Nhạc kịch Việt cho người Việt

Được các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp đầu tư thực hiện nhiều hơn trong những năm gần đây, các vở nhạc kịch đang trở thành món ăn tinh thần được nhiều khán giả yêu thích. Bên cạnh những vở nhạc kịch đậm chất cổ điển của phương Tây, những vở nhạc kịch kể câu chuyện về người Việt, mang đậm chất Việt cũng đang được đầu tư thực hiện, hấp dẫn khán giả.

Nhạc kịch mang bản sắc Việt - nhìn từ “Người cầm lái”

Đúng dịp kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, khán giả đến Nhà hát Hồ Gươm có dịp thưởng thức tác phẩm đặc biệt về cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh - vở nhạc kịch “Người cầm lái”. Đây là tác phẩm do Nhà hát CAND (nay là Nhà hát Kịch CAND và Nhà hát Ca múa nhạc CAND) đầu tư thực hiện, ra mắt khán giả lần đầu vào năm 2022 tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Được biểu diễn trở lại sau 2 năm, nhạc kịch “Người cầm lái” khai thác tốt hơn thế mạnh của công nghệ hiện đại. Sân khấu lộng lẫy. Những hình ảnh mang tính biểu tượng của nhiều quốc gia, của văn hóa Việt được chọn lọc kỹ, chuyển tải sinh động, lôi cuốn và hấp dẫn.

Cây tre - biểu tượng văn hóa Việt Nam được chuyển tải trong nhạc kịch “Người cầm lái”.

Cây tre - biểu tượng văn hóa Việt Nam được chuyển tải trong nhạc kịch “Người cầm lái”.

Nếu bối cảnh nước Mỹ có hình ảnh nữ thần tự do, nước Nga có đồng hồ Kremlin trên tháp Spasskaya thì bối cảnh Việt Nam được chuyển tải đậm nét với khung cảnh làng quê, người phụ nữ tảo tần quay tơ, dệt vải. Đặc biệt, hình ảnh mang tính biểu tượng của văn hóa Việt - cây tre Việt Nam được khai thác rất thành công. Ê kíp thực hiện khiến người xem choáng ngợp khi kết hợp công nghệ hiện đại và nghệ thuật sắp đặt, biến sân khấu Nhà hát Hồ Gươm thành bến tàu tấp nập, với con thuyền lớn - nơi người thanh niên Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước.

Với một vĩ nhân rất quen thuộc như Chủ tịch Hồ Chí Minh, việc tái hiện lại cuộc đời, sự nghiệp của Người trên sân khấu, trải dài từ những năm ấu thơ, qua nhiều giai đoạn hoạt động cách mạng, với nhiều mốc thời gian, không gian rộng lớn thật không hề dễ dàng. Thế nhưng, Tổng đạo diễn Tuyết Minh và các nghệ sĩ trong ê kíp của chị đã thực hiện thành công.

Diễn ra liên tục trong khoảng 2 tiếng đồng hồ, nhạc kịch “Người cầm lái” không chỉ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị của một nhà hát thuộc lực lượng vũ trang mà thỏa mãn người xem về mặt nghệ thuật, níu giữ người xem đến phút chót. Khán giả khóc, cười cùng các nhân vật, hiểu hơn về quê hương đất nước qua nhiều giai đoạn khác nhau, nhưng trên hết và đọng lại cuối cùng vẫn là niềm biết ơn vô hạn với vị cha già của dân tộc - Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tất nhiên, để có được kết quả này là cả một hành trình với rất nhiều nỗ lực từ lãnh đạo nhà hát cho đến các thành viên trong ê kíp trực tiếp dàn dựng.

Nghệ sĩ biểu diễn nhạc kịch đòi hỏi cùng lúc nhiều khả năng diễn xuất.

Nghệ sĩ biểu diễn nhạc kịch đòi hỏi cùng lúc nhiều khả năng diễn xuất.

Như chia sẻ của Đại tá, NSND Nguyễn Thị Thúy Hiền, Giám đốc Nhà hát CAND (nay là Giám đốc Nhà hát Kịch CAND) là để có nhạc kịch “Người cầm lái”, các nghệ sĩ phải có sự ủng hộ rất lớn từ lãnh đạo Cục Công tác đảng và công tác chính trị, cao hơn nữa là lãnh đạo Bộ Công an. Bởi lẽ, kinh phí đầu tư cho một vở nhạc kịch như thế này khá lớn và đơn vị chỉ mạnh dạn đề xuất vào kịp kỷ niệm rất lớn là hướng tới kỷ niệm 132 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng thời là tác phẩm được tập trung đầu tư để đánh dấu kỷ niệm 40 năm thành lập Nhà hát.

Về phía các nghệ sĩ, Tổng đạo diễn kiêm tác giả kịch bản, biên đạo Tuyết Minh cũng cho hay, “Người cầm lái” là thành quả sáng tạo trong một thời gian khá dài với rất nhiều trăn trở. Từ âm nhạc cho đến câu chuyện, lời hát, ca khúc đều mới, dành riêng cho câu chuyện về Bác Hồ, mang màu sắc riêng biệt của Việt Nam. Nữ nghệ sĩ đã dày công nghiên cứu, cô đọng từ những câu văn dài, thành những câu thơ có vần điệu, vừa có tính kịch cho tác phẩm này.

Mặc dù được xây dựng theo hình thức giao hưởng đại hợp xướng của nghệ thuật hàn lâm nhưng nhạc kịch “Người cầm lái” phát huy di sản truyền thống của sân khấu kịch hát dân tộc, qua đó thể hiện sự trân trọng và tôn vinh bản sắc văn hóa Việt, bằng thanh âm của những nhạc cụ dân tộc. Chất liệu, ngôn ngữ múa dân gian đương đại kết tinh từ tâm hồn, bản sắc truyền thống Việt…

Chinh phục khán giả đại chúng

Nhạc kịch đang là xu hướng được nhiều đơn vị nghệ thuật lựa chọn. Song song với những vở nhạc kịch được các đơn vị nghệ thuật của Việt Nam dàn dựng lại những tác phẩm kinh điển thế giới phải tuân thủ các chuẩn mực của phương Tây và khá kén khán giả thì những người yêu nghệ thuật sân khấu có khá nhiều nhạc kịch mang bản sắc Việt.

Biểu diễn nhạc cụ dân tộc trong không gian lộng lẫy nhờ ứng dụng công nghệ hiện đại tạo điểm nhấn hấp dẫn cho nhạc kịch “Người cầm lái”.

Biểu diễn nhạc cụ dân tộc trong không gian lộng lẫy nhờ ứng dụng công nghệ hiện đại tạo điểm nhấn hấp dẫn cho nhạc kịch “Người cầm lái”.

Trước đó, nhạc kịch mang phong cách Việt, sau này được nhiều nghệ sĩ gọi là nhạc kịch thuần Việt từng được nhiều đơn vị dàn dựng, rất thành công trong thu hút khán giả. Điển hình phải kể đến là chuỗi chương trình nhạc kịch dành cho thiếu nhi “Ngày xửa… ngày xưa” tại sân khấu Idecaf (TP Hồ Chí Minh).

Bắt đầu sản xuất từ năm 2.000, đến nay, đây vẫn là một trong những chương trình ăn khách, khai thác nhiều câu chuyện về văn hóa, con người Việt Nam: “Tấm Cám”, “Dế mèn phiêu lưu ký”, “Hoàng tử Sọ Dừa”, “Sơn Tinh, Thủy Tinh”… Khán giả yêu sân khấu cũng đã từng có dịp tiếp cận khá nhiều dự án nhạc kịch Việt Nam, về Việt Nam như: “Tấm Cám musical”, “Thủy Tinh - Đứa con thứ 101”, “Chuyện của dòng sông đỏ”… Bên cạnh một vài dự án được đầu tư như một cuộc chơi nghệ thuật tốn kém, nhiều tác phẩm hướng đến lấy khán giả là trung tâm.

Trong những năm gần đây, khán giả quen thuộc với Nhà hát Tuổi trẻ có dịp thưởng thức nhiều vở nhạc kịch của người Việt và về người Việt. Trong đó, nhạc kịch “Sóng” lấy cảm hứng từ vẻ đẹp trong thơ và cuộc đời thật của nữ sĩ Xuân Quỳnh khiến người xem cảm nhận về nhạc kịch một cách trẻ trung, khi kết hợp cả nhạc jazz và broadway.

Ngay tại thời điểm trước công diễn, NSƯT Cao Ngọc Ánh - Tổng đạo diễn nhạc kịch “Sóng” từng chia sẻ, với chị và ê kíp thực hiện, việc đầu tư dàn dựng vở nhạc kịch này nhạc kịch không phải là “cuộc chơi” nghệ thuật xa xỉ mà là sản phẩm nghệ thuật, lấy khán giả làm trung tâm. Tất cả các công đoạn của vở diễn, từ tìm diễn viên, sáng tạo câu chuyện cho đến phát triển lời thoại, giai điệu, dàn dựng vũ đạo… đều được “đo ni đóng giày” sao cho gần gũi nhất với khán giả đương thời. Thực tế, nhiều suất diễn của nhạc kịch “Sóng” thu hút đông đảo khán giả.

Cảnh trong vở nhạc kịch “Sóng”.

Cảnh trong vở nhạc kịch “Sóng”.

Trước đó, Nhà hát Tuổi trẻ cũng từng thành công với nhạc kịch dành cho thiếu nhi là “Trại hoa vàng”. Bám theo cốt truyện với hệ thống nhân vật trong truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, vở nhạc kịch đưa thêm câu chuyện hướng nghiệp, sự lựa chọn tương lai của người trẻ, sử dụng nhiều ca khúc được bạn trẻ yêu thích, mang đến sự trẻ trung, tươi vui. Tác phẩm không chỉ được công nhận bằng giải thưởng của giới chuyên môn, mà còn chinh phục khán giả trong nhiều mùa biểu diễn qua nhiều năm. Nối tiếp thành công của dòng nhạc kịch Việt, năm 2023, Nhà hát Tuổi trẻ tiếp tục trình làng nhạc kịch “Viên đá ngũ sắc”.

Mang đậm sự tươi mới với phần âm nhạc điện tử đương đại được sản xuất bởi những người trẻ tuổi, vở nhạc kịch này cũng là một trong số tác phẩm khá đặc biệt khi dựa trên một câu chuyện hoàn toàn có thật và đẹp như cổ tích kể về hành trình kiên cường và đầy gian nan của "chú lính chì" Thiện Nhân, người mẹ nuôi Trần Mai Anh và đội ngũ các bác sĩ đã cùng nhau tìm lại sự sống, hy vọng, tương lai tươi sáng cho Thiện Nhân và hàng nhìn cô bé, cậu bé khác.

Hình ảnh viên đá ngũ sắc cũng là một biểu tượng của niềm tin: "Nếu ước mơ của chúng ta đủ lớn thì điều ước sẽ trở thành sự thật.”… NSƯT Sĩ Tiến - Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ cũng từng cho biết, với Nhà hát Tuổi trẻ, những vở nhạc kịch từng xuất hiện từ những năm 90 của thế kỷ trước và những năm gần đây được tập trung đầu tư hơn. Các vở nhạc kịch thuần Việt vẫn đang là mục tiêu hướng tới của Nhà hát.

Mặc dù được xác định là xu hướng chung nhưng nhiều đơn vị nghệ thuật, người làm nhạc kịch đều cho rằng, việc đầu tư thực hiện các vở nhạc kịch hướng đến bản sắc Việt, kể câu chuyện của người Việt cho người Việt đòi hỏi nhiều yếu tố, có khá nhiều khó khăn. Trong đó, bài toán kinh phí cho các dự án nghệ thuật này vẫn là câu chuyện muôn thủa.

Bên cạnh đó, việc huy động được những đội ngũ vừa giỏi nghề, có vốn văn hóa, kiến thức văn hóa, lịch sử sâu rộng, vừa giàu tâm huyết với văn hóa không dễ dàng. Bởi lẽ, với nhiều dự án, đặc biệt là những dự án đầu tư lớn, người làm nghệ thuật vẫn thường tham gia với tâm thế nắm bắt cơ hội được làm nghề. Nếu chỉ tính tới câu chuyện mang về thu nhập cao, nghệ sĩ khó tập trung nghiêm túc cho các dự án nhạc kịch thuần Việt. Hơn nữa, với đội ngũ biểu diễn, nhiều vở nhạc kịch đòi hỏi cùng lúc nhiều kỹ năng, vừa ca hát, nhảy múa, diễn xuất thể hiện được chiều sâu tâm lý của nhân vật…

Việc tuyển chọn được diễn viên đa năng như thế vẫn đang là cả một vấn đề mà sân khấu Việt nói chung, nhạc kịch nói riêng vẫn là những khoảng trống mà những người làm nghề buộc phải tìm mọi cách để khỏa lấp hiện nay.

Minh Hà

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/kinh-te-van-hoa-the-thao/nhac-kich-viet-cho-nguoi-viet-i732426/