Nhân dân là chủ thể quan trọng trong xây dựng nông thôn mới
Đoàn giám sát của Ủy ban MTTQ tỉnh giám sát về việc thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới tại Sở GT-VT tỉnh. Ảnh: THÚY HẰNG
Đó là một trong những nội dung được bàn nhiều tại hội thảo “Nâng cao hiệu quả công tác giám sát của MTTQ Việt Nam trong xây dựng nông thôn mới” vừa được Ủy ban MTTQ Việt Nam tổ chức dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh.
Phát huy quyền làm chủ của Nhân dân
Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh khẳng định, xây dựng nông thôn mới (NTM) là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước đang được cả hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương triển khai thực hiện. Kết quả xây dựng NTM đang từng bước làm thay đổi toàn diện đời sống của Nhân dân trên địa bàn nông thôn, rút ngắn khoảng cách chênh lệch về mức sống, chất lượng cuộc sống giữa Nhân dân vùng nông thôn với thành thị. Chính vì vậy, tính hiệu quả của hoạt động giám sát của MTTQ Việt Nam đối với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM cần được phát huy. Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh cũng nhấn mạnh, hoạt động giám sát xây dựng NTM cần được triển khai sâu rộng ở cơ sở, chú trọng phát huy vai trò của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng tại địa phương, đảm bảo khách quan, minh bạch, góp phần triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM thực chất và hiệu quả hơn.
Theo Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, những năm qua, MTTQ các cấp luôn chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai các hoạt động giám sát các nội dung trong xây dựng NTM, góp phần cùng với Chính phủ thực hiện có hiệu quả các chế độ, chính sách đối với công tác xây dựng NTM.
Đóng góp ý kiến tại hội thảo, GS.TS Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ - Pháp luật Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, cần tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý về giám sát của MTTQ nói chung, giám sát về xây dựng NTM nói riêng. Cụ thể, để phát huy vai trò của cơ chế Nhân dân kiểm soát quyền lực nhà nước nói chung, MTTQ giám sát cơ quan, tổ chức, cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực thi chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước nói riêng cần sớm nghiên cứu xây dựng dự án Luật về giám sát của Nhân dân để không những thể chế đầy đủ quyền, trách nhiệm, phương thức, cách thức trong hoạt động giám sát của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội của Nhân dân mà còn thể chế hóa các quyền dân chủ trực tiếp của công dân mà Hiến pháp năm 2013 đã ghi nhận.
Ở góc độ khác, theo ông Lê Truyền, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, công tác giám sát của MTTQ cần gắn với Nhân dân, Nhân dân thông qua mặt trận để xây dựng Đảng, Nhà nước và phát huy quyền làm chủ của mình. MTTQ cần phát huy được trí tuệ của Nhân dân, huy động được sức mạnh toàn dân. Cùng với đó, MTTQ cần tăng cường giám sát việc huy động, sử dụng và quản lý các nguồn lực xây dựng NTM, góp phần vừa nâng cao hiệu quả xây dựng NTM, vừa phòng chống tham nhũng, lãng phí.
Tại Phú Yên, nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của việc xây dựng NTM, trong những năm qua, với vai trò là tổ chức liên minh chính trị, MTTQ các cấp trong tỉnh xác định nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là tuyên truyền, vận động để người dân hiểu rõ và tin tưởng vào đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng NTM; thấy được quyền lợi và trách nhiệm của mình để từ đó chủ động tham gia, giám sát với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Mặt khác, trên cơ sở hiệp thương, phối hợp hoạt động với các tổ chức thành viên, Ủy ban MTTQ tỉnh luôn chủ động ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai xây dựng NTM và thực hiện lồng ghép trong Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”. MTTQ các cấp cũng chủ động tổ chức nhiều lớp tập huấn về xây dựng NTM cho đội ngũ cán bộ mặt trận; tổ chức tốt việc giám sát thực hiện những chính sách về xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của Nhân dân trong xây dựng NTM…
Người dân chính là đối tượng thụ hưởng
Người dân chính là đối tượng thụ hưởng và cảm nhận rõ nhất cuộc sống đổi mới, nâng cao từng ngày đang diễn ra ở những vùng quê NTM. Đi dọc con đường ĐH22 rẽ vào thôn Phước Khánh, xã Hòa Trị (huyện Phú Hòa), chúng tôi cảm nhận được những đổi thay rõ nét của vùng quê này. Những con đường trong thôn, xóm đã được bê tông hóa sạch đẹp, đèn chiếu sáng ban đêm, thuận tiện cho việc đi lại, làm ăn của người dân. Những ngôi nhà được xây dựng khang trang, bề thế, tạo nên ấn tượng về một vùng quê giàu đẹp. Từ sự đồng lòng, chung sức của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân địa phương, chương trình xây dựng NTM thực sự đã trở thành một phong trào sôi nổi, lan tỏa đến từng người dân nơi đây.
Trò chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Trọng Khánh ở thôn này, chia sẻ: “Bà con chúng tôi luôn phát huy tinh thần đoàn kết, giữ gìn tình làng nghĩa xóm, giúp đỡ, hỗ trợ nhau cùng phát triển kinh tế và đóng góp xây dựng NTM. Việc làm đường giao thông nông thôn, kênh mương nội đồng hoặc thắp sáng đường quê đều được đưa ra bàn bạc, dân chủ, công khai nên bà con chúng tôi luôn đồng tình ủng hộ. Không chỉ có vậy, con em của thôn xóm đi làm ăn xa quê thành đạt cũng tích cực đóng góp để xây dựng thôn xóm. Chúng tôi nhận thấy, xây dựng NTM không chỉ tạo ra những đổi thay mạnh mẽ trong cảnh quan mà còn góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân”.
Qua công tác giám sát kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tại Sở NN-PTNT, ông Nguyễn Lý Nguyên, Phó Giám đốc sở này nhận định, chương trình xây dựng NTM đã góp phần phát triển nhanh hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở nhiều vùng, nổi bật là đầu tư phát triển giao thông nông thôn, thủy lợi, điện… phục vụ tốt nhu cầu dân sinh. “Hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu ở nông thôn được tăng cường đầu tư đã tạo đà cho phát triển kinh tế - xã hội và tăng sự thụ hưởng trực tiếp cho người dân. Có được kết quả này, trước hết đó là sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự vào cuộc của chính quyền, mặt trận, các ban ngành, đoàn thể, doanh nghiệp, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, đơn vị đã quy tụ được sự đoàn kết, đồng thuận của Nhân dân, gây dựng được phong trào toàn dân chung sức xây dựng NTM”, ông Nguyên nhấn mạnh.
Toàn tỉnh hiện có 110 Ban Thanh tra nhân dân, với gần 900 thành viên và 195 Ban Giám sát đầu tư cộng đồng, với tổng số 1.273 thành viên. Riêng trong năm qua, các ban Thanh tra nhân dân đã tổ chức giám sát 140 cuộc liên quan đến các công trình phúc lợi xã hội ở địa phương; các ban Giám sát đầu tư cộng đồng đã giám sát hơn 150 cuộc liên quan đến các công trình đầu tư trực tiếp cho xã như nhà văn hóa thôn, hệ thống kênh mương nội đồng… “Với những việc làm cụ thể, thiết thực, phát huy vai trò, trách nhiệm, tính sáng tạo của người dân trong triển khai thực hiện, công cuộc xây dựng NTM đã góp phần khơi dậy tiềm năng sức mạnh của cộng đồng dân cư, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, thể hiện sự đồng thuận trong các tầng lớp Nhân dân, từ đó nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân”, ông Hồ Hồng Nam, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh nói.