Nhạc Ngũ âm- chất xúc tác kết nối giữa đạo và đời

Nhạc Ngũ âm - loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian không thể thiếu trong lễ hội, là mối dây tinh thần, chất xúc tác kết nối giữa đạo và đời của người Khmer.

Nhạc Ngũ âm truyền thống (Pinn Peat) của dân tộc Khmer là một dàn nhạc, được hợp thành bởi 5 bộ nhạc cụ, được làm từ 5 loại chất liệu khác nhau tạo nên 5 âm sắc riêng biệt: Bộ đồng, bộ sắt, bộ mộc, bộ hơi và bộ da. Mỗi bộ sẽ có một, hai hoặc ba loại nhạc cụ tham gia tạo nên biên chế hoàn chỉnh của dàn nhạc Ngũ âm truyền thống.

Nhạc Ngũ âm - chất xúc tác kết nối giữa đạo và đời

Nhạc Ngũ âm - chất xúc tác kết nối giữa đạo và đời

Theo những nhà nghiên cứu văn hóa Khmer: Nhạc Ngũ âm là dàn nhạc truyền thống tiêu biểu của người Khmer Nam bộ. Đây là dàn nhạc có âm lượng lớn và thường được dùng trong các nghi lễ quan trọng tại các chùa Khmer và trong các ngày lễ hội cổ truyền. Nhạc Ngũ âm được thiết kế đẹp và tinh xảo. Trong đó mỗi loại nhạc cụ được định âm một cách chính xác, bảo đảm yếu tố hòa âm cho cả dàn nhạc Ngũ âm. Khi hòa tấu tạo ra âm thanh độc đáo, từ rất trầm đến cao vút, từ ngọt ngào, du dương đến sâu lắng, hùng hồn đi vào lòng người.

Mỗi loại nhạc cụ trong nhạc Ngũ âm được định âm một cách chính xác

Mỗi loại nhạc cụ trong nhạc Ngũ âm được định âm một cách chính xác

Với việc có mặt trong thiết chế tôn giáo và tham gia trình tấu tất cả các đại lễ và nghi lễ Phật giáo ở chùa cũng như tang lễ của người dân trong cộng đồng, nhạc Ngũ âm đã trở thành một nét văn hóa gắn bó mật thiết và in dấu sâu đậm trong tâm thức và đời sống sinh hoạt của mỗi người dân Khmer từ thuở nhỏ đến lúc rời xa cuộc đời.

Nhạc Ngũ âm là tiếng lòng của người dân Khmer đới với thần linh, với thiên nhiên và con người. Những âm thanh và giai điệu mang tính ký hiệu vừa thiêng liêng vừa rất quen thuộc, thân thiết và giàu cảm xúc đối với từng cá nhân và cả cộng đồng trong suốt cuộc đời của người Khmer. Khi nghe tiếng trống cùng với tiếng nhạc Ngũ âm vang lên tại các ngôi chùa Khmer thì người dân trong phum, sóc biết được đã đến ngày tổ chức các nghi lễ tôn giáo. Còn tiếng trống lễ tang vang lên ba hồi cùng tiếng kèn réo rắt sẽ là lời thông báo cho sự qua đời của ai đó trong cộng đồng. Thông qua âm nhạc này, đồng bào Khmer được cùng hòa quyện tâm hồn mình và tạo ra sự kết nối cộng đồng với nhau một cách tự nhiên, nhẹ nhàng nhưng lại hết sức bền chặt, sâu đậm.

Được sử dụng trong tất cả những nghi lễ quan trọng của tôn giáo và đời sống tộc người, nhạc Ngũ âm được xem như là mối dây tinh thần hay chất xúc tác kết nối giữa đạo và đời, giữa Phật tử, con người trần tục với thế giới tâm linh, thiêng liêng của Đức Phật. Nhạc Ngũ âm là cây cầu và lời tiễn đưa để giúp con người về với thế giới bên kia. Âm thanh của dàn nhạc Ngũ âm là thứ ngôn ngữ để giao tiếp với thần linh và các đấng siêu nhiên, là tiếng nói giữa người sống với người chết và cả tổ tiên ngàn đời của mình đang ở phía bên kia thế giới của cõi Phật.

Vượt ra khỏi lớp vỏ của âm nhạc, những bài bản, giai điệu và âm thanh của dàn nhạc Ngũ âm vang lên trong các nghi lễ tôn giáo và lễ tang truyền thống của đồng bào Khmer. Vừa là cánh tay nâng đỡ, thúc đẩy tâm hồn hướng Phật của con người, vừa là lời an ủi, xoa dịu nỗi buồn của những người ở lại khi đưa tiễn người quá cố. Bởi vậy, người dân Khmer luôn xem các nhạc khí trong dàn nhạc Ngũ âm là “các vật thiêng” được kết tinh bởi trời đất theo quy luật âm dương và tồn tại trong mối quan hệ của thuyết ngũ hành, ngũ phương, ngũ âm, ngũ sắc.

Không những thế, nội dung và ý nghĩa của những bài bản sử dụng trong dàn nhạc Ngũ âm vốn được xuất phát từ Phật giáo nên luôn mang tinh thần giáo dục, khuyên răn con người hướng đến những điều thánh thiện, tốt đẹp. Điều đó góp phần nhất định tạo nên sự hướng thiện trong tâm hồn và tính cách của những người dân Khmer khi được đắm mình trong âm hưởng và giai điệu của loại hình âm nhạc này từ khi còn bé thơ cho đến lúc trưởng thành và về già.

Những chiếc đàn Rôneat Ek, Rôneat Thung mang hình dáng của những chiếc thuyền

Những chiếc đàn Rôneat Ek, Rôneat Thung mang hình dáng của những chiếc thuyền

Bên cạnh đó, giá trị nghệ thuật, thẩm mỹ, cách cấu tạo của mỗi nhạc cụ và sự hợp thành của cả dàn nhạc Ngũ âm mang yếu tố độc đáo, đặc trưng và thẩm mỹ rất cao. Những chiếc đàn Rôneat Ek, Rôneat Thung mang hình dáng của những chiếc thuyền được trang trí các đường nét hoa văn truyền thống Khmer tạo nên sự bắt mắt và liên tưởng văn hóa rất lớn. Trong khi đó, dàn Kuông Vông Tôch và Kuông Vông Thum lại như là sự thu gọn một cách tinh tế của những dàn cồng chiêng trong các vòng tròn lễ hội đầy biến ảo. Tất cả những điều đó cộng với vỏ âm thanh mạnh mẽ, đa âm sắc nhưng được phối hợp một cách uyển chuyển, hài hòa, đã thực sự mang đến cho nhạc Ngũ âm một sức hấp dẫn và thu hút phi thường.

Đặc biệt nghệ thuật trình tấu âm nhạc Ngũ âm truyền thống của người Khmer nói chung được xác định mang tính chất hòa tấu giao hưởng. Điều này đồng nghĩa với sự chuẩn mực và những yêu cầu chất lượng nghệ thuật rất cao của loại hình âm nhạc này so với những loại hình âm nhạc khác. Thực tế có thể khẳng định, đây chính là dòng nhạc cao cấp và được tổ chức chặt chẽ nhất trong đời sống âm nhạc của người Khmer Nam Bộ. Tất cả các nhạc cụ của dàn nhạc Ngũ âm, với từng đặc điểm kỹ thuật diễn tấu và vai trò riêng nhưng cùng phối hợp chặt chẽ, hợp lý với nhau tạo nên sự hòa quyện, kiền mạch và hoàn chỉnh cho từng bản nhạc trình diễn.

Trong dòng chảy của thời gian, chúng ta đang tiếp thu nhiều loại hình nghệ thuật mới, nhưng nhạc Ngũ âm vẫn là món ăn tinh thần không thể thiếu trong các phum, sóc của đồng bào Khmer. Với dân tộc Khmer nhạc Ngũ âm - di sản văn hóa truyền thống không đơn thuần chỉ là âm nhạc mà còn mang tính gần gũi kết nối, thiêng liêng, cao quý trong đời sống sinh hoạt văn hóa của đồng bào.

Phạm Tiệp

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nhac-ngu-am-chat-xuc-tac-ket-noi-giua-dao-va-doi-253185.html