Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo qua đời, thọ 104 tuổi
Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo vừa qua đời tại nhà riêng lúc 18h50 ngày 7/1 sau thời gian chống chọi bệnh do tuổi cao sức yếu, hưởng thọ 104 tuổi.
Theo con gái của nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo - cô Thu Anh cho biết, sau ba đợt nhập viện điều trị các căn bệnh nền, do tuổi cao sức yếu, nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo đã trút hơi thở cuối cùng lúc 18 giờ 50 ngày 7/1 tại nhà riêng ở TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Nhạc sư hưởng thọ 104 tuổi.
Con gái cố nhạc sư thông tin thêm, những ngày cuối đời nhạc sư trải qua thời gian hôn mê. Nhạc sư vừa sang tuổi mới vào ngày 1/1 đầu năm.
Cô Thu Anh cũng chia sẻ rằng, trước khi hôn mê, nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo đã dặn dò tang lễ phải hết sức đơn sơ, đừng tổ chức quá tốn kém.
Được biết, tang lễ nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo được tiến hành tại CLB Hưu trí tỉnh Đồng Tháp (đường Nguyễn Thị Minh Khai, TP Cao Lãnh). Theo nguyện vọng của gia đình, nhạc sư sẽ được hỏa táng tại Nghĩa trang Quảng Khánh, TP Cao Lãnh và đưa hũ tro cốt về thờ tại nhà riêng.
Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo, sinh năm 1918 tại làng Mỹ Trà, quận Cao Lãnh, tỉnh Sa Đéc (đơn vị hành chính thời Pháp thuộc).
Ông sinh ra trong một gia đình nho học yêu đờn ca tài tử. Từ lúc 5 tuổi ông đã biết chơi đàn kìm, cò và đến 10 tuổi đã biết chơi rất nhiều loại nhạc cụ dân tộc.
Từ năm 1955 cho đến năm 1964, ông dạy môn đàn tranh và cũng là trưởng ban nhạc cổ miền Nam tại Trường quốc gia âm nhạc và kịch nghệ Sài Gòn. Ông cũng đã đi diễn thuyết giới thiệu và trình tấu âm nhạc dân tộc Việt Nam ở nhiều nơi trên thế giới, như năm 1972 ông cùng giáo sư Trần Văn Khê diễn tấu ghi âm đĩa Nhạc tài tử Nam bộ cho hãng Ocora và UNESCO tại Paris (Pháp). Từ năm 1970-1972 ông là giáo sư thỉnh giảng về đàn tranh tại Đại học Illinois (Mỹ).
Cố GS.TS Trần Văn Khê gọi ông là “đệ nhất danh cầm” khi ông sử dụng ở trình độ cao tất cả nhạc cụ chính của đờn ca tài tử, nhất là đàn tranh và đàn kìm. Ông đã đưa ra một lối ký âm mới phù hợp cho âm nhạc truyền thống Việt Nam. Ông còn là người cải tiến đàn tranh từ 16 dây thành 17, 19, 21, thậm chí 25 dây.
Ông là nhạc sư hiếm hoi của Việt Nam, trong số sáu nhạc sư có tầm ảnh hưởng trên thế giới, được vinh danh tại hội thảo Dân tộc Nhạc học thế giới ở Honolulu (Mỹ) năm 2006.
Lúc sinh thời, nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo từng được vinh danh ở nhiều giải thưởng: Giải thưởng Đào Tấn (2005), Giải thưởng Phan Châu Trinh (2015)... Năm 2008 ông từng được Chính phủ Pháp tặng huy chương nghệ thuật và văn học bậc Officier. Năm 2014, Thủ tướng Chính phủ cũng tặng ông bằng khen cho công tác bảo tồn, phát huy nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
Vào đầu năm 2018, sau khi nghe bà Vũ Kim Anh (nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM) kể về nhạc sư Vĩnh Bảo, một người con Đồng Tháp, ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Đồng Tháp khi đó, đã tự tìm thông tin về nhạc sư.
Tháng 3/2018, ông Hoan cùng một số lãnh đạo tỉnh đã đến nhà của ông ở TP.HCM để mời nhạc sư một chuyến về thăm ở Cao Lãnh. Trong chuyến về thăm, nhạc sư Vĩnh Bảo đã có suy nghĩ quay trở về quê sống. Khi biết ý định của nhạc sư, lãnh đạo tỉnh đã mời nhạc sư trở về ở hẳn tại Cao Lãnh. Nhạc sư cũng tặng toàn bộ tư liệu cuộc đời nghiên cứu của ông cho tỉnh Đồng Tháp để làm “Nhà trưng bày nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo - giai điệu và cuộc đời” tại TP Cao Lãnh. Khi đã tặng tất cả tư liệu, ông cũng đã để cho nhà trưng bày tự thực hiện sắp xếp theo ý muốn chứ không can thiệp.
Qua gần một thế kỷ sống và dạy nhạc dân tộc, đàn tranh ở TP HCM, cuối tháng 5/2018, Nguyễn Vĩnh Bảo rời TP HCM trở về quê hương Đồng Tháp an hưởng tuổi già, sau hơn 70 năm xa quê. Sau khi rời TP.HCM, nhạc sư Vĩnh Bảo không còn dạy nhạc qua mạng nữa. Ông có cuộc sống an nhàn tuổi già, và vẫn giữ trí nhớ tốt, chủ động trong nhiều sinh hoạt.
Hồi giữa tháng 7/2019, Nguyễn Vĩnh Bảo trải qua cuộc phẫu thuật gây mê điều trị sạn hạch miệng. Sau khi được các bác sĩ Bệnh viện răng hàm mặt Trung Ương TP HCM nỗ lực chữa trị ca mổ, sức khỏe nhạc sư hồi phục tốt.
Vào cuối tháng 5/2020, ông ra mắt sách Những giai điệu cuộc đời, truyện ký về chặng đường gắn bó nhạc dân tộc của ông. Đến tháng 9, ông còn dự sự kiện giỗ tổ ngành sân khấu ở quê nhà Cao Lãnh. Đến đầu tháng 10, tỉnh dậy sau một ca phẫu thuật, ông còn hát được bài Bá Lý Hề điệu Tứ Đại Oán để tặng cho người mình thương mến.