Nhân dân tệ 'soán ngôi'?

Tương lai, 'đồng bạc xanh' sẽ tiếp tục là đồng tiền hàng đầu thế giới và chưa thể bị thay thế tuy nhiên, khả năng thống trị của nó sẽ phai nhạt.

Minh họa/INT

Minh họa/INT

Trong những năm gần đây, trên thế giới xuất hiện nhiều cảnh báo rằng đồng nội tệ của Trung Quốc, nhân dân tệ, có thể vượt qua dollar Mỹ (USD) để trở thành đồng tiền dự trữ quốc tế.

Căn cứ cho những cảnh báo trên xuất phát từ việc nhiều quốc gia trên thế giới đã và đang sử dụng đồng nhân dân tệ của Trung Quốc trong giao dịch nội và ngoại thương. Một số quốc gia có thể kể đến như Nga, Ả-rập Xê-út, Brazil, Thái Lan, Bangladesh, Pakistan, Argentina...

Việc các quốc gia sử dụng đồng tiền nội địa của quốc gia khác thường bị gán cho khái niệm “phi USD hóa”, tức là giảm nhu cầu sử dụng và mức độ lệ thuộc vào USD. Từ đó, trên các phương tiện truyền thông đã xảy ra những tranh cãi xoay quanh vị trí tốp đầu thế giới của USD.

Hồi tháng 6, tờ NPR đặt câu hỏi: “Đồng dollar Mỹ chinh phục thế giới. Liệu nó có nguy cơ mất vị trí hàng đầu?” và so sánh với Trung Quốc trên tư cách ứng cử viên hàng đầu “soán ngôi” USD.

Tờ Washington Post hồi tháng 5 có bài viết: “Trung Quốc muốn biến đồng nhân dân tệ thành tiền tệ hoàn cầu”.

Trên thực tế, đồng nhân dân tệ không có khả năng thay thế USD trong hai thập kỷ tới. Bằng chứng là đồng euro, vốn được nhiều quốc gia châu Âu và thế giới, sử dụng làm tiền tệ chính, vẫn chưa thể vượt qua USD trong hơn 20 năm kể từ khi nó được đưa vào lưu thông.

Đó là chưa kể, đồng tiền của Trung Quốc chỉ đứng ở vị trí thứ tư trong danh sách những đồng tiền phổ biến thế giới, lần lượt sau USD, euro và đồng yên của Nhật Bản (theo báo cáo năm 2023 của Ngân hàng Trung ương châu Âu).

Còn trên mặt bằng chung, cả euro lẫn yên đều chưa có cơ hội “soán ngôi” USD. Theo dữ liệu của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế, đến nay, USD vẫn là đồng tiền được sử dụng rộng rãi nhất trong thương mại quốc tế, chiếm khoảng 88% các giao dịch tiền tệ.

Còn dữ liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế cho thấy “đồng bạc xanh” là tài sản được nắm giữ rộng rãi nhất trong các ngân hàng trung ương. Đồng dollar cũng chiếm 55% tổng dự trữ ngoại hối trong quý đầu tiên của năm 2023.

Dù vậy, Mỹ cũng không thể không lo ngại do ngày càng nhiều người ủng hộ “phi dollar hóa” nhằm giảm sự phụ thuộc vào đồng tiền này và giảm mức độ chi phối từ Mỹ. Việc phụ thuộc quá nhiều vào loại tiền tệ duy nhất có thể khiến các quốc gia gặp rủi ro nếu giá trị của đồng tiền đó có sự biến động.

Hơn nữa, các quốc gia khác cũng đang tích cực tăng trưởng kinh tế, mở rộng hợp tác trong khu vực nhằm nâng cao lợi thế của đồng nội tệ trên trường quốc tế hoặc tìm kiếm một đồng tiền riêng.

Đơn cử, BRICS (Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Nam Phi và Brazil) đang tích cực xem xét giao dịch nội khối bằng đồng tiền riêng. Điều này nhằm thúc đẩy thương mại nội khối BRICS và loại bỏ chi phí chuyển đổi USD cao trong các giao dịch quốc tế.

Trong tương lai, “đồng bạc xanh” sẽ tiếp tục là đồng tiền hàng đầu thế giới và chưa thể bị thay thế tuy nhiên, khả năng thống trị của nó sẽ phai nhạt.

Nguyễn Minh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/nhan-dan-te-soan-ngoi-post649060.html