Nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn: 'Hãy sống như đời sông!'
Nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn nói trong hội thảo 'Thơ và nhạc, tương sinh hay tương khắc', thuộc khuôn khổ Ngày thơ 2024 tại TP HCM, rằng bài 'Khát vọng' của ông viết có câu 'Hãy sống như đời sông!' chứ không phải 'Hãy sống như đời sống!'.
Phát biểu tại hội thảo xoay quanh chủ đề về mối lương duyên giữa thơ và nhạc, nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn nhận định mối lương duyên này đã có từ nhiều thế kỷ trước. Thơ và nhạc đã từng kết hợp với nhau nhiều lần và tạo ra nhiều kiệt tác nhưng đỉnh cao của sự phối hợp là tác phẩm "Bản giao hưởng số 9" của Beethoven.
Tại Việt Nam, nhiều ca khúc được phổ thơ, phỏng theo lời thơ, tạo ra được nhiều tác phẩm được công chúng đón nhận. Nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn cũng đã phổ thơ thành các ca khúc như: "Thành phố tình yêu và nỗi nhớ" (thơ Nguyễn Nhật Ánh), "Dấu chân phía trước" (thơ Hồ Thi Ca), "Đất nước" (thơ Tạ Hữu Yên). Ông cũng viết ca khúc "Khát vọng" phỏng theo bài thơ "Nhờ Đảng, tôi biết được" của tác giả Đặng Viết Lợi.
"Trong bài "Khát vọng", tôi viết "Hãy sống như đời sông" nhưng thỉnh thoảng vẫn nghe, thấy có người hát và viết là "Hãy sống như đời sống". Tôi nghĩ cần thận trọng, tôn trọng câu chữ của người sáng tác bởi chỉ sai một dấu câu, nét chữ cũng đã làm sai lệch ý nghĩa truyền tải" - nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn tâm sự.
Ông kể những câu chuyện tìm kiếm các bài thơ phù hợp và phổ nhạc. Mối quan hệ thơ nhạc là mối quan hệ tương sinh với nhau, thơ càng xúc tích, hình tượng nghệ thuật thì âm nhạc càng nhiều khả năng phát huy.
Tuy nhiên, nếu thơ sáo rỗng, không nhiều hình tượng thì cũng khó để nhạc sĩ tiếp cận và phổ nhạc. Vì thế, để thơ và nhạc thăng hoa cần sự nỗ lực của hai bên, tạo ra những tác phẩm hay để phục vụ khán giả.
Nhà văn Bích Ngân - Chủ tịch Hội nhà văn TP HCM, cho biết từ ca khúc phổ thơ đầu tiên được giới thiệu công khai là bài "Bình minh" do nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát phổ thơ Thế Lữ (bài thơ đăng trên báo Ngày Nay số ra ngày 31-7-1938) cho đến nay, thật khó thống kê đầy đủ đã có bao nhiêu ca khúc được phổ từ thơ.
Thế nhưng, đánh giá một cách khách quan, thì quan hệ giữa thơ và nhạc vẫn còn nhiều điều bất cập, cần được trao đổi một cách thấu đáo. Những tồn tại ý kiến trái chiều về ghi tên tác giả thơ khi công bố ca khúc phổ thơ tuy nghe có vẻ chi li nhưng cũng nên tìm tiếng nói chung để tránh hệ lụy "cơm không lành, canh không ngọt" hoặc "bằng mặt không bằng lòng" giữa nhà thơ và nhạc sĩ.
"Hội thảo "Thơ - nhạc, tương sinh hay tương khắc?" nhằm góp phần khích lệ nhà thơ và nhạc sĩ phát huy tối đa thế mạnh của mỗi người, để chúng ta cùng có thêm nhiều ca khúc phổ thơ đa dạng hơn, quyến rũ hơn và giàu bản sắc văn hóa Việt Nam hơn, nhằm hồi đáp sự mong đợi của công chúng Việt Nam" - nhà văn Bích Ngân kỳ vọng.
"Tôi nghĩ rằng, nhạc phổ thơ như một chiếc cầu. Ca khúc đưa bài thơ đến với người nghe. Từ bờ bên này, lời thơ được phổ nhạc thành những nhịp cầu, nối bờ bên kia. Có chiếc cầu vững chắc, có chiếc cầu chênh vênh. Chiếc cầu vững chắc là những nhạc phẩm phổ thơ thành công, đi vào lòng người nghe và ở lại trong tâm trí. Chiếc cầu chênh vênh là những nhạc phẩm phổ thơ không mấy thành công, hoặc có những lý do khác, không đến được với công chúng, dần đi vào lãng quên" - nhà thơ Bùi Phan Thảo chia sẻ.
Ông nói thêm khi thơ được phổ nhạc thì nhạc chắp cánh cho thơ và thơ làm nền cho nhạc thăng hoa. Cái duyên thơ - nhạc có khi ngẫu hứng tình cờ, có khi bền chặt. Thơ đầy tính nhạc, nhạc đẹp như thơ và mối lương duyên này kể hoài không hết.
Hội thảo còn có nhiều đại biểu của nhạc, của thơ tham gia phát biểu, trải lòng, tạo những khoảnh khắc ấn tượng.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/nhac-si-pham-minh-tuan-hay-song-nhu-doi-song-196240223151331036.htm