Nhắc nhở việc chậm gửi báo cáo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia
Chiều 9/3 tại Nhà Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương - Trưởng đoàn giám sát, chủ trì Phiên họp thứ 2 Đoàn giám sát chuyên đề của QH về 'Việc triển khai thực hiện các NQ của QH về các Chương trình mục tiêu quốc gia về Xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, Phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030'
Theo yêu cầu của Đoàn giám sát, Chính phủ gửi báo cáo kết quả thực hiện các chương trình MTQG đến Đoàn giám sát trước ngày 28/02/2023. Tuy nhiên, đến ngày 7/3/2023, quá thời hạn đề ra, Chính phủ vẫn chưa có báo cáo gửi đến Đoàn giám sát; còn 2 Bộ chưa gửi báo cáo về Đoàn giám sát gồm: Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Đoàn giám sát yêu cầu gửi 4 loại báo cáo trước ngày 31/1/2023 gồm: Báo cáo chung 3 Chương trình MTQG; Chương trình DTTS&MN; Chương trình Nông thôn mới; Chương trình Giảm nghèo bền vững. Tuy nhiên, đến ngày 7/3/2023, vẫn còn 15 tỉnh chưa có báo cáo chung 3 Chương trình MTQG; 19 tỉnh chưa báo cáo về Chương DTTS&MN; 25 tỉnh chưa báo cáo về Chương trình Nông thôn mới; 25 tỉnh chưa báo cáo về Chương trình Giảm nghèo bền vững.
Cho ý kiến về vấn đề này, các đại biểu kiến nghị Đoàn giám sát tiếp tục có văn bản nhắc nhở, đôn đốc các Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố nghiêm túc tập trung chỉ đạo hoàn thiện, gửi báo cáo đến Đoàn giám sát trước ngày 20/3.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng, việc xác định đúng trọng tâm giám sát, triển khai đúng hướng đã có những tác động đến các đối tượng chịu sự giám sát, điển hình là Chính phủ đã tổ chức 3 hội nghị về triển khai các Chương trình MTQG tại 3 vùng miền.
Trưởng đoàn Giám sát cũng nhấn mạnh, trọng tâm nội dung giám sát là việc thể chế chính sách về chỉ đạo, điều hành của từng Chương trình MTQG, việc lồng ghép 3 Chương trình; đánh giá kết quả bước đầu và đề xuất sửa đổi thể chế chính sách đối với các loại văn bản thuộc thẩm quyền các cấp.
Theo Kế hoạch, Đoàn giám sát của Quốc hội sẽ làm việc với 11 Bộ, ngành và tổ chức 3 Đoàn công tác đến giám sát trực tiếp tại 15 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương từ tháng 4 đến 31/7/2023. Truyền hình Quốc hội sẽ tiếp tục thông tin, phản ánh về việc chậm gửi báo cáo của các đơn vị, địa phương trong các chương trình sau.
Thực hiện : Khắc Phục Cao Hoàng