Nhận biết hội chứng ruột kích thích

Hội chứng ruột kích thích (HCRKT) là hội chứng rối loạn chức năng, không có tổn thương thực thể, không nguy hiểm đến tính mạng nhưng ảnh hưởng nhiều tới chất lượng cuộc sống, bệnh kéo dài làm cho người bệnh luôn lo lắng căng thẳng mất ngủ, lo sợ bị các bệnh hiểm nghèo khác của ruột.

Ai dễ mắc?

HCRKT thường gặp ở tuổi thanh niên và trung niên, tỷ lệ mắc bệnh cao nhất từ 18-30 tuổi, giảm sau tuổi 50, nữ giới mắc bệnh nhiều hơn nam giới tỷ lệ 2:1. Những người có trình độ học vấn cao, học sinh, cán bộ tỷ lệ mắc bệnh cao hơn so với công nhân, nông dân, thành thị mắc bệnh nhiều hơn ở nông thôn.

Nguyên nhân gây bệnh

Hiện nay, chưa xác định được nguyên nhân nào gây ra HCRKT nhưng các kết quả kiểm soát cho thấy có sự kết hợp của các vấn đề thực thể và tâm thần: Co bóp của ống tiêu hóa: nhu động của đại tràng có thể không bình thường, quá mạnh hoặc quá yếu, quá chậm hoặc quá nhanh. Tăng nhạy cảm: ngưỡng đau giảm do ruột căng to vì phân hoặc hơi. Các vấn đề về tâm thần: lo âu, suy nhược, stress sau chấn thương... Nhiễm khuẩn ruột, viêm dạ dày - ruột, sau phẫu thuật. Phụ nữ bị HCRKT có thể triệu chứng nặng lên khi hành kinh, do các nội tiết tố sinh dục có thể làm tăng các triệu chứng của HCRKT. Di truyền: HCRKT hay gặp hơn ở các gia đình có các vấn đề về tiêu hóa hoặc do môi trường, hay do nhạy cảm với các triệu chứng tiêu hóa. Nhạy cảm với thức ăn: do ăn carbohydrate, đồ gia vị, mỡ, cà phê, rượu. Các thuốc quy ước: kháng sinh, steroids, kháng viêm... có thể gây ra hội chứng ruột kích thích.

Hội chứng ruột kích là tình trạng chức năng ruột bị rối loạn.

Hội chứng ruột kích là tình trạng chức năng ruột bị rối loạn.

Biểu hiện bệnh đa dạng, khó chẩn đoán chính xác

Khi mắc hội chứng đại tràng kích thích, người bệnh có triệu chứng nổi bật tại hệ tiêu hóa cùng nhiều cơ quan khác.

Các triệu chứng về tiêu hóa: Bệnh nhân thường bị đau bụng vùng hạ vị và hố chậu trái, đôi khi có thể bị đau bên phải hoặc thượng vị, đau chạy dọc theo khung đại tràng. Đôi khi cơn đau không rõ vị trí gây khó xác định nguyên nhân thực sự. Bên cạnh đó, người bệnh còn có triệu chứng trướng bụng, tiêu chảy, táo bón hoặc tiêu chảy xen lẫn với táo bón theo từng đợt. Ngoài ra, bệnh nhân còn có thể có biểu hiện nóng ở vùng thượng vị, buồn nôn, ăn nhanh no,...

Các triệu chứng ở cơ quan khác: Bệnh nhân mắc hội chứng ruột kích thích còn có thể có những biểu hiện như đau đầu, mất ngủ, trầm cảm, mệt mỏi, rối loạn vị giác, rối loạn kinh nguyệt ở nữ, liệt dương ở nam, tiểu nhiều lần trong ngày, đau khi sinh hoạt tình dục, tiểu đêm, hồi hộp, đau ngực, nóng mặt, chóng mặt,...

Triệu chứng bệnh đại tràng co thắt rất khác nhau giữa các bệnh nhân hay thậm chí trên một người bệnh cũng có triệu chứng không cố định ở từng thời điểm cụ thể. Bên cạnh đó, các phương pháp chẩn đoán như siêu âm bụng, chụp Xquang đại tràng, soi toàn bộ đại tràng, xét nghiệm phân,... đều không thấy có dấu hiệu bất thường. Vì vậy, việc chẩn đoán bệnh chủ yếu dựa vào việc loại trừ các bệnh gây tổn thương thực sự ở hệ thống tiêu hóa - bài tiết. Đây là một nguyên nhân giải thích vì sao HCRKT khó điều trị dứt điểm.

Điều trị thế nào?

Điều trị HCRKT chủ yếu tập trung vào các triệu chứng nổi trội ở từng bệnh nhân. Việc điều trị có thể không làm dứt hẳn triệu chứng nhưng sẽ cải thiện tốt hơn chất lượng cuộc sống.

Chế độ ăn uống và luyện tập: Giữ vai trò hết sức quan trọng. Khi đang có triệu chứng rối loạn tiêu hóa nên tránh ăn các thức ăn, nước uống không thích hợp. Hạn chế các thức ăn khó tiêu, dễ sinh hơi như: Khoai, sắn, bánh ngọt nhiều bơ, hoa quả có nhiều đường, đồ uống nhiều đường và có gas, chất kích thích, những thức ăn để lâu, bảo quản không tốt. Luyện tập chế độ đại tiện 1 lần trong ngày, xoa bụng buổi sáng khi ngủ dậy để gây cảm giác muốn đại tiện. Ăn uống đúng giờ, lượng vừa phải, không nên ăn uống quá nhiều. Luyện tập thư giãn, khí công, tập thể dục, đi bộ thường xuyên... Tránh căng thẳng, lo âu, suy nghĩ.

BS. Nguyễn Phương Anh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nhan-biet-hoi-chung-ruot-kich-thich-n172826.html