https://baohatinh.vn/nhac-hang-xom-tiet-kiem-nuoc-va-cu-luom-rat-mat-post265090.html