Nhân dân đồng thuận cao với phương án sắp xếp đơn vị hành chính
Ngày 20-4, đồng loạt các thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh đã tổ chức họp cộng đồng dân cư để lấy ý kiến Nhân dân về phương án hợp nhất tỉnh Tuyên Quang và tỉnh Hà Giang, cùng phương án sắp xếp các đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp xã. Việc lấy ý kiến diễn ra công khai, dân chủ, đúng quy định, thể hiện rõ tinh thần trách nhiệm và sự đồng thuận cao của Nhân dân. Từ thành thị đến vùng cao, từ cán bộ, công chức đến người lao động, nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh đều bày tỏ sự ủng hộ tuyệt đối, đặt niềm tin vào một không gian phát triển mới, rộng mở, hiệu quả hơn sau sắp xếp.
Chủ trương lớn - quyết tâm cao
Theo đề án, sáp nhập tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang, lấy nguyên tên gọi là Tuyên Quang, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại thành phố Tuyên Quang. Sau sáp nhập, tỉnh Tuyên Quang sẽ có diện tích tự nhiên hơn 13.795 km2, dân số trên 1,86 triệu người, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí về ĐVHC cấp tỉnh.
Sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, phường trên địa bàn toàn tỉnh, thực hiện sắp xếp đối với 137 xã, phường, thị trấn hiện nay để thành lập 51 ĐVHC cấp xã mới (gồm 46 xã, 5 phường), giảm 86 ĐVHC cấp xã (tỷ lệ giảm là 62,77%). Đề án sáp nhập các xã, phường bảo đảm tiêu chuẩn diện tích và quy mô dân số theo quy định.
Trước đó, ngày 18-4, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tổ chức hội nghị thông tin về việc sắp xếp ĐVHC cấp xã và hợp nhất tỉnh Tuyên Quang với tỉnh Hà Giang. Các ý kiến phát biểu tại hội nghị thể hiện rõ niềm phấn khởi, sự đồng tình và tin tưởng vào thành công của chủ trương lớn nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị.

Cán bộ xã Tân Trào (Sơn Dương) hướng dẫn người dân tìm hiểu các đề án sáp nhập đơn vị hành chính.
Theo chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND các huyện, thành phố phân công lãnh đạo, công chức trực tiếp về cơ sở để hướng dẫn, đôn đốc việc lấy ý kiến Nhân dân bảo đảm kịp thời, đúng quy định. Đồng thời, Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp cần chủ động tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và Nhân dân tích cực tham gia, tạo sự đồng thuận cao với các phương án hợp nhất, sắp xếp ĐVHC trên địa bàn tỉnh.
Đảm bảo đúng quy định, thuận lợi, dân chủ
Ghi nhận tại nhiều điểm lấy ý kiến từ thành phố đến địa bàn vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số cho thấy, việc tổ chức lấy ý kiến được triển khai đồng bộ theo đúng trình tự quy định tại Điều 18 Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và Nghị định 59/2023/NĐ-CP.
Đồng chí Ma Thế Hải, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Huyện ủy Na Hang cho biết: "Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, người dân đều nắm được chủ trương và bày tỏ sự đồng thuận rất cao”.
Đồng chí Hải cũng nhấn mạnh, trong quá trình triển khai, các đồng chí lãnh đạo huyện, cán bộ các phòng ban chuyên môn đều trực tiếp về cơ sở để kiểm tra, hướng dẫn, hỗ trợ các xã, nhất là những địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa. “Tinh thần là không để bất kỳ cử tri nào thiếu thông tin hoặc bị đứng ngoài cuộc. Mỗi ý kiến của người dân đều được ghi nhận, tổng hợp trung thực và gửi đúng thời gian về cấp trên theo quy định”.
Ông Hà Vĩnh Úy, thôn Phúc Linh, xã Tân Thịnh (Chiêm Hóa) cho biết: “Người dân chúng tôi rất phấn khởi. Việc tổ chức họp dân lấy ý kiến rõ ràng, dễ hiểu. Chúng tôi hoàn toàn đồng thuận với phương án sáp nhập vì thấy lợi ích rõ ràng, từ tinh gọn bộ máy đến tiết kiệm ngân sách. Xã Tân Thịnh, Hòa An, Nhân Lý thành xã Hòa An, trụ sở tại xã Hòa An. Việc sắp xếp này là nền tảng quan trọng để xây dựng chính quyền theo hướng gần dân, sát dân và đáp ứng nhanh, hiệu quả yêu cầu phục vụ người dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội ngày càng phát triển”.

Đông đảo cử tri thôn Ao Sen 2, xã Đức Ninh (Hàm Yên) biểu quyết đồng thuận rất cao với chủ trương hợp nhất đơn vị cấp tỉnh, sắp xếp đơn vị cấp xã.
Niềm tin vào tương lai phát triển mới
Khảo sát tại nhiều địa phương cho thấy không khí đồng thuận lan tỏa sâu rộng. Một điểm chung trong các cuộc họp lấy ý kiến là sự phấn khởi, tin tưởng của người dân vào tương lai phát triển sau sáp nhập. Nhiều người nhận định, việc hợp nhất hai tỉnh Tuyên Quang - Hà Giang không chỉ mang ý nghĩa về mặt hành chính, mà còn mở rộng không gian phát triển, tạo điều kiện thúc đẩy liên kết vùng, phát triển kinh tế - xã hội.
Ông Dương Văn Tài, cán bộ nghỉ hưu tại phường Mỹ Lâm (TP Tuyên Quang) chia sẻ: “Tôi từng chứng kiến việc sáp nhập, tách tỉnh. Lần này, tôi thấy tính toán rất chặt chẽ, có cơ sở lịch sử, thực tiễn. Tên gọi Tuyên Quang cũng rất hợp lý, vừa giữ gìn truyền thống, vừa thuận lợi cho quản lý, không gây xáo trộn. Chúng tôi kỳ vọng sự hợp nhất này sẽ giúp hai vùng cùng phát triển mạnh mẽ, nhất là trong đầu tư hạ tầng, giao thương và phát huy tiềm năng du lịch, nông, lâm nghiệp”.
Đồng chí Nguyễn Văn Hoàng, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Bản Vịt, xã Thượng Giáp (Na Hang) cho biết: "Chúng tôi mong sau sáp nhập, các tuyến đường liên xã sẽ được quan tâm đầu tư hơn, tạo điều kiện giao thương, phát triển sản xuất, con em đi học thuận lợi hơn. Một tỉnh thống nhất, mạnh hơn, gần dân hơn, đó là điều chúng tôi tin tưởng”.
Ghi nhận từ các huyện như Lâm Bình, Chiêm Hóa, Hàm Yên cho thấy, không có khó khăn trong quá trình tổ chức lấy ý kiến. Chị Lộc Thị Loan, chủ Homestay Triệu Cường xã Thượng Lâm, chia sẻ: “Thượng Lâm và Khuôn Hà từ lâu đã gắn bó như anh em, nhất là trong làm du lịch. Khách đến vùng này không phân biệt địa giới xã, mà chỉ cảm nhận sự thân thiện, mến khách và cảnh quan tuyệt đẹp của cả một vùng sinh thái. Việc sáp nhập sẽ giúp quy hoạch tốt hơn, thu hút đầu tư mạnh hơn vào hạ tầng, dịch vụ. Người dân làm du lịch như chúng tôi rất kỳ vọng”.
Việc lấy ý kiến Nhân dân trên địa bàn tỉnh không chỉ là một bước trong quy trình pháp lý, mà còn là minh chứng rõ nét cho tinh thần dân chủ, trách nhiệm, đồng thuận vì sự phát triển chung. Những lá phiếu đồng thuận là kết tinh của niềm tin, khát vọng và kỳ vọng vào một chặng đường phát triển mới: rộng mở hơn, hiệu quả hơn, và gắn bó mật thiết hơn giữa chính quyền và Nhân dân.