Nhân dân là trung tâm, nhân dân thụ hưởng
Theo Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam Hầu A Lềnh, qua các hội nghị góp ý các dự thảo văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng, nhiều ý kiến đánh giá cao việc xác định nhân dân là trung tâm, nhân dân thụ hưởng.
Đến nay, MTTQ đã tiếp nhận ý kiến góp ý Dự thảo Văn kiện trình Đại hội lần thứ XIII của Đảng như thế nào? Nội dung nào được góp ý nhiều nhất, thưa ông?
Các đại biểu tham gia góp ý đánh giá các dự thảo văn kiện đều được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, sát với tình hình thực tiễn. Các đại biểu khối MTTQ thường quan tâm nội dung xã hội, quan tâm việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Các góp ý cho rằng, dự thảo đã đánh giá rất kỹ vai trò của MTTQ và các tổ chức thành viên, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, phát huy vai trò khối đại đoàn kết toàn dân, quyền giám sát của người dân… Dự thảo văn kiện cũng đã cập nhật tình hình diễn biến mới, đặc biệt tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu, đại dịch COVID-19… để kịp thời nêu rõ những thuận lợi, khó khăn trong nhiệm kỳ tới, đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp phù hợp.
Trong đó, về công tác xây dựng Đảng, các đại biểu nhấn mạnh, cần tập trung vấn đề củng cố bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, uy tín, năng lực, đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng. Đặc biệt, các ý kiến góp ý rất đồng tình với dự thảo văn kiện về việc củng cố, phát huy vai trò của người dân, như đưa thêm một số vấn đề, một số cụm từ như “dân giám sát, dân thụ hưởng”.
Các góp ý có nêu cụ thể về vấn đề “dân thụ hưởng”?
Trước đây, chúng ta đã quen thuộc với các cụm từ “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Cụm từ “dân giám sát” mới có ở nhiệm kỳ gần đây. Mới nhất, chúng ta đưa thêm cụm từ “dân thụ hưởng”. Theo quan điểm của Đảng, tất cả mọi thành quả đều vì người dân, hướng về người dân. Đảng xác định, phải có sự tham gia của người dân từ việc hoạch định chính sách, giám sát chính sách, thụ hưởng hiệu quả của chính sách, đường lối đó. Việc này thể hiện chúng ta lấy nhân dân là trung tâm, lấy dân là gốc. Các ý kiến góp ý đánh giá rất cao vấn đề này, mong Đại hội XIII bàn kỹ thêm các đường hướng, chủ trương thực hiện chủ trương này. Đây là vấn đề được các đại biểu hết sức hoan nghênh, ủng hộ, vì đây là điều rất mới. Việc cụ thể hóa “dân thụ hưởng” như thế nào sẽ được chi tiết hóa sau khi triển khai đưa nghị quyết được Đại hội XIII thông qua vào cuộc sống. Dự thảo văn kiện mang tính chủ trương, đường lối tổng quát nên không thể chi tiết hóa được. Các đại biểu đánh giá cao điều này, vì đó là nguyện vọng chính đáng nhất của người dân, là trách nhiệm của tổ chức Đảng, chính quyền các cấp…
Ðột phá về công tác xây dựng Ðảng
Còn vấn đề liên quan công tác cán bộ, phòng chống tham nhũng, lãng phí được góp ý thế nào?
Trong công tác xây dựng Đảng có nhiều vấn đề về tổ chức, con người, tư tưởng, chính trị, đạo đức, phòng chống tham nhũng… Các đại biểu, ý kiến góp ý đều tán thành những nhận định thẳng thắn về kết quả đạt được, tồn tại hạn chế của công tác này. Tinh thần phê và tự phê thể hiện rất thẳng thắn. Ý kiến góp ý mong công tác này tiếp tục được thực hiện.
Dự thảo văn kiện xác định, nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ tới là đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi có hiệu quả tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ gắn với đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và thực hiện các quy định về trách nhiệm nêu gương. Đổi mới mạnh mẽ và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cán bộ; tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, người đứng đầu các cấp đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Tiếp tục đổi mới, kiện toàn và từng bước hoàn thiện tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động.
Ba giải pháp đột phá về xây dựng Đảng được đưa ra là tiếp tục hoàn thiện thể chế về công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, nhất là công tác tổ chức, cán bộ. Cùng với đó, phát huy dân chủ, siết chặt kỷ luật, kỷ cương đi đôi với tạo môi trường đổi mới sáng tạo trong công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ. Đặc biệt, phải kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, quan liêu; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát và kiểm soát chặt chẽ quyền lực. Các đại biểu đánh giá cao việc lần đầu tiên Đảng xác định các giải pháp đột phá trong công tác xây dựng Đảng.
Vậy, việc kiểm soát quyền lực được đề cập và góp ý ra sao?
Vấn đề kiểm soát quyền lực đã được thể chế hóa một bước khi có nhiều quy định về kiểm soát các tổ chức, cá nhân, nhất là việc có quy định về các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; các quy định về tiêu chuẩn cán bộ, hướng dẫn về quy trình công tác cán bộ (quy trình 5 bước) kể cả với cán bộ tái cử hay tham gia lần đầu. Trước khi xây dựng dự thảo văn kiện, các quy định này đã có rồi. Các ý kiến góp ý cho rằng, cần tiếp tục hoàn thiện, thực hiện nghiêm các quy định này. Hiện nay, các cơ quan cũng đang xây dựng dự thảo quy định về bảo vệ những người sáng tạo, năng động, đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Khi có cơ chế, đưa ra thực hiện sẽ chọn được người tài, có tác dụng tốt với công tác xây dựng Đảng; có cơ chế kiểm soát lẫn nhau, không khí phê bình và tự phê bình tốt hơn, đổi mới trong công tác cán bộ. Đảng xác định tất cả đều xuất phát từ công tác cán bộ. Công tác cán bộ là nhiệm vụ then chốt của công tác xây dựng Đảng, có liên quan đến sự sống còn của Đảng và vận mệnh của chế độ; cán bộ là cái gốc của mọi công việc, là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng. Đại biểu kỳ vọng, khóa XIII, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng sẽ được nâng lên một bước.
Sau các hội nghị, quy trình tiếp thu các ý kiến góp ý thực hiện như thế nào?
Sau khi lấy các ý kiến xong, Ủy ban T.Ư MTTQ sẽ tổng hợp toàn bộ một cách trung thực, đầy đủ, gửi kèm hồ sơ (gồm các bài phát biểu, các bài viết…) về Ban Dân vận T.Ư để làm đầu mối tổng hợp, phân loại gửi cho các tiểu ban tương ứng để tiếp thu. Quan điểm là tất cả mọi ý kiến đều được chuyển tải, tiếp thu đầy đủ.
Cảm ơn ông.