Nhân dân tệ thành đồng tiền giao dịch xuyên biên giới phổ biến nhất của Trung Quốc
Trung Quốc đã đạt được cột mốc quan trọng khác trong nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào đồng đô la Mỹ, khi đồng nhân dân tệ (NDT) lần đầu tiên vượt qua đồng bạc xanh để trở thành đồng tiền được sử dụng nhiều nhất trong các giao dịch xuyên biên giới của nước này.
Tỷ lệ sử dụng NDT trong các khoản thanh toán và biên lai xuyên biên giới của Trung Quốc đã tăng lên mức cao kỷ lục 48% vào cuối tháng 3 từ mức gần bằng 0% trong năm 2010, theo nghiên cứu của Bloomberg Intelligence (BI) dựa vào dữ liệu từ Cục Quản lý ngoại hối nhà nước Trung Quốc (SAFE). Các số liệu cho thấy tỷ lệ của đồng đô la giảm xuống 47% từ 83% trong cùng kỳ.
Tỷ lệ này được tính toán dựa trên khối lượng của tất cả các loại giao dịch xuyên biên giới Trung Quốc, bao gồm giao dịch chứng khoán thông qua các liên kết giữa Trung Quốc đại lục và các thị trường vốn của Hồng Kông. Trong khi đó, tỷ trọng của đồng NDT trong thanh toán toàn cầu ít thay đổi, ở mức 2,3% trong tháng 3, theo dữ liệu từ hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT.
Tính toán của Reuters dựa vào dữ liệu của SAFE cũng cho thấy NDT sử dụng trong biên lai và thanh toán xuyên biên giới của Trung Quốc trong tháng 3 tăng lên mức cao kỷ lục 549,9 tỉ đô la, so với 435,5 tỉ đô la vào một tháng trước đó.
“Việc tăng sử dụng đồng NDT trong giao dịch xuyên biên giới của Trung Quốc có thể là kết quả tự nhiên từ nỗ lực mở rộng tài khoản vốn của Bắc Kinh, với dòng vốn chảy vào trái phiếu Trung Quốc và dòng vốn chảy ra từ chứng khoán Hồng Kông tăng lên”, Stephen Chiu, giám đốc chiến lược về tỷ giá và ngoại hối châu Á tại BI, viết trong một báo cáo.
Người phát ngôn của SAFE cho biết tỷ lệ sử dụng NDT trong giao dịch xuyên biên giới tăng cho phép các công ty trong nước giảm rủi ro về tình trạng mất cân xứng tiền tệ trong các giao dịch. Trong một chỉ thị thúc đẩy ngoại thương hôm 25-4, Quốc Vụ viện Trung Quốc cho biết Trung Quốc tiếp tục mở rộng thanh toán bằng NDT trong các giao dịch xuyên biên giới.
Chris Leung, nhà kinh tế tại Ngân hàng DBS, nhận định: “Các nỗ lực quốc tế hóa NDT đang tăng tốc khi các quốc gia khác tìm kiếm một loại tiền tệ thanh toán thay thế để đa dạng hóa rủi ro và khi uy tín của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) giảm sút. Nhưng đồng thời, chúng ta vẫn thấy sự thống trị của đồng đô la còn một chặng đường dài phía trước, và tỷ trọng của đồng NDT trong thanh toán toàn cầu có thể chỉ ở quy mô nhỏ mãi mãi”.
Trong một diễn biến khác, hôm 26-4, chính phủ Argentina cho biết bắt đầu thanh toán hàng nhập khẩu của Trung Quốc bằng NDT thay vì đô la. Trong tháng 4, Argentina đặt mục tiêu thanh toán khoảng 1 tỉ đô la hàng nhập khẩu của Trung Quốc bằng NDT và sau đó, khoảng 790 triệu đô la hàng nhập khẩu hàng tháng sẽ được thanh toán bằng NDT.
Quyết định được đưa ra trong bối cảnh quốc gia Nam Mỹ này đang đối mặt với mức dự trữ đô la cạn kiệt nghiêm trọng khi xuất khẩu nông sản giảm mạnh do hạn hán lịch sử, cũng như bất ổn chính trị trước cuộc bầu cử năm nay. Vào tháng 11 năm ngoái, Argentina đã mở rộng hợp đồng hoán đổi tiền tệ với Trung Quốc thêm 5 tỉ đô la nhằm tăng cường dự trữ NDT của Argentina.
Bộ trưởng Kinh tế Argentina Sergio Massa cho biết, thỏa thuận này sẽ cho phép Argentina tăng tốc độ nhập khẩu, với các đơn đặt hàng nhập khẩu bằng đồng NDT sẽ được tiến hành nhanh hơn.
Hồi cuối tháng 3, Tổng công ty dầu khi hải dương Trung Quốc (CNOOC) và Tập đoàn dầu khí TotalEnergies của Pháp đã hoàn thành giao dịch khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) xuyên biên giới thanh toán bằng NDT đầu tiên của Trung Quốc thông qua Sàn giao dịch dầu mỏ và khí đốt tự nhiên Thượng Hải. Hai công ty này đã mua khoảng 65.000 tấn LNG từ Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE).
Sergio Rossi, giáo sư kinh tế vĩ mô và kinh tế tiền tệ của Đại học Fribourg ở Thụy Sĩ, cho biết thỏa thuận mua LNG với UAE cho thấy các nước xuất khẩu dầu khí đang quan tâm đến việc sử dụng các loại tiền tệ như NDT, thay vì đô la, ở cấp độ quốc tế.
David Phua, đối tác tại hãng luật quốc tế King & Wood Mallesons, nhận định trong tương lai, một rổ tiền tệ đa dạng kết hợp với các kim loại quí như vàng và bạc có thể trở thành “phương tiện thanh toán ngày càng quan trọng các giao dịch hàng hóa quốc tế”. Ông nói thêm rằng điều này có thể dẫn đến một thế giới đa cực hơn về ngoại tệ dự trữ.
Theo Bloomberg, Reuters, China Daily