Nhạc sĩ Thao Giang - Người 'hồi sinh' nghệ thuật xẩm qua đời
Sáng nay (25/10), Trung tâm Phát triển nghệ thuật Âm nhạc Việt Nam thông báo, nhạc sĩ Thao Giang đã qua đời vào ngày 24/10 tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương, hưởng thọ 75 tuổi.
Nhạc sĩ Thao Giang (tên thật: Nguyễn Văn Vĩnh) sinh năm 1948 quê ở Thanh Oai (Hà Nội). Nhạc sĩ là một tên tuổi lớn của nghệ thuật đàn nhị chuyên nghiệp Việt Nam thế kỷ 20, một tên tuổi gắn liền với âm nhạc truyền thống dân tộc.
Ông là thầy của nhiều nghệ sĩ đàn nhị nổi tiếng như: Thế Dân, Sĩ Toán, Văn Hà... Ông từng đoạt Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2023 với hai tác phẩm: Kể chuyện ngày mùa và Tình quê hương.
Trong lĩnh vực sáng tác, ông còn là tác giả của nhiều tác phẩm viết cho cây đàn nhị như: Làng ven sông, Đan lưới... Ngoài ra, ông cũng sáng tác tác phẩm cho một số nhạc cụ dân tộc quen thuộc như: Hương rừng (đàn Tam thập lục), Ao cá Bác Hồ (Đàn tranh), Du thuyền trên sông Hương (đàn Bầu), Đường xa vui những tiếng đàn (đàn Tỳ bà)…
Bén duyên với cây đàn nhị từ khi còn nhỏ, nhạc sĩ Thao Giang theo học tại Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) từ rất sớm. Dưới sự hướng dẫn của cụ Vũ Tuấn Đức - một nhạc công lừng danh của âm nhạc Cung đình Huế, ông dồn mọi tâm sức và tình yêu cho loại hình nghệ thuật cổ truyền.
Năm 1967 ông tốt nghiệp hệ trung cấp đàn nhị và được giữ lại trường làm giảng viên. Cùng với (cố) NGND Xuân Khải, nhạc sĩ Thao Giang là người đặt nền móng cho Khoa Nhạc cụ truyền thống của trường. Đồng thời ông cũng là một nghệ sĩ biểu diễn tài năng gắn với cây đàn nhị.
Ông từng được cử sang Ấn Độ 5 năm để học hàm thụ, biểu diễn giao lưu học hỏi kinh nghiệm. Vì tình yêu xẩm quá đỗi nên nhạc sĩ Thao Giang đã từ bỏ cả cương vị Phó khoa Âm nhạc truyền thống ở Nhạc viện Hà Nội để dồn tâm sức nghiên cứu và tìm ra “hơi thở” mới cho những loại hình nghệ thuật cổ truyền.
Nhạc sĩ Thao Giang cùng GS. NSND Phạm Minh Khang thành lập Trung tâm Phát triển Nghệ thuật Âm nhạc Việt Nam. Trước khi qua đời, ông giữ vị trí Giám đốc Trung tâm này.
Ông cùng các nhạc sĩ tâm huyết với âm nhạc dân tộc mở những lớp truyền dạy âm nhạc dân tộc miễn phí. Sự chỉ bảo tận tình của các thầy đã truyền lửa, giúp cho nhiều thế hệ học trò hăng say học tập.
Nhiều học trò của nhạc sĩ Thao Giang giảng dạy ở ngay trung tâm và ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Nhạc sĩ Thao Giang còn cùng với các nghệ nhân bàn bạc, tìm hướng phát triển nghệ thuật âm nhạc truyền thống.
Theo nhà phê bình Nguyễn Quang Long, chính người thầy của mình - nhạc sĩ Thao Giang là người "đấu tranh" không ngừng nghỉ để xẩm có vị trí tương đương như ca trù, quan họ, cải lương, bài chòi, ca Huế…
Ông đã khởi xướng và vận động để cho ra CD xẩm Hà thành, lễ giỗ tổ nghề hát xẩm ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám…
Năm 2005, ông và các đồng nghiệp lần đầu tiên đưa xẩm ra biểu diễn ở phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm.
Đặc biệt, năm 2008, với nỗ lực không mệt mỏi của ông, chương trình "Đêm hát xẩm và trống quân mừng Xuân Mậu Tý 2008" được diễn ra ở Nhà hát lớn Hà Nội. Đây cũng là lần đầu tiên xẩm "bước vào" Nhà hát lớn Hà Nội với một vị trí hết sức sang trọng.
Sự kiện đó có sự góp giọng của nghệ nhân Hà Thị Cầu, Nguyễn Văn Khôi, các nghệ sĩ Thanh Ngoan, Đoàn Thanh Bình, Khương Cường, Thanh Mai, Đức Huy…