Nhân danh đạo đức và lời cảnh tỉnh 'Fake News'!

Tin vào những điều tử tế hoàn toàn không có lỗi. Chỉ có điều cái đẹp, sự tử tế ở đâu cũng cần sự thật. Bởi thế, mỗi khi đặt tay lên bàn phím, xin đừng để cảm xúc dẫn dắt chúng ta.

Câu chuyện đốn tim cộng đồng mạng cuối cùng đã bị lật tẩy. "Bác sỹ Khoa" là một dạng "biến chủng" tin giả theo kiểu "ngôn tình" đạo đức.

Cuối cùng thì chưa đầy 24h sau khi xuất hiện, nhân vật “bác sỹ Khoa” và câu chuyện nhường máy thở của mẹ đẻ cho sản phụ “đốn tim” cộng đồng mạng đã kết thúc đầy bi hài.

Trung tâm xử lý tin giả Việt Nam (VAFC), thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông đã khẳng định đó là tin giả. VAFC cũng khuyến cáo cộng đồng mạng, nhất là các phóng viên không chia sẻ trên mạng xã hội những nội dung chưa được kiểm chứng.

Sáng sớm nay, khi mọi việc còn bán tín bán nghi, tôi đã hỏi một đồng nghiệp rằng chị có tin không thì ngay lập tức nhận được tin nhắn phản hồi: “Ố! Drama quá!”.

Dù phân tích giúp tôi hiểu nhiều chi tiết phi lý mang tính “kịch” từ câu chuyện “bác sỹ Khoa” sáng nhất mạng xã hội đêm qua nhưng lại cũng chính chị gửi cho tôi một biểu tượng trái tim đi kèm hai câu thơ của Lưu Quang Vũ: “Nếu cuộc đời này toàn chuyện xấu xa/ Tại sao cây táo lại nở hoa?”. Nghĩa là chị, dù biết đó là… Drama nhưng vẫn muốn tin vào điều tử tế, vẫn muốn có thật nhiều mầm nhân ái mọc lên giữa mùa dịch.

Bạn tôi, một giáo viên dạy văn, thậm chí đã khóc khi đọc những dòng chia sẻ của “bác sỹ Khoa”. Bạn ấy còn dự định sẽ chọn chi tiết “rút ống thở” từ mẹ đẻ nhường cho sản phụ của “bác sỹ Khoa” để ra đề văn nghị luận xã hội cho học sinh giỏi về… đức hy sinh cao cả.

Anh tôi, một bác sỹ 20 năm trong nghề, từng quá hiểu quy trình nghiệp vụ y cũng đã bị nhân vật “bác sỹ Khoa” cho… việt vị. Dòng cảm thán: “ngưỡng mộ quá đồng nghiệp của tôi ơi!” trên trang cá nhân của anh giờ không còn nhưng chắc hẳn anh vẫn muốn tin vào những điều kỳ diệu của cuộc sống.

Kể ra 3 câu chuyện trên, tôi không có ý chê bai, bỉ bôi, cười cợt những người bạn của mình mà muốn nói đến một xu hướng đang phổ biến trên mạng xã hội, đó là câu like bằng “ngôn tình” đạo đức mà nếu không tỉnh táo, ai cũng có thể trở thành nạn nhân.

Trong tâm dịch, khi mà lằn ranh giữa sự sống và cái chết rất mong manh, “bác sỹ Khoa” đã đẩy câu chuyện về tình người, về đức hy sinh lên đến cao trào bằng cách kể lại hành động rút ống thở của người dứt ruột đẻ ra mình đang trong cơn hấp hối để nhường lại cho một sản phụ sắp vượt cạn.

Cả 3 nhân vật giàu đức hy sinh trong “vở kịch” ấy đều là… bác sỹ, đều đang như những chiến binh trong tâm dịch càng khiến cho cộng đồng mạng xúc động. Chưa kể, việc tạo ra nhân vật… sản phụ thai đôi nghĩa là đã hy sinh sự sống của mẹ mình cho… 3 người.

“Bác sỹ Khoa” hẳn là đã tính toán kỹ trong việc tạo ra một Drama siêu kịch tính, hấp dẫn, nó đủ sức để thuyết phục với cả các nhà sản xuất điện ảnh, sân khấu khó tính nhất. Thậm chí, nó đủ sức nằm trong những cuốn sách gối đầu giường kiểu như “Hạt giống tâm hồn” hay “Những tấm lòng cao cả”. Chỉ có điều, “Bác sỹ Khoa” không phải là tác phẩm văn học, sân khấu hay điện ảnh mà đó chỉ là một sản phẩm Fake News câu like giữa mùa dịch, gây hoang mang dư luận.

Kẻ tạo ra Fake News “bác sỹ Khoa” như một thứ “biến chủng” của “virus” tin giả. Diễn biến của thứ “biến chủng” thông tin này rất khó lường và có sức tàn phá niềm tin như một thứ dịch bệnh.

Tin giả trở thành một vấn nạn đáng lo ngại trong thời đại bùng nổ thông tin

Rất nhanh chóng, kịp thời, báo chí, Trung tâm xử lý tin giả VAFC, Sở Y tế TP. HCM và các nhà chuyên môn đã lật tẩy “vở kịch bác sỹ Khoa”. Rằng, không có bệnh viện nào thực hiện quy trình rút ống thở như thế. Chỉ có số ít bệnh nhân Covid-19 phải sử dụng máy thở, nên càng không có chuyện nhường máy thở như chi tiết “kịch” của “bác sỹ Khoa”.

Bác sỹ Cao Hữu Thịnh, người bị “bác sỹ Khoa” đạo ảnh hai cháu bé sơ sinh cũng khẳng định việc sử dụng hình ảnh như thế là vô đạo đức. Nhiều lãnh đạo bệnh viện ở TP. HCM cũng xác nhận, không có một “bác sỹ Khoa” nào như vậy cả. Từ y đức đến luật pháp, câu chuyện trên đều phi lý. “Bác sỹ Khoa” và câu chuyện “thần tiên” ấy cuối cùng chỉ là “đóa hoa” nở... nghịch mùa trong tâm dịch mà thôi.

Giờ thì nhiều người chia sẻ, loan tin câu chuyện “bác sỹ Khoa”, trong đó có cả những nhà báo, những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội đã gỡ Status kèm những lời xin lỗi chân thành. Cơ quan chức năng vẫn tiếp tục xác minh, truy lùng xem nhân vật tạo ra Drama gây hoang mang dư luận ấy là ai. Nhưng có một điều chắc chắn, một nửa cái bánh mỳ không thể làm nên sự thật. Còn cuộc sống với những điều tốt đẹp, thiện lành luôn tồn tại.

Tin vào những điều tử tế hoàn toàn không có lỗi. Chỉ có điều cái đẹp, sự tử tế ở đâu cũng cần sự thật. Bởi thế, mỗi khi đặt tay lên bàn phím, xin đừng chỉ để cảm xúc dẫn dắt chúng ta.

Quang Duy

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nhan-danh-dao-duc-va-loi-canh-tinh-fake-news-post149091.html