Nhạc sĩ Phú Quang qua đời vì căn bệnh nguy hiểm nhiều người mắc phải

Sáng ngày 8/12, tác giả của những ca khúc nổi tiếng về Hà Nội được nhiều thế hệ khán giả yêu mến, nhạc sĩ Phú Quang đã qua đời ở tuổi 72 sau một thời gian dài chiến đấu với căn bệnh đái tháo đường.

Nhạc sĩ Phú Quang đã qua đời bởi căn bệnh đái tháo đường.

Nhạc sĩ Phú Quang đã nhiều năm mắc một căn bệnh được gọi là "căn bệnh của thời đại"- Đái tháo đường. Con gái đầu của nhạc sĩ là nghệ sĩ piano Trinh Hương từng chia sẻ, nhạc sĩ đã chung sống với căn bệnh đái tháo đường hơn 30 năm nay. Vài năm trước khi mất, sức khỏe nhạc sĩ Phú Quang bị những biến chứng của bệnh làm cho suy yếu, cứ vài tháng ông lại phải nhập viện điều trị một đợt và cho đến phút cuối ông ra đi bởi biến chứng của bệnh quá nặng.

Đái tháo đường – Căn bệnh không lây nhiễm nguy hiểm ngang đại dịch

Căn bệnh mà nhạc sĩ Phú Quang mắc phải không còn xa lạ với toàn thế giới. PGS.TS. Tạ Văn Bình - Chủ tịch Hội Người giáo dục bệnh đái tháo đường Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí Đái tháo đường nhận định: "Bên cạnh dịch bệnh COVID-19 hiện nay, bệnh đái tháo đường cũng được coi là một đại dịch dù là căn bệnh không lây nhiễm do tốc độ phát triển quá nhanh. Khác với tư tưởng trước đây cho rằng bệnh đái tháo đường là bệnh của nhà giàu, thực tế bệnh nhân đái tháo đường càng nghèo bao nhiêu thì bệnh càng nặng bấy nhiêu. Đái tháo đường cũng có nguy cơ ngày càng trẻ hóa."

Báo cáo mới nhất từ Liên đoàn phòng chống Đái tháo đường Thế giới năm 2021 tiếp tục khẳng định bệnh đái tháo đường là một thách thức toàn cầu đối với sức khỏe và hạnh phúc của các cá nhân, gia đình và xã hội bởi sự gia tăng liên tục tỉ lệ mắc bệnh trên toàn cầu.

Số liệu thống kê cũng cho thấy một tình trạng đáng lo ngại: Trên toàn thế giới hiện có 537 triệu người trưởng thành đang sống chung với bệnh đái tháo đường, dự đoán con số này sẽ tăng lên 643 triệu vào năm 2030 và 784 triệu vào năm 2045, có nghĩa là cứ khoảng 10 người thì có một người mắc đái tháo đường.

Bệnh đái tháo đường là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tim mạch, đột quỵ, mù lòa, suy thận và cắt cụt chi dưới. Chỉ trong năm 2021, căn bệnh này đã cướp đi sinh mạng của 6,7 triệu người.

Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới đang phải gánh chịu áp lực từ sự gia tăng số người mắc bệnh đái tháo đường trong cộng đồng. Việt Nam được xếp nằm trong 10 quốc gia có tỷ lệ gia tăng bệnh nhân đái tháo đường cao nhất thế giới, và là 1 trong 10 quốc gia có tỷ lệ phát triển bệnh đái tháo đường nhanh bậc nhất của Châu Á – Thái Bình Dương.

Theo số liệu của IDF năm 2019, tại Việt Nam, có khoảng gần 3,8 triệu người phải sống chung với căn bệnh đái tháo đường. Hầu hết trong số này là đái tháo đường type 2.

Bệnh đái tháo đường nguy hiểm nhưng có thể ngăn chặn, kiểm soát

Theo TS. Phan Hoàng Hiệp - Giám đốc BV Nội tiết Trung ương: Mặc dù bệnh đái tháo đường không thể chữa khỏi được nhưng hoàn toàn có thể kiểm soát được. Người mắc bệnh vẫn có thể duy trì cuộc sống khỏe mạnh, bình thường nếu được phát hiện sớm, tuân thủ việc dùng thuốc và thực hiện chế độ dinh dưỡng, vận động theo lời khuyên của thầy thuốc.

Để sớm phát hiện tiền đái tháo đường, TS. Phan Hoàng Hiệp khuyên người dân ngay từ khi còn trẻ, tuổi dưới 30 nên mỗi năm định kỳ đi kiểm tra sức khỏe, kiểm tra đường huyết một lần. Đặc biệt là đối với những người có yếu tố nguy cơ cao như: Tiền sử gia đình có người mắc đái tháo đường; thừa cân, béo phì, lối sống ít vận động; có mắc bệnh mạn tính khác; có nhiều sự thay đổi sinh hoạt đột ngột; stress…

TS. Phan Hoàng Hiệp cảnh báo, nếu tình trạng tiền đái tháo đường không được can thiệp, kiểm soát thì chỉ sau 1 năm, 60% số người tiền đái tháo đường sẽ tiến triển thành đái tháo đường.

Nếu được can thiệp sớm bằng các biện pháp:

Chế độ dinh dưỡng theo hướng dẫn của chuyên gia;
Gia tăng luyện tập thể lực 30 phút mỗi ngày;
Không hút thuốc, không lạm dụng rượu bia, duy trì cân nặng hợp lý…

sẽ giúp giảm tỉ lệ tiến triển thành đái tháo đường; kéo dài thời gian tiến triển bệnh từ 2 đến 5 năm, thậm chí là dài hơn. Khi thời gian tiến triển chậm, sẽ giúp người bệnh giảm các biến chứng nặng do đái tháo đường gây ra.

Về vấn đề ai có thể bị đái tháo đường, PGS.TS. Tạ Văn Bình cũng đưa ra quan điểm: "Sinh bệnh học của bệnh đái tháo đường type 2 là sự tương tác giữa yếu tố gen và yếu tố môi trường mà bạn đang sống. Yếu tố môi trường theo hiểu biết hiện nay gồm 3 yếu tố: Ăn uống không khoa học; ít hoạt động thể lực và stress". Ngăn ngừa hạn chế được những yếu tố nguy cơ là cách mà chúng ta có thể phòng ngừa căn bệnh đái tháo đường.

Phòng ngừa biến chứng của bệnh đái tháo đường có khó?

Theo các chuyên gia, đái tháo đường là bệnh mạn tính và có thể gây nhiều biến chứng do vậy người bệnh cần có chế độ ăn uống và sinh hoạt sao cho phù hợp.

- Về sinh hoạt: Người bệnh đái tháo đường tăng cường vận động, mỗi ngày nên dành thời gian đi bộ, tập thể dục, ngoài ra có thể chơi các môn thể thao phù hợp với sức khỏe.

- Bệnh đái tháo đường là rối loạn chuyển hóa, do đó người bệnh đái tháo đường cần có chế độ ăn uống hợp lý theo đúng hướng dẫn của bác sĩ. Ví dụ cần ăn kiêng hoa quả ngọt, hạn chế rượu bia, bỏ thuốc lá, không uống các đồ uống có cồn...

- Mục tiêu điều trị của bệnh đái tháo đường là kiểm soát tốt chỉ số đường huyết, phát hiện sớm các biến chứng nhằm giúp bệnh nhân ngăn ngừa hoặc trì hoãn các biến chứng của đái tháo đường. Do đó, người bệnh cần được theo dõi thường xuyên bằng cách đi khám bệnh định kỳ, tuân thủ theo chế độ điều trị của bác sĩ. Tuyệt đối không dùng thuốc theo mách bảo tránh hệ lụy đến sức khỏe.

Mời xem thêm video được quan tâm:

Minh Thu

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn//nhac-si-phu-quang-qua-doi-vi-mot-can-benh-nguy-hiem-nhieu-nguoi-mac-phai-169211208194324895.htm