Nhận biết nơi mua bán vàng miếng SJC hợp pháp

Trước những diễn biến phức tạp trên thị trường vàng thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Khu vực 2 đã có động thái mạnh nhằm chấn chỉnh hoạt động mua bán vàng miếng SJC tại TP.HCM.

Ngày 19-5, NHNN Khu vực 2 đã phát đi văn bản gửi đến các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp được cấp phép kinh doanh vàng miếng, yêu cầu nghiêm túc tuân thủ quy định của Nghị định 24/2012 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, cũng như các văn bản pháp luật liên quan.

Rõ ràng, minh bạch – bảo vệ người tiêu dùng

Một trong những yêu cầu trọng tâm mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nhấn mạnh là việc các đơn vị phải công khai, minh bạch thông tin tại các điểm giao dịch vàng miếng nhằm giúp người dân dễ dàng nhận diện và phân biệt với các cơ sở kinh doanh vàng trang sức mỹ nghệ thông thường.

Cụ thể, điểm mua bán vàng miếng được cấp phép phải treo bảng hiệu rõ ràng, ghi đầy đủ thông tin như: “Địa điểm được cấp phép kinh doanh mua, bán vàng miếng SJC”. Đồng thời, NHNN Khu vực 2 cũng yêu cầu các đơn vị này bắt buộc phải niêm yết công khai bản sao có chứng thực Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng đã được NHNN cấp.

Đây là biện pháp thiết thực trong bối cảnh giá vàng liên tục biến động, tình trạng người dân xếp hàng dài chờ mua vàng diễn ra tại một số thời điểm, dễ dẫn đến nhầm lẫn giữa các cửa hàng được cấp phép và không được cấp phép kinh doanh vàng miếng SJC.

 Người dân mua vàng miếng SJC tại quầy của ngân hàng. Ảnh: T.L

Người dân mua vàng miếng SJC tại quầy của ngân hàng. Ảnh: T.L

Tăng cường giám sát, đảm bảo dữ liệu chính xác

Không chỉ siết chặt về mặt nhận diện, NHNN Khu vực 2 còn yêu cầu các đơn vị thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo theo đúng quy định pháp luật. Trong đó bao gồm: Báo cáo tình hình kinh doanh mua, bán vàng miếng định kỳ, báo cáo thay đổi nội dung giấy phép và báo cáo về việc điều chỉnh địa điểm kinh doanh.

Ngoài ra, NHNN Khu vực 2 cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp tổng hợp và gửi danh sách toàn bộ các địa điểm mua, bán vàng miếng đang hoạt động trên địa bàn TP.HCM theo quý nhằm phục vụ công tác quản lý, thanh tra và đảm bảo thị trường hoạt động minh bạch.

Động thái này được xem là một trong những biện pháp quản lý trực tiếp và kịp thời của NHNN trong bối cảnh thị trường vàng đang chịu nhiều tác động từ trong và ngoài nước. Việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng – thông qua việc phân định rõ vàng miếng và vàng trang sức mỹ nghệ, cũng như đảm bảo các điểm giao dịch được cấp phép – là điều kiện tiên quyết để thị trường vàng vận hành lành mạnh.

Giá vàng miếng SJC chênh lệch quá lớn với thế giới

Thị trường vàng trong nước tiếp tục nóng lên trong ngày 19-5 khi giá vàng miếng SJC tại TP.HCM tăng vọt, tiệm cận mốc 120 triệu đồng/lượng. Tại các doanh nghiệp kinh doanh vàng lớn như SJC, DOJI, PNJ niêm yết giá bán ra phổ biến ở mức 119,3 triệu đồng/lượng, trong khi chiều mua vào là khoảng 116,8 triệu đồng/lượng, tăng 800.000 đồng/lượng ở cả hai chiều so với cuối tuần trước.

Không chỉ vàng miếng, giá vàng nhẫn 9999 cũng tăng mạnh, giao dịch quanh mốc 114,5 triệu đồng/lượng (bán ra) và 111,5 triệu đồng/lượng (mua vào).

Đáng chú ý, dù giá vàng thế giới cũng đang trên đà phục hồi – hiện đạt khoảng 3.218 USD/ounce (tương đương gần 102 triệu đồng/lượng theo tỉ giá USD/VND của Vietcombank), nhưng vàng SJC trong nước vẫn cao hơn 17 triệu đồng/lượng. Đây là mức chênh lệch được giới chuyên gia đánh giá là rất cao và tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người mua lướt sóng ngắn hạn.

Nhiều nhà đầu tư chuyên nghiệp cho rằng đợt tăng giá lần này là kết quả của tâm lý mua vào mạnh trở lại từ nhà đầu tư sau nhịp điều chỉnh cuối tuần qua, cộng hưởng với đà tăng của giá vàng thế giới.

Tuy nhiên, mức chênh lệch quá lớn giữa vàng miếng SJC và giá thế giới tiếp tục đặt ra bài toán cho cơ quan quản lý trong việc bình ổn thị trường và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

THÙY LINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/nhan-biet-noi-mua-ban-vang-mieng-sjc-hop-phap-post850552.html