Nhạc sĩ Hồng Đăng: Gửi lại những nồng nàn cho cuộc đời

Mấy ai đã từng gắn bó với Hà Nội lại không một lần cất lên những câu hát quen: 'Hoa sữa vẫn nồng nàn đầu phố đêm đêm/ Có lẽ nào anh lại quên em/ Có lẽ nào anh lại quên em...'.

Đã từ lâu rồi, hình như cứ nhắc đến Hà Nội là như một mặc định, ai cũng nghĩ tới mùi hương hoa sữa. Một thứ hương thơm đến nồng nàn. Và chính cái nồng nàn ấy tỏa ra trên tán cây cao ở con phố vắng người giữa lòng Hà Nội trong những đêm thanh đến đặc biệt, như đúng cái chất của tâm hồn người Hà Nội. Vì thế, “Hoa sữa” của nhạc sĩ Hồng Đăng không đơn thuần là một ca khúc, mà còn như một sứ giả văn hóa, một cầu nối để hương hoa sữa trở thành một thứ đặc hữu của tâm hồn Hà Nội.

Cũng là phố, cũng đậm chất trữ tình, tự sự khi những câu hát “Hai đứa như hai vầng mây xa/ Trôi trên sóng bồng bềnh, bồng bềnh/ Bao tháng năm đã từng trôi qua/ Mà sao vẫn lênh đênh, lênh đênh” trong ca khúc “Lênh đênh” lại cho người nghe một cảm giác man mác. Trong khi cũng là phố, cũng cùng chung một tác giả, nhưng “Kỷ niệm thành phố tuổi thơ” lại là những giai điệu nhộn nhịp, những ca từ trẻ trung, ngập tràn tinh thần lạc quan.

 Nhạc sĩ Hồng Đăng. Ảnh: ĐÌNH TOÁN.

Nhạc sĩ Hồng Đăng. Ảnh: ĐÌNH TOÁN.

Ngoài phố, Hồng Đăng còn có nhiều ca khúc viết về biển. Trong đó, nổi tiếng nhất là “Biển hát chiều nay”. Bài hát gợi lên tinh thần lạc quan, một tình yêu tha thiết của một người con đất Việt với biển quê hương. Bài hát có giai điệu đẹp và có thể nói đã thể hiện tài về sử dụng ca từ của nhạc sĩ Hồng Đăng, ở đó toàn bộ ca từ có thể nói rất “chặt” và rất “đắt”.

Nhiều câu hát trong “Biển hát chiều nay” khiến tâm hồn người nghe rung động: “Ơi biển Việt Nam, ơi sóng Việt Nam/ Qua bao nhiêu thăng trầm biển chiều nay vẫn dịu dàng/ Vùi sâu dưới đáy những gì yêu thương...”, tới sự liên tưởng “Mỗi một tình yêu mỗi một cuộc đời/ Qua bao nhiêu thăng trầm lửa thử vàng mới nên người”, và “Biển xanh vẫn nhắc những lời yêu thương/ Biển lại hát tình ca biển kể chuyện quê hương”.

Những ca khúc nổi tiếng nhất của Hồng Đăng chủ yếu đều đến từ cái duyên của ông với phim ảnh. Ông từng viết nhạc cho khoảng 70 bộ phim và nhiều ca khúc trong những bộ phim ấy sau này đã vượt ra khuôn khổ phim để bay ra ngoài đời sống, lan tỏa trong tình yêu của công chúng nghe nhạc cả nước. Như “Hoa sữa” là ca khúc nằm trong phim “Hà Nội mùa chim làm tổ”; “Lênh đênh” là ca khúc nằm trong phim “Đời hát rong”... Trong khi đó, “Biển hát chiều nay” được ra đời không phải từ trong một bộ phim, nhưng sau khi ra đời, ca khúc cũng được khai thác và sử dụng trong nhiều bộ phim liên quan đến biển, đảo. Ngay cả nhiều chương trình truyền hình có liên quan đến biển, đảo quê hương cũng chọn “Biển hát chiều nay” làm nhạc nền hoặc nhạc hiệu.

Gia tài âm nhạc của nhạc sĩ Hồng Đăng tương đối đồ sộ, với gần 1.000 tác phẩm, chủ yếu là ca khúc. Ngoài ca khúc, ông còn sáng tác nhiều thể loại thanh nhạc lớn như thanh xướng kịch hay hợp xướng. Một số tác phẩm tiêu biểu như: Hợp xướng “Lửa rực chát” (dựa thơ Tố Hữu, năm 1960); thanh xướng kịch “Sông Hồng ngàn năm reo hát” (1964); hợp xướng “Từ trận địa gang thép” (1968); hợp xướng “Đêm lửa Trường Sơn” (1972); hợp xướng “Câu chuyện Việt Nam” (1976)... Ngoài sáng tác cho thanh nhạc, nhạc sĩ còn sáng tác nhiều thể loại khác như khí nhạc, nhạc phim, nhạc sân khấu...

Bên cạnh sáng tác, ông còn biên soạn nhiều cuốn sách có giá trị phục vụ công tác đào tạo âm nhạc tại các trường âm nhạc chuyên nghiệp trong cả nước. Trong đó đáng kể nhất là cuốn “Các nhạc cụ trong dàn nhạc giao hưởng” được Nhà xuất bản Âm nhạc xuất bản năm 1968 và tái bản năm 1978. Cuốn sách này hiện vẫn được các thế hệ sinh viên, đặc biệt là sinh viên chuyên ngành lý luận, sáng tác, chỉ huy sử dụng nhiều. Đặc biệt hơn, ông còn biên soạn sách giáo khoa về môn xướng âm, cụ thể là cuốn: “70 bài xướng âm” (NXB Âm nhạc, 1962) hay “200 bài xướng âm cơ bản” (NXB Âm nhạc, 1973).

Nhạc sĩ Hồng Đăng tên thật là Phan Đăng Hồng, sinh năm 1936 trong một gia đình có truyền thống cách mạng tại Nghệ An. Ông là cháu ruột nhà cách mạng Phan Đăng Lưu. Những năm 1950, khi còn là học sinh kháng chiến ở Liên khu IV, ông đã bắt đầu sáng tác những ca khúc đầu tay; ông theo học lớp sáng tác khóa đầu tiên tại Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam).

Hồng Đăng là một trong số những tên tuổi của nền âm nhạc cách mạng. Năm 2001, ông được trao Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật và nhận giải thưởng Bùi Xuân Phái vì tình yêu Hà Nội năm 2021. Ông ra đi ngày 21-3-2022 (thọ 86 tuổi) để lại niềm tiếc thương vô hạn. Nhưng chắc chắn những tác phẩm âm nhạc trong nhiều lĩnh vực ông để lại luôn có giá trị với đời sống và các thế hệ nhạc sĩ tương lai. Vì thế, nó sẽ còn đồng hành với những người hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc và trong lòng người yêu nhạc cả nước.

LONG NGUYỄN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/ky-su/nhac-si-hong-dang-gui-lai-nhung-nong-nan-cho-cuoc-doi-689516