Nhận biết thời điểm và nguy cơ dễ bị đột quỵ
Đột quỵ hay còn gọi là tai biến mạch máu não - căn bệnh đặc biệt nguy hiểm rất dễ dẫn đến tử vong. Thông thường, mọi người chỉ để ý đến nguyên nhân và dấu hiệu của bệnh lý. Tuy nhiên, đối với bệnh đột quỵ thì thời điểm phát bệnh và những nguy cơ là một yếu tố không thể chủ quan.
Những thời điểm dễ bị đột quỵ
Nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng, biến thiên của huyết áp và độ đặc của máu trong 24 giờ có tác động đến sự hình thành đột quỵ, dẫn đến bệnh dễ khởi phát vào một số thời điểm nhất định trong ngày. Thông thường, huyết áp của cơ thể xuống mức thấp nhất vào lúc khoảng 3h sáng, sau đó tăng dần lên và tăng nhanh lúc thức dậy vào buổi sáng. Lúc này cơ thể tiết ra hormone adrenaline và các hormone gây căng thẳng khác làm tăng áp lực máu và nhu cầu oxy. Sau một đêm, cơ thể đã mất đi một lượng nước tương đối lớn, máu trở nên keo đặc hơn, tim phải làm việc vất vả để bơm đẩy máu đi.
Một nguyên nhân khác liên quan đến đột quỵ buổi sáng là do lượng nitric oxit thấp vào lúc đó. Nitric oxit (gọi tắt là NO) có vai trò quan trọng trong việc cầm máu. NO có vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình lão hóa, mở rộng mạch máu tăng dòng chảy đưa oxy và các chất dinh dưỡng để nuôi cơ thể. Vào ban đêm, NO bị tiêu thụ nhiều nhất nên khi sáng sớm cơ thể dễ bị thiếu NO, làm tăng nguy cơ đột quỵ.
Khoảng thời gian từ 18-19h cũng là thời điểm huyết áp tăng cao. Qua thực tế, nhiều bệnh nhân nhập viện vào các thời điểm này. Tăng huyết áp khiến thành mạch máu bị tổn thương, thậm chí có thể vỡ ở những mạch máu nhỏ như mạch máu não, gây xuất huyết não hoặc hình thành cục máu đông, làm tắc mạch máu và dẫn đến đột quỵ. Khi tăng huyết áp sẽ tăng nhu cầu oxy cho cơ tim, các mảng xơ vữa động mạch vành có nguy cơ tổn thương, dễ bị rách vỡ, bong.
Độ đặc của máu có tăng theo một quy luật nhất định, từ 4-8h sáng là lúc máu đặc nhất, sau đó loãng ra. 12h đêm là thời điểm máu loãng nhất rồi dần đặc lại. Vì vậy, những cơn đột quỵ thường xảy ra vào sáng sớm, là thời điểm máu đặc nhất. Các chuyên gia y tế lưu ý, những người có nguy cơ cao chẳng hạn như cao tuổi, thừa cân béo phì, tăng huyết áp, xơ vữa động mạch…, không nên rời khỏi giường ngay lúc thức giấc buổi sáng, và cần nhận được sự trợ giúp nếu xuất hiện các dấu hiệu của đột quỵ.
Mỡ máu cao tăng nguy cơ tai biến, đột quỵ
Chuyên gia cảnh báo, người mỡ máu cao vốn đã có nguy cơ đột quỵ cao gấp 3-4 lần. Nếu ngoài 50 tuổi, mỡ máu cao, lại thấy xây xẩm chóng mặt, tê yếu tay chân, cần phòng ngừa ngay trước khi đột quỵ. Thống kê cho thấy khoảng 93% người đột quỵ não có rối loạn mỡ máu. Chỉ một xét nghiệm đơn giản, ai cũng có thể biết mình có nhiễm mỡ máu hay không, đặc biệt là người ngoài 50 tuổi.
Bị mỡ máu đồng nghĩa với nguy cơ gặp đột quỵ cao gấp nhiều lần. Sở dĩ người mắc mỡ máu dễ đột quỵ là bởi mỡ máu thường bám vào thành mạch, tạo nên các mảng xơ vữa làm hẹp lòng mạch và cản trở dòng máu lưu thông. Nguy hiểm hơn, khi các mảng xơ vữa này bong ra, rơi xuống dòng chảy của máu sẽ vón lại tạo thành cục máu đông, gây tắc mạch máu não và khiến cơ thể ngã quỵ.
Khi cục máu đông làm tắc nghẽn lòng mạch tạm thời (cơn thiếu máu não thoáng qua), cơ thể sẽ phát ra tín hiệu cầu cứu bằng dấu hiệu xây xẩm chóng mặt, tê yếu tay chân. Do đó, nếu biết mình mỡ máu cao, lại gặp thêm 2 dấu hiệu này, nhất định phải đến bệnh viện ngay trước khi quá muộn.
Phòng ngừa biến chứng đột quỵ do cao huyết áp
Nghiên cứu cho thấy, cứ 10 người bị đột quỵ thì có đến 8 trường hợp biến chứng từ bệnh cao huyết áp. Điều này cho thấy, cao huyết áp là thủ phạm hàng đầu gây nên các tai biến về não bộ, tổn thương trầm trọng các cơ quan trong cơ thể, thậm chí tử vong sớm vì bệnh nếu không kịp thời xử lý. Cao huyết áp là sự tăng áp lực thường xuyên của dòng máu lên trên thành mạch khiến cho thành mạch bị dãn dần ra và xuất hiện những tổn thương nhất định. Bên cạnh đó, khi áp lực dòng máu đột ngột tăng cao có thể làm cho mạch máu bị vỡ ra gây vỡ mạch máu não. Vì vậy, kiểm soát huyết áp cao có thể giúp phòng ngừa những sự cố nguy hiểm.
Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/nhan-biet-thoi-diem-va-nguy-co-de-bi-dot-quy-post456488.antd