Nhận biết sớm, tăng hiệu quả điều trị bệnh đái tháo đường
Đái tháo đường (tiểu đường) là căn bệnh nguy hiểm là nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa, bệnh tim mạch, suy thận và cụt tứ chi… Do đó, những năm qua, ngành y tế tỉnh đã chủ động các biện pháp phòng ngừa, sàng lọc, giúp người bệnh nhận biết sớm, nâng cao hiệu quả điều trị.
Theo nghiên cứu của Liên đoàn Đái tháo đường Thế giới IDF, trong 11 người dân sẽ có 1 người bị mắc bệnh đái tháo đường. Số lượng bệnh nhân gia tăng từng ngày, tuy nhiên lại có rất nhiều người phải mất đến 10 năm mới “tình cờ” phát hiện mình mắc bệnh đái tháo đường. Chính sự chủ quan ấy là nguyên nhân khiến cho người bệnh đối mặt với nhiều biến chứng nghiêm trọng, thậm chí là tử vong.
Chủ động sàng lọc
Đái tháo đường là một hội chứng có đặc tính biểu hiện bằng tăng glucose máu do hậu quả của việc thiếu hụt, hoặc mất hoàn toàn insulin, hoặc do sự suy yếu trong bài tiết và hoạt động của insulin. Bệnh này thường diễn biến rất thầm lặng, có đến một nửa số người mắc đái tháo đường không được chẩn đoán. Nhiều người đang sống với bệnh đái tháo đường tuýp 2 trong một thời gian dài mà không nhận biết được tình trạng bệnh. Đến khi được chẩn đoán, thường đã xuất hiện các biến chứng của bệnh.
Bác sĩ Hà Thúy Chầm, Trưởng Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Bệnh đái tháo đường khi phát hiện muộn rất nguy hiểm, chúng tôi đã tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhân đái tháo đường nhập viện điều trị kèm bệnh lý về tim mạch. Điều đáng quan ngại là phần lớn bệnh nhân khi có biểu hiện khát nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều, gầy sút cân thì mới đi khám, nên khi được phát hiện bệnh thì chỉ số đường máu rất cao, thường phải nhập viện điều trị.
Do vậy, việc sàng lọc, chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời bệnh đái tháo đường có thể phòng ngừa nhiều biến chứng nguy hiểm cũng như giảm bớt hậu quả cho người bệnh, gia đình và xã hội.
Thạc sĩ, bác sĩ Lê Thị Kiều Oanh, Phó Trưởng khoa phụ trách Khoa Phòng, chống bệnh không lây nhiễm và dinh dưỡng, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Giai đoạn đầu của đái tháo đường rất khó phát hiện, chỉ khi người bệnh có những dấu hiệu như: khát nước, sụt cân, hay đói, đi tiểu nhiều… thì mới đi khám, trong đó nhiều trường hợp đã ở giai đoạn nặng, dễ xảy ra biến chứng. Để phát hiện sớm bệnh đái tháo đường, người dân cần đi khám sức khỏe định kỳ, xét nghiệm máu lúc đói. Hằng năm, khoa đã chủ động xây dựng kế hoạch, tham mưu cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Sở Y tế tỉnh triển khai các biện pháp sàng lọc bệnh đái tháo đường phù hợp với điều kiện thực tế ở từng địa bàn để áp dụng kịp thời các biện pháp dự phòng, điều trị và quản lý bệnh.
Từ đầu năm 2023 đến nay, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã chủ động phối hợp với các huyện, thành phố, các hội đoàn thể… tiến hành khám sàng lọc cho 50.775 người từ 40 tuổi trở lên (đối tượng nguy cơ cao) tại 56 xã trên địa bàn tỉnh (tăng 19 xã, tăng 35.000 người so với năm 2022). Qua sàng lọc đã phát hiện và đưa vào quản lý 570 người đái tháo đường, tiền đái tháo đường, nâng tổng số bệnh nhân đang được quản lý, điều trị toàn tỉnh lên 5.638 người.
Quản lý, điều trị hiệu quả
Cùng với việc chủ động sàng lọc, việc nâng cao hiệu quả quản lý, điều trị cũng góp phần cải thiện sức khỏe cho người bệnh, giảm các biến chứng nguy hiểm của đái tháo đường. Theo quy trình, sau khi phát hiện bệnh, bệnh nhân đái tháo đường được lập hồ sơ quản lý, điều trị tại trạm y tế xã, phường, thị trấn. Hằng tháng, người bệnh sẽ đến trạm y tế nơi gần nhất để khám, nhận thuốc điều trị và làm các xét nghiệm định kỳ.
Để nâng cao chất lượng điều trị bệnh đái tháo đường, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh đã thường xuyên tổ chức đào tạo, tập huấn công tác chuyên môn dự phòng điều trị, quản lý bệnh đái tháo đường, nâng cao năng lực cho cán bộ tuyến y tế cơ sở. Bình quân mỗi năm, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh tổ chức được 3 lớp cho trên 100 học viên tham gia. Đặc biệt, từ đầu năm 2023 đến nay, Sở Y tế đã phối hợp với Tổng hội Y học Việt Nam tổ chức tập huấn cho 38 cán bộ y tế xã trên địa bàn huyện Bình Gia; hỗ trợ giảng viên cho 5 huyện về khám sàng lọc đái tháo đường với gần 180 cán bộ y tế xã tham gia.
Bác sĩ Trần Hồng Duyên, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Lộc Bình cho biết: Hiện nay, việc khám sàng lọc và quản lý điều trị bệnh đái tháo đường được triển khai từ trung tâm y tế huyện đến 21/21 trạm y tế xã, thị trấn trên địa bàn. Toàn huyện hiện có 235 bệnh nhân đang được quản lý, 146 bệnh nhân khám và điều trị. Nhận thức được tầm quan trọng của quản lý và điều trị các bệnh đái tháo đường, hằng năm, trung tâm đã cử cán bộ tham gia đầy đủ các lớp tập huấn do tỉnh tổ chức, đặc biệt trong năm 2023, chúng tôi đã mời giảng viên của tỉnh về trực tiếp tập huấn, đào tạo cho 42 cán bộ y tế xã. Qua đó mong muốn giúp người bệnh được chăm sóc sức khỏe thường xuyên hơn, nâng cao hiệu quả quản lý, điều trị.
Cùng với 21 trạm y tế trên địa bàn huyện Lộc Bình, toàn tỉnh hiện có 156 trạm y tế thực hiện khám chữa bệnh BHYT triển khai quản lý, điều trị bệnh đái tháo đường (tăng 9 trạm so với năm 2022). Mặt khác, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện các hoạt động quản lý, điều trị đái tháo đường tại cơ sở. Từ đầu năm 2023 đến nay, trung tâm đã tổ chức giám sát 2 lần tại 18 xã (tăng 8 xã so với năm 2022). Nội dung giám sát gồm: giám sát kỹ năng của cán bộ y tế trong quản lý điều trị đái tháo đường; giám sát hoạt động của nhân viên y tế thôn bản tại cộng đồng; giám sát sự sẵn có thuốc và thiết bị thiết yếu về quản lý đái tháo đường tại trạm y tế xã… Qua giám sát, cơ quan chức năng đã chỉ rõ những hạn chế tồn tại và hướng dẫn biện pháp khắc phục, nâng cao hiệu quả quản lý, điều trị đái tháo đường tại các xã.
Bà Nguyễn Thị Hằng, 67 tuổi, xã Cai Kinh, huyện Hữu Lũng chia sẻ: Tôi phát hiện mắc đái tháo đường 4 năm rồi. Hằng tháng, tôi đến trạm y tế xã khám, lấy thuốc và thực hiện nghiêm túc các chế độ vận động, ăn, uống hợp lý theo tư vấn của bác sỹ như: hạn chế thực phẩm xào, chiên, chế biến sẵn; tăng cường các loại trái cây tươi, thực phẩm giàu chất xơ… Vì thế, tôi duy trì được sức khỏe tốt, chỉ số đường máu đạt mục tiêu, không lo lắng nhiều về các biến chứng của bệnh.
Như vậy, với sự chủ động của các cấp, ngành, công tác quản lý và điều trị bệnh đái tháo đường ngày càng được nâng cao hiệu quả. Toàn tỉnh có 5.638 bệnh nhân được quản lý, điều trị đái tháo đường, trong đó có 4.211 người được khám, cấp thuốc hằng tháng (tăng 200 người so với năm 2022). Tính đến hết tháng 10/2023, toàn tỉnh hiện có 3.613/4.211 người bệnh đái tháo đường đang điều trị đạt đường máu mục tiêu, đạt 85,8%, tăng 0,1% so với năm 2022.
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý điều trị bệnh đái tháo đường, thời gian tới, ngành y tế tỉnh tiếp tục thực hiện tốt công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe cũng như tư vấn thay đổi hành vi của người dân để phòng chống các yếu tố nguy cơ; tăng cường các hoạt động giám sát, hỗ trợ tuyến y tế cơ sở; phối hợp triển khai sàng lọc để phát hiện sớm người mắc bệnh tại cộng đồng để đưa vào quản lý, theo dõi, điều trị; thực hiện đồng bộ, khai thác hiệu quả phần mềm báo cáo thống kê bệnh không lây nhiễm (trong đó có đái tháo đường) do Cục Y tế dự phòng triển khai tiến tới mục tiêu đến năm 2025, 95% trạm y tế xã thực hiện dự phòng quản lý điều trị một số bệnh không lây nhiễm, theo Nghị quyết số 20-NQ/TƯ về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.