Nhân dạng người Ấn trong truyện ngắn 'Người gác cổng chân chính'
Lối viết lạnh nhưng tinh tế, sắc bén, thiên về quan sát, ít biểu lộ cảm xúc, những trang văn của Jhumpa Lahiri tái tạo hiện thực cuộc sống của người Ấn nhập cư trong cộng đồng Mỹ.
Chuyện kể về một người phụ nữ lớn tuổi tự nguyện quét dọn khu nhà ở tồi tàn của người nhập cư để đổi lấy một chỗ ngủ ngay dưới chân cầu thang. Điểm mấu chốt làm nên sức ám gợi của truyện ngắn này có lẽ là ở việc nhà văn đã chọn được những chi tiết rất đắt. Đó là hình ảnh chiếc chăn không thể tả tơi hơn của bà Boori Ma, là chiếc bồn rửa mới ở gầm cầu thang của khu nhà, là chùm chìa khóa và số tiền tiết kiệm giấu trong chiếc sari cũ kỹ, những hồi tưởng về một quá khứ lẫn lộn của người phụ nữ khốn khổ và cả lời hứa về một tấm chăn mới cho bà Boori Ma của cặp vợ chồng khá giả.
Lối viết lạnh nhưng tinh tế, sắc bén, thiên về quan sát, ít biểu lộ cảm xúc, những trang văn của Jhumpa Lahiri tái tạo hiện thực cuộc sống của người Ấn nhập cư trong cộng đồng Mỹ. Đó là kết quả của phương pháp cấu trúc chặt chẽ, biểu hiện của trí tuệ tác giả trong sáng tác. Nhà văn không gieo rắc tình thương cho độc giả bằng cái nhìn chủ quan hay tô đậm điểm tích cực, một chiều của nhân vật mà để cảm xúc của độc giả nảy nở qua từng tình tiết. Nhờ đó, bà trao quyền cho độc giả được tự do tưởng tượng và khám phá về đặc tính và những uẩn khúc trong suy nghĩ, cuộc đời nhân vật.
Chỉ là chuyện quẩn quanh tưởng không có gì đáng kể trong một khu nhà tồi tàn mà đọng lại những dư vị. Đó là chưa kể đến một cái kết thực sự nhói lòng. Diễn biến câu chuyện người phụ nữ cô độc, khốn khó tự nguyện gác cổng không công rồi vẫn bị đám người vô ơn xua đuổi, âm thầm gieo vào lòng mỗi chúng ta niềm xót thương. Mới hay trong cuộc sống bất trắc, khi con người dễ nuốt lời, vùi dập và phản trắc, lòng tốt, lòng hào hiệp phải song hành cùng với tình thương, niềm tin, niềm cảm thông, thậm chí còn cần đi cùng với cả lời hứa, lời cam kết./.