Nhận biết ong 'tử thần'
Nhiều người chủ quan cho rằng ong đốt không ảnh hưởng đến sức khỏe. Tuy nhiên, thực tế có không ít người phải nhập viện, thậm chí thiệt mạng vì bị ong đốt.
Những loài ong đốt gây nguy hiểm với sức khỏe con người
Ong vò vẽ có thân và bụng thon có khoang đen xen kẽ màu vàng. Đầu rộng bằng ngực, không nhẵn, có nhiều nốt rỗ lấm chấm nhỏ, lông tơ cứng, ngắn và thưa. Ong vò vẽ thường làm tổ nơi lộ thiên, trên cành cây hay bụi cây, có khi làm tổ trong mái nhà. Tổ ong gồm nhiều lớp, như một trái bóng hay bắp cải, bề mặt nhăn nhúm nên dân gian thường gọi là ong mặt quỷ.
Theo các bác sĩ, nọc của ong vò vẽ rất độc và nguy hiểm, có thể gây ra tình trạng sốc phản vệ, tan máu, vỡ hồng cầu, rối loạn đông máu, tổn thương cơ, tổn thương thận nặng...
Bị ong vò vẽ đốt, chỉ trong vòng hơn chục phút là có thể tử vong do độc tố trong nọc của loài này rất đặc biệt. Chúng không bị chết sau khi đốt như những loài ong khác mà vẫn tiếp tục tấn công người.
Trường hợp bị ong đốt 1-2 nốt, nạn nhân theo dõi sức khỏe tại nhà, khi có những dấu hiệu bất thường cần tới bệnh viện, tránh biến chứng nguy hiểm.
Trường hợp bị ong vò vẽ đốt 5-10 nốt trở lên, hoặc chỉ vài nốt nhưng có dấu hiệu nặng như sưng đau, cảm giác khó chịu, mệt mỏi, hay bị đốt ở đầu, mặt cổ..., nạn nhân nên vào bệnh viện càng sớm càng tốt để cấp cứu kịp thời.
Ong đất hay còn gọi là ong bắp cày, có thân màu đen, chấm vàng, cuối bụng màu nâu, đầu và ngực có nhiều lông tơ màu nâu vàng. Râu màu nâu nhạt, nhẵn, không có lông. Thường làm tổ ở bụi cây, sát mặt đất trong thân cây mục.
Ong đất được biết đến là loài ong có nọc độc khá nguy hiểm. Thông thường, khi bị ong đốt sẽ đau buốt, sưng tấy và khó chịu. Nếu bị đốt nhiều lần sẽ có khả năng nguy hiểm đến tính mạng bởi các triệu chứng sốt, sốc nhiệt, co rút, dị ứng,...
Ong bắp cày khổng lồ châu Á có chiều dài lên đến gần 5cm, được xem là loài ong lớn nhất và loài ong nguy hiểm nhất thế giới. Theo nghiên cứu, nọc độc của chúng tấn công vào hệ thần kinh và đe dọa tính mạng của nạn nhân nếu họ không được điều trị kịp thời sau khi bị chúng đốt.
Ong khoái được mô tả là một trong những loài nguy hiểm nhất ở các khu rừng rậm Đông Nam Á vì hành vi phòng thủ hung hãn của chúng. Chúng còn được gọi là ong mật khổng lồ Đông Nam Á vì thường xuất hiện ở khu vực này và Nam Á.
Ong khoái thường làm tổ lộ thiên ở những nơi cao và khó tiếp cận như các cành cây dày hoặc dưới vách núi đá hay thậm chí là trên gờ các tòa nhà cao tầng. Tổ của chúng thường thẳng đứng, treo lủng lẳng, có thể dài tới 1,5 mét và cao 0,7 mét.
Ong khoái được coi là loài hung dữ nhất trong số các loài ong mật. "Vũ khí" chính của loài này là chiếc ngòi dài 3 mm, có thể dễ dàng xuyên qua quần áo, thậm chí là cả lớp lông dày của loài gấu. Khi ong khoái đốt (chích) nọc độc được bơm vào da đối phương, tạo ra một vết đốt đau đớn.
Nếu bị ong khoái đốt với số lượng lớn và không được kịp thời cứu chữa, nạn nhân có thể tử vong do suy gan, suy thận cấp và nhiễm trùng máu.
Ong mặt quỷ là ong loài hung dữ, nguy hiểm nhất trong các loài ong. Một người chỉ cần bị từ 1-3 con ong mặt quỷ đốt là có thể bị sốt, có khi nguy kịch đến tính mạng nếu không được cấp cứu kịp thời.
Những loài ong khi bị đốt không gây nguy hiểm cho sức khỏe
Ong vàng là một trong những loài ong được xem là hiền lành, không độc. Ong vàng có thân hình nhỏ, ít lông, có sự đan xen giữa dải sọc màu vàng và đen trên cơ thể.
Ong bầu là loài ong thuộc họ ong mật, chúng có rất nhiều loài và phân bố rộng rãi trên khắp trái đất. Ong bầu có cơ thể phân đốt, có màu đen tuyền, thân to và mũm mĩm. Trên cơ thể ong bầu có những sợi lông tơ mềm, mịn màu đen nhạt. Giữa ngực ong bầu có sợi lông màu vàng nhạt. Nọc của ong bầu không có độc, nhưng sẽ gây cảm giác đau, sưng nhẹ khi bị chích.
Ong nghệ là một chi thuộc họ nhà ong mật, phân bố chủ yếu ở các khu vực thuộc bán cầu Bắc, Nam Mỹ. Loài ong này thường có kích thước nhỏ hơn so với những loài ong mật khác, lông dày, có màu đen xen kẽ sọc vàng.
Một điểm đặc biệt của ong là chúng là loài đẻ nhờ và không xây tổ. Nhìn chung, loài ong này khá hiền lành, không chủ động tấn công con người, khi loài ong này đốt có thể gây đau rát, sưng nhưng sẽ không nguy hiểm cho tính mạng con người.
Theo bác sĩ Nguyễn Minh Tiến - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TP HCM, nếu bị ong đốt, người dân cần lấy vòi chích ra nếu có bằng cách khều nhẹ, dùng nhíp lấy ra, tránh nặn ép bằng tay vì có thể làm nọc độc lan ra. Sau đó rửa sạch vùng bị chích bằng xà bông và nước ấm, đắp băng lạnh lên vết cắn để giảm đau và giảm sưng.
Cần đưa nạn nhân đến cơ sở y tế nếu có các triệu chứng: Nổi mề đay; Than mệt, tay chân lạnh; Tiểu đỏ và tiểu ít; Bị ong vò vẽ đốt >10 vết.
Đề phòng ong đốt bằng cách tránh mặc đồ màu sắc sặc sỡ khi đi chơi du ngoạn miền quê, trong rừng, tránh leo trèo hái trái cây có thể bị tai nạn do té và bị ong tấn công do vô tình hay cố ý chọc phá tổ ong, kiểm soát phát quang những tổ ong xung quanh nhà và trong vườn.
Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/nhan-biet-ong-tu-than-post484044.html