Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý: 'Bị con cái bỏ rơi, tôi buồn và cô đơn lắm, tôi muốn chết lắm, muốn chết ngay...'
Tuổi cao sức yếu, bệnh tật đeo mang... những ngày cuối đời của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý phải sống trong cảnh đơn độc, khốn khó và thiếu trước hụt sau. Đến con gái của ông, dù sống ở TP.HCM, 2 năm rồi cũng không đến thăm ông.
Từng là một trong năm nhạc sĩ đầu tiên sáng lập nên Hội nhạc sĩ Việt Nam và để lại dấu ấn trong lòng công chúng qua những tác phẩm âm nhạc nổi tiếng như Dư âm, Dáng đứng Bến Tre, Mẹ yêu con, Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa, Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh, Người đi xây hồ Kẻ Gỗ... thế nhưng, ít ai ngờ rằng ở cái tuổi gần đất xa trời, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý đang phải chật vật với cuộc sống đơn độc, lắm bệnh tật.
Tuổi già khốn khổ của người nhạc sĩ tài hoa
Trong căn phòng chưa đến 10m2, cuộc sống của người nhạc sĩ 95 tuổi chỉ gói gọn trên chiếc giường sắt cũ kĩ. Tay chân ông bây giờ rất yếu nên chẳng thể đi đứng được, ông bảo đôi khi muốn đứng dậy pha tách trà mà cũng không làm được. Mọi sinh hoạt thường ngày của ông đều phải cậy nhờ vào người cháu họ xa, vốn chăm sóc ông suốt mấy mươi năm qua.
“Tôi nhiều bệnh lắm, thần kinh tôi bây giờ yếu, trí nhớ giảm, lúc nhớ lúc quên. Một bên tai tôi cũng không nghe được, tôi cũng không đi đứng được, càng nằm càng liệt. Lắm lúc tôi muốn ngồi dậy pha một ấm trà mà cũng không làm được. Cuộc sống của tôi bây giờ chỉ trông nhờ vào người cháu họ xa, tôi buồn và cô đơn lắm...!”, người nhạc sĩ già rưng rưng nước mắt khi nói về cuộc sống đơn độc của mình.
Dẫu tuổi cao sức yếu nhưng nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý vẫn còn khá minh mẫn, ông vẫn nhớ như in những cột mốc quan trọng trong cuộc đời mình cùng chuỗi kí ức về 2 người vợ và 2 người con mà ông rất mực yêu thương. Tuy nhiên, theo lời Nguyễn Văn Tý chia sẻ, hiện tại cả 2 người con của ông đều không đoái hoài đến người cha già yếu, bệnh tật và không biết còn sống được bao lâu nữa...
“Tôi có 2 người con gái đều đã lập gia đình, một người là giáo viên dạy văn hóa, người còn lại dạy piano và được tôi cho đi học ở Đức. 2 con tôi hiện tại cũng sắp đến tuổi về hưu rồi nhưng không đứa nào lo cho tôi. Con tôi nó bỏ tôi đi, không lo lắng cho tôi dù tôi là người đẻ nó ra, cho nó ăn học thành tài”, tác giả ca khúc Dư âm bật khóc thổ lộ.
Không được con ruột phụng dưỡng lúc về già nên nguồn thu nhập hiện tại của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý chỉ trông chờ vào phần lương hưu mỗi tháng cùng sự hỗ trợ từ các Mạnh Thường Quân gần xa, giúp ông trang trải chi phí thuốc men cũng như có bữa cơm bữa cháo trong căn nhà cấp 4 tuềnh toàng.
Mà, ngay cả căn nhà cấp 4 này, nay đã không còn là của ông nữa. Bởi, theo lời ông, cách đây nhiều năm, người con gái thứ 2 đã nghe lời xúi giục của chồng, yêu cầu ông làm giấy tờ để lại ngôi nhà tuềnh toàng nằm trong con hẻm cụt ở quận 1, TP.HCM này cho vợ chồng mình.
Ông nghẹn ngào bảo: “Nhà này tôi mua khi mới từ ngoài Bắc vào Nam, nhưng con gái không thương tôi, lừa tôi để lại ngôi nhà này cho nó, tôi hỏi nó: “Bố để lại cho con rồi bố ở đâu con?”, thì nó mới nói: “Bố cứ ở đây đi, đến khi bố mất thì thôi”.
Để rồi, suốt nhiều năm qua, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý sống hiu quạnh một mình với kiếp sống đơn độc, con không ghé thăm...
Có một thời gian, 2 vợ chồng người con gái nhỏ đã dọn về ngôi nhà này sống chung để phụng dưỡng ông nhưng không biết vì lý do gì, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý đã phải nhờ đến cơ quan công an để đuổi vợ chồng người con ra khỏi nhà.Theo lời chị Thương, người cháu họ xa đã có gần 30 năm chăm sóc nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, ông là một người cha tốt và rất yêu thương con cái cùng các cháu trong gia đình. Mối quan hệ giữa nhạc sĩ và 2 người con ruột trước đó rất tốt, tuy nhiên sau khi nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý làm giấy sang tên quyền sở hữu ngôi nhà này cho người con gái thứ 2 thì tình cảm giữa 3 cha con bắt đầu phát sinh mâu thuẫn.
Còn người con gái đầu của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, do chồng mất sớm nên mang gánh nặng gia đình, không có nhiều điều kiện chăm sóc cho cha. “Mỗi năm, người đó cũng gửi được vài triệu vào lo cho ông”, chị Thương tiết lộ.
Trước thắc mắc vì sao cả 2 người con của lại bỏ rơi cha ruột, phải chăng trong mối quan hệ gia đình, ông và các con của mình đã xảy ra mâu thuẫn? Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý chậm rãi cho biết: “Tôi và các con chẳng có mâu thuẫn gì nhưng tôi đoán thế này, con cái tôi nó muốn điều khiển bố mẹ nhưng nó không làm được điều đó với tôi nên thành ra như thế. Giờ phải có ai nói vào thẳng vào mặt chúng, bảo mày đối xử như thế là không được... Tôi bảo chúng nó vào thăm tôi nhưng nó không vào, tôi không hiểu sao nữa... bạc tình lắm!”.
Ngoài việc đối diện với tuổi già và bệnh tật trong sự cô độc, không con cái chăm sóc, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý còn một mình trải qua những vết thương nơi tâm hồn khi nhớ đến 2 người vợ mà ông từng hết dạ yêu thương.
Ông kể lại: “Tôi nhớ 2 bà ấy nhiều lắm. Ngày xưa tôi lấy người vợ đầu tiên, tôi phải theo đạo và bất chấp sự ngăn cản của gia đình, tôi đã khóc để xin phép mẹ được lấy bà ấy. Ngày đó vợ chồng dù nghèo khổ nhưng rất yêu thương nhau. Tôi và bà ấy kết hôn được 1 năm thì bà ấy mất vì bệnh sau khi hạ sinh cho tôi đứa con gái đầu lòng. Mải đến gần 10 năm sau đó, tôi mới gặp người vợ thứ 2, là em gái nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương, qua mai mối.
Tôi nhớ lúc ấy nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương đã giới thiệu với bà ấy rằng: “Ngoài kia có thằng Tý, nó đẹp trai và nhiều tài vặt lắm”, thế rồi bà mới tiến đến nói với tôi: “Ừ thì đẹp trai nhưng anh có tài vặt gì?”. Lúc ấy, tôi đã đáp lời bà ấy rằng: “Em nói thế thì anh cũng cho biết, anh chẳng có tài cán gì cả” và tôi không ngờ câu trả lời đó càng làm bà ấy quý mến, yêu thương tôi bởi cho rằng tôi là người khiêm tốn”.
Dù người vợ sau khi đến với nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, bà từng có một đời chồng và 4 người con nhưng điều này không ngăn được tình yêu mà ông dành cho bà. “Lúc đó tôi nói với bà ấy là, em yên tâm đi, nếu các con của em thương anh thì anh cũng thương chúng nó... Tôi thương và trân quý nhất ở bà ấy là cái tình đối với chồng con vô cùng sâu sắc. Tôi từng suýt mất vợ trong một trận đánh bom, vì vậy mà tôi thương bà ấy lắm!”- ông nói về người vợ đã khuất của mình với tất cả sự yêu thương.
Ảnh người vợ thứ 2- em gái nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương- được nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý đặt trang trọng trong nhà.
Bằng tình yêu thương mãnh liệt dành cho vợ con, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý đã viết tặng người vợ thứ 2 cùng cô con gái ca khúc Mẹ yêu con. Trong niềm xúc động bùi ngùi khi nhớ lại kỉ niệm đặc biệt này, người nhạc sĩ 95 tuổi vừa mếu máo khóc, vừa hát lại câu “miệng con chúm chím xinh xinh như đài hoa” và cho biết những câu từ này ông dành miêu tả cô con gái nhỏ thuở ấu thơ, thế nhưng ở hiện tại, người con ấy đã bỏ mặc ông...
“Tôi muốn chết lắm... tôi muốn lắm và muốn chết ngay...”, người nhạc sĩ tài hoa bật khóc nức nở trước phận đời khốn khó của mình.
Nghề nhạc sĩ có cái thanh cao của nó
Từng dành cả quãng đời tuổi trẻ của mình để cống hiến cho âm nhạc nước nhà, thế nhưng nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý quặn lòng cho biết, nhiều năm nay, không có đồng nghiệp hay bạn bè nào đến thăm hỏi ông, điều này khiến người nhạc sĩ tuổi cao sức yếu buồn tủi và rất dễ xúc động rơi nước mắt khi bất chợt thấy có ai nhớ đến mình.
Khi được hỏi niềm vui lớn nhất của mình bây giờ là gì, ông xót xa bảo: “Đó là có người đến thăm hỏi, chăm nom, cho tôi ít tiền để sống... Đến một lúc nào đó không còn kinh tế để xoay trở cuộc sống thì đó là ngày tôi chấm dứt cuộc đời của mình...”.
Dẫu tuổi cao sức yếu, không còn cống hiến được cho nghệ thuật nhưng trong thâm tâm của mình, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý vẫn có những trăn trở về sự nghiệp âm nhạc. “Tôi mơ ước... và lẽ ra tôi phải làm được những thể loại âm nhạc lớn vì tôi có khả năng làm, nhưng lại không làm được do thời trẻ không có điều kiện. Lắm lúc tôi muốn viết một ca khúc nói về cuộc đời của chính mình, tôi muốn lắm nhưng tôi sợ. Thần kinh của tôi yếu lắm rồi, nếu phải suy nghĩ hay xúc động, tôi có thể bị đứt mạch máu não. Nên tôi không dám làm vì sợ...”.
Nếu được quay ngược thời gian trở về quá khứ và thay đổi một điều gì đó để không khiến bản thân cảm thấy hối tiếc, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý đã thẳng thắn cho biết ông muốn thoát khỏi sự nghèo khổ, bởi nó kiềm hãm con người ông và cả gia đình suốt hàng chục năm. Dù là một nhạc sĩ nổi tiếng với nhiều ca khúc bất hủ, thế nhưng để có thể theo đuổi đam mê ấy, Nguyễn Văn Tý đã phải đánh đổi và trả nhiều cái giá.
Dẫu vậy, Nguyễn Văn Tý khẳng định rằng ông vẫn sẽ trở thành một nhạc sĩ nếu được quay ngược thời gian và lựa chọn lại nghề nghiệp của mình, bởi với ông, sống một cuộc đời làm nhạc sĩ, nó có sự thanh cao, đẹp đẽ của nó!