Nhân ái là tôn giáo của văn chương
Dù viết về đề tài nào, nhân vật nào, thì những trang văn của Lê Hoài Nam cũng luôn thấm đượm tinh thần nhân ái. Đọc tác phẩm của ông, người ta nhận ra và hiểu đúng hơn, nhiều hơn về thế giới tinh thần phong phú, bí ẩn vốn bị cái bề ngoài bao phủ.
Với trên 20 đầu sách đã xuất bản, đa dạng về thể loại, từ tiểu thuyết, truyện ngắn, tản văn, đến tiểu luận, bút kí, kịch bản phim..., nhà văn Lê Hoài Nam thực sự là một cây bút đang ở độ sung sức.
Cùng với đó, niềm vinh dự khi tiểu thuyết “Hạc Hồng” của tác giả vừa nhận giải thưởng cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam giai đoạn 2016-2019, đã khẳng định những đóng góp giá trị của ông với văn xuôi Việt Nam đương đại.
Lê Hoài Nam sinh năm 1953 tại thị trấn Liễu Đề, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định. Ông tốt nghiệp khóa 2 Trường Viết văn Nguyễn Du, Đại học Văn hóa Hà Nội.
Trước khi chọn nghiệp chuyên tâm viết văn, ông đã trải qua nhiều cương vị khác nhau: Từng là người lính trực tiếp tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ tại Sư đoàn 305 đặc công; là cựu sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam của binh chủng Hải quân; nguyên Phó Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Hà Nam Ninh, Nam Hà, Nam Định; nguyên Tổng biên tập Tạp chí Văn Nhân, nhân viên Hội chữ thập đỏ tỉnh Nam Định…
Những trải nghiệm qua các môi trường sống và cương vị khác nhau ấy chính là vốn sống phong phú, lâu dài để Lê Hoài Nam tạo nên được cả một hành trình sáng tác riêng cho mình. Những trang văn của ông điềm đạm, thấm đẫm tình đời, tình người với một cảm quan hiện thực sâu sắc và cái nhìn đa chiều, sự lí giải thấu tình, đạt lí.
Mỗi một nhà văn đến với văn chương đều cố gắng đi tìm cho mình một cái “đạo”. Đạo giống như một thứ tôn giáo, lí tưởng để người nghệ sĩ phụng sự. Nhìn vào sự nghiệp sáng tác của Lê Hoài Nam, có thể thấy những tác phẩm tiêu biểu nhất của nhà văn được tập trung vào ba mảng đề tài chính: viết về người lính, lịch sử và thế sự đời tư.
Dù viết về đề tài nào thì người đọc đều có thể nhận thấy một tư tưởng xuyên suốt, bàng bạc trong khắp các trang viết là chất nhân văn, nhân ái. Nhân ái cứu rỗi tâm hồn con người, giúp họ hướng thiện. Đó là thứ tôn giáo săn tìm của người nghệ sĩ Lê Hoài Nam.
Tập truyện ngắn “Hành trình của người lính” (2016) được xem là tác phẩm tiêu biểu của Lê Hoài Nam khi viết về người lính. Tác phẩm đã tái hiện một cách chân thực sự khốc liệt của chiến tranh, các mặt sáng - tối trong con người. Nhưng trên hết, đó là hành trình tìm kiếm, ca ngợi vẻ đẹp nhân văn của cuộc đời.
Bên cạnh một Đồng Quý Phái (trong truyện dài “Hành trình của người lính”) giả dối, ích kỉ, nhỏ nhen đã nhẫn tâm lừa gạt, hãm hại đồng đội trong suốt các chương truyện, thì đến cuối cùng người đọc vẫn thấy sự hướng thiện của anh ta.
Ấy là hành động hàng năm đến nghĩa trang thành phố thắp hương tưởng nhớ Lưu Phương Lan (người nữ đồng đội bị anh ta lừa gạt tình cảm). Là sự sám hối muộn màng trước những sai lầm đã gây ra cho người đồng chí Lê Hiệp Hòa của mình. Và một Trung đoàn trưởng Bùi Hạ (trong Xạ thủ) giây phút trước còn hống hách thì giây phút sau đã thay bằng sự ăn năn, hối lỗi khi đã đuổi người lính xạ thủ giỏi ra khỏi đơn vị.
Rồi những người lính như Lê Hiệp Hòa và Nguyễn Phiền, dẫu phải trải qua rất nhiều khó khăn, thử thách và mất mát do chiến tranh để lại, nhưng họ vẫn sáng ngời vẻ đẹp của đức hi sinh, lòng vị tha, nhân ái. Các nhân vật như người cựu chiến binh tên Đính (Thung lũng sỏi), chiến sĩ Thuyên (Sói con), chiến sĩ Nghinh (Chuyện rồi sẽ kể), tướng Nguyễn Huy Hiệu (Kí ức đường 9)… đều hiện lên là những người lính đẹp đẽ vô cùng. Nhà văn đã cho chúng ta thấy một niềm tin đau đáu vào sự hướng thiện của con người.
Ở đề tài lịch sử, ngoài tập truyện ngắn “Bữa tiệc ly” (2014) thì tiểu thuyết “Mỹ nhân nơi đồng cỏ” (2017) được dư luận đánh giá có đóng góp đáng kể, nhất là về mặt tư tưởng.
Ở tiểu thuyết này, ngoài việc vén bức màn lịch sử của một giai đoạn được xem là rối ren nhất của đời Hậu Lê, mà đến nay vẫn còn nhiều tranh cãi, thì Lê Hoài Nam dường như còn muốn chiêu tuyết cho người đàn bà xinh đẹp nhưng đầy mưu mô xảo trá trong lịch sử trung đại Việt Nam.
Đó là bên cạnh một Nguyễn Thị Anh lộng hành, tìm cách phế bỏ hai mẹ con Dương Thí Bí - Nghi Dân, hãm hại mẹ con Ngô Thị Ngọc Dao - Lê Tư Thành, đổ tội cho Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ chủ mưu giết vua, gây ra vụ án Lệ Chi Viên thảm khốc có một không hai trong lịch sử; thì còn có một Tuyên Từ thái hậu lập được không ít công lao cho nước nhà.
Điển hình là hai lần Chiêm Thành đem quân xâm lấn, cướp phá, bà đã biết điều binh, khiển tướng, cho quân đi đánh đều thắng lợi. Rồi những ngày tháng mà mùa mưa đồng ruộng ngập úng lâu dài, mùa khô thì hạn hán, bà đã ngồi xe song mã lên kiểm tra và cho đào lại sông Bình Lỗ (Cà Lồ), vừa thuận lợi tưới tiêu cho nông nghiêp, vừa tiện thuyền bè đi lại, giao thương. Bà tỏ ra là con người hiếu đễ với gia tộc nhà chồng: cho xây dựng và tu sửa lăng miếu ở Lam Kinh rất cẩn trọng. Bà cũng là người mạnh mẽ trong cải cách hành chính…
Chỉ vì cơn bão lốc của lịch sử, vì cái sự tham sân si khó tránh của giống người, vì nỗi lo sợ nguồn gốc của Bang Cơ bị bại lộ mà bà đã trở thành một Hoàng thái hậu độc ác để cuối cùng phải chết dưới lưỡi kiếm của Lê Nghi Dân. Xét cho cùng, bà cũng chỉ là một số phận đáng thương trong thăng trầm dâu bể.
Tiểu thuyết “Hạc Hồng” (2019) có lẽ là tác phẩm ghi dấu ấn nhất của Lê Hoài Nam khi đoạt giải tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam. Nếu ở “Mỹ nhân nơi đồng cỏ”, người ta thấy quy luật nhân quả của đạo Phật được thể hiện rõ nét thì với “Hạc Hồng” lại là ánh sáng cứu rỗi của Thiên Chúa giáo với con người.
Ánh sáng ấy tỏa ra từ vị linh mục Dương Khắc Thiệu, người không chỉ giàu lòng nhân ái, thông tuệ đạo - đời, mà còn góp phần tham dự để cuộc sống tốt đẹp hơn. Đó là việc xây dựng nghĩa trang Thiên Thần làm nơi an nghỉ cho hàng ngàn hài nhi xấu số, mở phòng khám Hoa Huệ để khám, chữa bệnh cho người dân, sẵn sàng cứu giúp những tâm hồn sai lạc để họ được hướng thiện…
Truyện kết thúc là dòng sông Vạm được thanh tẩy trong xanh và đôi chim Hạc Hồng - loài chim mang điều lành, may mắn - thanh mảnh, duyên dáng đáp xuống những thửa ruộng vừa gặt xong. Chính cái chất nhân ái này đã làm cho lòng người đọc trong trẻo hơn dù tác phẩm viết về cái xấu, cái ác, sự suy thoái, xuống cấp của đạo đức xã hội, các vấn nạn môi trường… rất đậm đặc, nhiều khi đến ngột ngạt.
Dù viết về đề tài nào, nhân vật nào, thì những trang văn của Lê Hoài Nam cũng luôn thấm đượm tinh thần nhân ái. Đọc tác phẩm của ông, người ta nhận ra và hiểu đúng hơn, nhiều hơn về thế giới tinh thần phong phú, bí ẩn vốn bị cái bề ngoài bao phủ. Và chính cái “thế giới tinh thần phong phú và bí ẩn” ấy thể hiện rõ nhất cái “nhân học” của văn chương. Nói như Rasul Gamzatop “Cái cốt lõi của văn học là lòng nhân ái”. Và Lê Hoài Nam đã tôn sùng như một thứ tôn giáo của văn chương.
Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/tu-lieu-van-hoa/nhan-ai-la-ton-giao-cua-van-chuong-621730/