Nhận diện âm mưu xuyên tạc chủ trương xây dựng quân đội tiến lên hiện đại
Gần đây một số trang mạng, kênh phản động liên tục có những bài viết xuyên tạc chủ trương xây dựng quân đội tiến lên hiện đại. Chúng rêu rao: 'Kế hoạch hiện đại hóa quân đội của Việt Nam đang 'dậm chân tại chỗ'.
Tát nước theo mưa, các thế lực thù địch được dịp bình luận hòng làm nhiễu loạn, theo kiểu: “chắc lại đi vót chông như các cụ”, “Dùng cây tre đánh thôi. Nghe các trẻ trâu mới lớn bảo các cụ ngày xưa toàn dùng cây tre đánh thắng Mỹ Ngụy mà”… Đấu tranh với những luận điệu xuyên tạc, quan điểm sai trái này chính là việc cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân cần làm.
Hiện đại hóa quân đội là mục tiêu xuyên suốt
Ngoài những luận điệu xuyên tạc trên, lợi dụng sai phạm của một số cán bộ, sĩ quan cao cấp trong quân đội thời gian qua, chúng ra sức tuyên truyền, xuyên tạc xây dựng quân đội hiện đại. Thâm độc hơn, chúng “khuyên nhủ”: “Để hiện đại hóa quân đội, nên liên minh, liên kết với cường quốc có nhiều vũ khí, trang bị hiện đại, đang muốn giúp đỡ Việt Nam xây dựng theo mô hình quân đội kiểu phương Tây - quân đội nhà nghề”. Chúng còn quy kết Việt Nam xây dựng quân đội hiện đại là khơi mào cho cuộc chạy đua vũ trang mới trong khu vực.
Kiểu đưa tin và bình luận được dẫn ra ở trên hòng làm hiểu sai chủ trương “xây dựng Quân đội nhân dân... cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, ưu tiên hiện đại hóa một số quân chủng, binh chủng, lực lượng: Hải quân, phòng không - không quân, tác chiến điện tử, trinh sát kỹ thuật, cảnh sát biển, tình báo, cơ yếu…, tạo tiền đề vững chắc, phấn đấu năm 2030, xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại…” được xác định trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng.
Thực tế trong những năm qua cho thấy, xây dựng đội quân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ tiến lên hiện đại là mục tiêu xuyên suốt của Đảng, bởi đó là lực lượng nòng cốt trong đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Tuy nhiên, đó là bước đi phù hợp với hoàn cảnh cũng như nhiệm vụ của từng giai đoạn cách mạng.
Khi bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, “nước ta nghèo, kỹ thuật ta kém, những thành phố có chút công nghệ đều bị giặc chiếm. Chúng ta phải dùng tinh thần hăng hái của toàn dân để tìm cách giải quyết sự thiếu kém vật chất”[1], đội quân từ nhân dân mà ra phải dùng mác búp đa, súng trường cổ lỗ, thậm chí cả pháo “lục tỉnh” - khẩu pháo được ghép từ các bộ phận thu được ở 6 tỉnh nhưng đã giành thắng lợi trước cuộc hành quân quy mô lớn lên Việt Bắc của thực dân Pháp, làm thất bại chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh” của quân đội thực dân.
Dù chiến đấu trong vòng vây của kẻ thù, nhưng với trí thông minh, sáng tạo, các công binh xưởng của ta đã chế nên SKZ, Bazoka, bom bay… để thay thế cho bom ba càng diệt xe tăng địch trong những ngày đầu Toàn quốc kháng chiến. Đó là sự hiện đại hóa quân đội bằng chính tự thân, phù hợp với hoàn cảnh của đất nước. Được sự ủng hộ của bạn bè quốc tế, chúng ta có thêm vũ khí để chiến đấu. Và chính bằng vũ khí đó, đã được cán bộ, chiến sĩ cải tiến nên cách đánh phù hợp với con người, điều kiện tác chiến ở Việt Nam. Việc đưa pháo lên cao, làm công sự chắc chắn, ngụy trang cẩn thận đã phát huy hiệu quả trong chiến dịch Điện Biên Phủ làm cho quân Pháp “…đáng kinh ngạc hơn là ở chỗ làm sao Việt Minh lại đưa được một khối lượng lớn các khẩu pháo nặng và duy trì việc tiếp tế đạn cho chúng vào tận Điện Biên Phủ xuyên qua 500km núi cao, rừng rậm cực kỳ hiểm trở, chẳng có đường sá gì cả”[2]. Đây là lời thú nhận từ phía đối phương về một kỳ tích trong bảo đảm vũ khí trang bị trong chiến dịch của quân đội ta, khiến cho Pirot - viên chỉ huy pháo binh đầy kinh nghiệm của Pháp phải tự vẫn, khi không thể chế áp pháo của ta. Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đã khẳng định bước trưởng thành vượt bậc của lực lượng kỹ thuật quân sự, nhất là ngành Quân khí, Quân giới, Vận tải; đồng thời để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu cho quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ kỹ thuật quân sự những năm tiếp theo.
Trong kháng chiến chống Mỹ, thực hiện lời dạy của Bác Hồ, phi công Việt Nam đã áp dụng cách đánh du kích trên trời, với những MiG - 17 kém hiện đại nhưng bằng phương án bay cắt bán kính, đã hạ gục các máy bay tối tân của không lực Hoa Kỳ. Cũng với ra đa, tên lửa của Liên Xô viện trợ nhưng với trí thông minh, sáng tạo và cả lòng dũng cảm, bộ đội phòng không - không quân đã phát hiện ra điểm yếu chí tử của siêu pháo đài bay bằng “vạch nhiễu tìm thù”, bắn rơi nhiều máy bay B52 của đế quốc Mỹ, lập nên “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” tháng 12-1972, buộc Mỹ phải chấm dứt hành động phiêu lưu về quân sự, ký Hiệp định Paris (1-1973), rút quân về nước và cho đến nay chỉ duy nhất trên chiến trường Việt Nam, pháo đài bay B52 bị bắn hạ.
Những dẫn chứng trên đây, không phải là sự kể lể về chiến công mà các thế lực thù địch cho rằng là sự ăn may, có sự giúp đỡ của bên ngoài. Đó chính là quá trình tiến lên hiện đại hóa quân đội theo tinh thần “người trước, súng sau” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã truyền dạy: “Vũ khí tốt mà tinh thần hèn, thì cũng vô dụng”[3]; “Có khi địch vật chất hơn ta mà ta tinh thần hơn nó, nên ta thắng nó”[4], và thực tiễn lịch sử đã chứng minh. Đó là quá trình hiện đại hóa Quân đội nhân dân phù hợp với nhiệm vụ và điều kiện của cách mạng Việt Nam.
Kiên quyết đấu tranh chống các luận điệu xuyên tạc
Công cuộc đổi mới đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng gần 40 năm giành được những thành tựu to lớn. Tổng sản phẩm nội địa (GDP) không ngừng tăng, năm 2020 đạt 342,7 tỷ USD, trở thành nền kinh tế lớn thứ tư trong ASEAN. Với thu nhập bình quân đầu người đạt 3.512 USD; Việt Nam đã ra khỏi nhóm các nước có thu nhập thấp từ năm 2008. Công nghiệp phát triển khá nhanh, tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ liên tục tăng và hiện nay chiếm khoảng 85% GDP. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng mạnh, năm 2020 đạt trên 540 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt trên 280 tỷ USD. Dự trữ ngoại hối tăng mạnh, đạt 100 tỷ USD vào năm 2020. Đầu tư nước ngoài tăng nhanh, đăng ký đạt gần 395 tỷ USD vào cuối năm 2020”[5]. Năm 2023, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam thuộc nhóm cao trong khu vực và thế giới, khoảng 430 tỷ USD, đây là điều kiện cho phép chúng ta đầu tư xây dựng, phát triển, hiện đại hóa Quân đội nhân dân Việt Nam và củng cố quốc phòng.
Luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm đầu tư đặc biệt, nên ngành công nghiệp quốc phòng đã phát huy nội lực, tích cực đầu tư chiều sâu, làm chủ công nghệ, thiết kế, chế tạo, sản xuất, sửa chữa, cải tiến, hiện đại hóa được nhiều loại vũ khí, trang bị kỹ thuật và sản phẩm công nghiệp quốc phòng công nghệ cao; tăng tỷ lệ nội địa hóa vật tư cho vũ khí trang bị, có loại đạt 95% tỷ lệ nội địa hóa[6]. Đây là cơ sở vững chắc để quân đội điều chỉnh theo hướng “tinh, gọn, mạnh”, một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại, tạo tiền đề vững chắc, phấn đấu năm 2030 xây dựng hiện đại[7].
Như vậy, xây dựng quân đội tiến lên hiện đại vẫn được tiến hành theo đúng chủ trương đã được Đại hội XIII xác định, vừa đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trước các cuộc tiến công xâm lược bằng vũ khí công nghệ cao (nếu xảy ra), vừa phù hợp với khả năng của nền kinh tế đất nước đang trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đồng thời cũng phù hợp với chính sách quốc phòng của Việt Nam mang tính chất “hòa bình và tự vệ”[8].
Bởi vậy, những luận điệu của các thế lực thù địch về quá trình hiện đại hóa quân đội hiện nay thực chất đều nhằm thực hiện âm mưu phá hoại sự nghiệp xây dựng quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại mà chúng ta đang nỗ lực phấn đấu. Những luận điệu chống phá đó thật sự nguy hiểm, không những cản trở quá trình hiện đại hóa của quân đội, mà còn xuyên tạc chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước trong xây dựng quân đội thời kỳ mới, gây nên những bất lợi đối với nước ta trong quan hệ quốc tế, nhất là đối với các nước trong khu vực, trong việc bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định cho sự phát triển đất nước. Vì vậy, chúng ta cần tiếp tục lên án và đấu tranh làm thất bại âm mưu chống phá của chúng đối với quá trình hiện đại hóa Quân đội nhân dân Việt Nam.
---------------
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 12 (1951), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.23.
[2] Giăng Hăngri Giơnô, Từ Vécđoong đến Điện Biên Phủ, Thư viện Quân đội dịch, tr.160.
[3] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 7, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.460.
[4] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 10, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.580-581.
[5] Nguyễn Phú Trọng, Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2022, tr.31.
[6] Tập trung nâng cao năng lực nghiên cứu thiết kế, chế tạo vũ khí, hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2024, ngày 28/12/2023, http://tccnqp.bqp/Tin-tuc-tong-hop/ArticlesDetail/arid/20146.aspx
[7] http://tapchiqptd.vn/vi/phong-chong-dbhb-tu-dien-bien-tu-chuyen-hoa/xay-dung-quan-doi-hien-dai-quan-diem-dung-dan-xu-the-tat-yeu-khong-the-dao-nguoc/20573.html
[8] Bộ Quốc phòng, Quốc phòng Việt Nam 2019, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2019, tr.25.