Nhân 100 năm Ngày sinh Văn Cao, nghĩ về số phận của các tác phẩm đỉnh cao
Dù tự nhận mình là 'người ngoại đạo', song với bề dày nghiên cứu văn học, nghệ thuật, PGS, TS Phan Trọng Thưởng đã chia sẻ một cách đánh giá về sự nghiệp và di sản của Văn Cao dưới ánh sáng của Đổi mới trong bài viết 'Nhân 100 năm Ngày sinh Văn Cao, nghĩ về số phận của các tác phẩm đỉnh cao'.
Thiết nghĩ, đánh giá về Văn Cao, cả nói và viết đều đã khá nhiều rồi. Ở đây, tôi chỉ xin góp đôi điều với tư cách của người ngoại đạo.
Văn Cao là nghệ sĩ đa tài, thể hiện trên nhiều lĩnh vực nghệ thuật (nhạc, họa, thơ). Sự nghiệp của ông trải dài gần suốt thế kỷ 20 và gắn bó chặt chẽ với lịch sử gồm nhiều thời kỳ, nhiều giai đoạn của đất nước. Cũng vì vậy mà cuộc đời và sự nghiệp của Văn Cao trải qua nhiều khúc quanh, nhiều bước ngoặt, nhiều bước thăng trầm của lịch sử dân tộc cũng như lịch sử nghệ thuật hiện đại. Có thể tạm chia 3 giai đoạn: Giai đoạn tiền chiến (trước 1945); Giai đoạn từ 1945 đến 1975; Giai đoạn từ 1986 đến nay.
Thời kỳ nào, nhân cách nghệ sĩ và tài năng của Văn Cao cũng được ghi nhận.
PGS, TS Phan Trọng Thưởng
Thời kỳ nào, nhân cách nghệ sĩ và tài năng của Văn Cao cũng được ghi nhận. Nhưng việc tiếp nhận Văn Cao (liên quan nhiều tới công chúng và giới phê bình) từ năm 1986 trở đi, dưới ánh sáng của Đổi mới, mới được nhận thức, đánh giá lại và tiếp nhận lại theo tinh thần công bằng, khách quan hơn.
Sự nghiệp Văn Cao thể hiện trên nhiều lĩnh vực nhưng thành công ở mỗi lĩnh vực không hoàn toàn giống nhau. Tiêu biểu nhất có lẽ là âm nhạc! Đây là lĩnh vực Văn Cao gửi gắm, ký thác tài năng, tâm huyết và hồn cốt nghệ sĩ.
Cho đến nay, tựu trung lại có hai loại ý kiến nhận xét, đánh giá về sự nghiệp Văn Cao:
Thứ nhất: cho rằng Văn Cao như chúng ta đánh giá, tôn vinh hiện nay, một phần là nhờ Đổi mới. Chính Đổi mới đã tạo cho chúng ta các tiền đề để khẳng định, đánh giá lại, làm sống lại Văn Cao vốn đã được khẳng định từ thời kỳ tiền chiến.
Ý kiến này đúng một nửa. Vì Đổi mới dù rất vĩ đại cũng không thể phù phép biến không thành có, biến dở thành hay được!
Thứ hai: cho rằng không cần Đổi mới thì Văn Cao vẫn là Văn Cao như những gì mà ông có, vẫn là nghệ sĩ tài hoa và tác phẩm của ông mặc nhiên đã có sức sống rồi.
Ý kiến này có phần cực đoan nhưng đúng hoàn toàn. Vì tác phẩm nghệ thuật chân chính, nhất là tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao, thì nó luôn luôn có sức sống vượt thời gian, bất chấp thách thức thời đại để đến với giá trị tự thân, giá trị tuyệt đối khách quan. Và quan trọng hơn là nó luôn tự tìm được con đường để đến với công chúng của mình.
Tác phẩm nghệ thuật chân chính, nhất là tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao, luôn tự tìm được con đường để đến với công chúng của mình.
PGS, TS Phan Trọng Thưởng
Từ trường hợp Văn Cao có thể mang lại nhiều bài học về tài năng, về nhân cách nghệ sĩ, về con đường chiếm lĩnh các đỉnh cao, về lộ trình chinh phục công chúng, về quá trình nhận thức, đánh giá và tiếp nhận các giá trị nghệ thuật,… Trên đây là một vài ý kiến góp vào Tọa đàm. Có thể còn những ý kiến khác.
Mong được trao đổi.
Hà Nội, tháng 11 năm 2023