Nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ qua đời
Nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ- một trong những tên tuổi khởi đầu cho tân nhạc Việt Nam- vừa tạ thế tối 18/8 tại nhà ở Hà Nội, hưởng đại thọ 103 tuổi.
Nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ sinh ngày 29/7/1921 tại làng Tó, Tả Thanh Oai, Hà Đông (nay thuộc Hà Nội), là con cụ Nguyễn Thiện Tường (sinh năm 1886), công nhân nhà in Viễn Đông Ấn Đường (IDEO) của Pháp tại Hà Nội, sau Cách mạng tháng Tám làm công nhân nhà in Ngân hàng Quốc gia Việt Nam.
Theo tác giả Phan Đông Viên, thời trẻ cụ Tường hát Trống quân rất hay, được nhiều giải thưởng ở địa phương và liên tỉnh đồng bằng Bắc bộ. Từ thuở ấu thơ, Nguyễn Thiện Tơ đã được sống giữa những làn điệu Trống quân và các hình thức diễn tấu khác mà bố và các bạn bè thường tập ở nhà.
Lên 9 tuổi (1930), Nguyễn Thiện Tơ đã làm quen với âm nhạc bằng việc tập chơi trên chiếc đàn Tàu hai dây và thổi harmonica, nghe nhạc Pháp đĩa than... Năm 14 tuổi (1935) ông bắt đầu tự học nhạc lý theo sách của Marmont và Lavignac rồi học guitar Hawaii với thầy Trần Đình Khuê.
Được biết chỉ sau 3 tháng theo học, ông đã được thầy cho biểu diễn cùng trên đài phát thanh. Năm 1937, ông mở lớp dạy guitar Hawaii. Trong số người học đàn ông có những tên tuổi như Doãn Mẫn, Đoàn Chuẩn…
Tháng 5/1938 Nguyễn Thiện Tơ 17 tuổi đã được mời biểu diễn guitar Hawaii tại Nam Định để làm từ thiện. Trong chương trình ông gặp ca sĩ Hà Tiên. Hai người cảm mến nhau. Nhưng do Hà Tiên theo đạo Thiên Chúa, Nguyễn Thiện Tơ nghĩ hai người không thể đến được với nhau nên đã sáng tác ca khúc đầu tay Giáo đường im bóng, nhờ bạn là nhà thơ Phi Tâm Yến sửa lời. Nhưng về sau hai người lại nên duyên vợ chồng vào năm 1944.
Đầu năm 1940, ông sáng tác bài thứ hai là Nhắn gió chiều. Nhạc sĩ Ngọc Bích (tác giả Mộng chiều xuân) đã hát biểu diễn bài này tại rạp Bạch Mai, Hà Nội. Năm 1943, ông tham gia ban nhạc Myosotis cùng các nhạc sĩ Dương Thiệu Tước, Thẩm Oánh…
Nguyễn Thiện Tơ về sau còn tiếp tục học thêm contrebass và sáo (flute). Ông có 5 năm là giảng viên cộng tác bộ môn sáo tại Trường Âm nhạc Việt Nam khi trường mới thành lập năm 1956. Từ 1959-1965, ông là chơi sáo trong dàn nhạc giao hưởng của Đoàn Giao hưởng hợp xướng Quốc gia Việt Nam (tiền thân của Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam).
Nguyễn Thiện Tơ để lại khoảng 30 sáng tác, trong đó phải kể đến những bài: Giáo đường im bóng, Nhắn gió chiều, Chiều tà, Giấc mơ xưa, Qua bến năm xưa, Quanh lửa hồng, Trên đường về, Nhớ quê... Ông có tám người con đều hoạt động trong các ngành nghệ thuật. Nguyễn Thiện Tơ là một tấm gương phấn đấu, cống hiến cả đời cho âm nhạc.
Lễ viếng diễn ra sáng Chủ Nhật 21/8 (từ 7h đến 8h) tại nhà tang lễ 125 Phùng Hưng, Hà Nội.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/nhac-si-nguyen-thien-to-qua-doi-post1462912.tpo