Nhận diện điểm nghẽn, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi thực chất hơn
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị VCCI quan tâm, có đóng góp tích cực và giá trị để đưa tiếng nói của doanh nghiệp đến với Quốc hội và Chính phủ thông qua diễn đàn.
Tại buổi làm việc giữa Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) với đoàn công tác của Quốc hội, tổ chức chiều 19/8 tại Hà Nội, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch thường trực VCCI đã chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai các nghị quyết của Quốc hội, cũng như các quy định pháp luật về đầu tư kinh doanh trong bối cảnh toàn nền kinh tế đang gấp rút phục hồi sau những tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng cho biết, thời gian tới, Quốc hội sẽ xem xét rất nhiều dự án luật quan trọng, có tác động rất lớn đến người dân, doanh nghiệp như Luật Đất đai, Luật Đấu thầu, Luật Giá, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở…
Để các luật sửa đổi đáp ứng yêu cầu của thực tiễn đòi hỏi các cơ quan của Quốc hội cần nghe được thông tin nhiều chiều, từ nhiều đối tượng, chủ thể khác nhau; trong đó có cộng đồng các doanh nghiệp, các doanh nhân. Đây là một trong những nguồn thông tin từ thực tiễn hết sức hữu ích với cả các bộ, ngành của Chính phủ cũng như các cơ quan của Quốc hội. Bên cạnh đó, Quốc hội cũng đang tiếp tục đẩy mạnh việc giám sát việc thực hiện các luật, việc ban hành các văn bản hướng dẫn luật.
Thêm nữa, chủ trương của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là giao Ủy ban Kinh tế phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương, Học Viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022 với chủ đề: “Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững” tập trung vào nội dung làm sao để thúc đẩy các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, tạo động lực phục hồi sản xuất, kinh doanh và phát triển bền vững.
Do đó, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị VCCI quan tâm, có đóng góp tích cực và giá trị để đưa tiếng nói của doanh nghiệp đến với Quốc hội và Chính phủ thông qua diễn đàn. Ngoài ra, VCCI rất gần và sát với doanh nghiệp sẽ có những chia sẻ, đánh giá về xu hướng phát triển các mô hình kinh doanh dựa trên đổi mới, sáng tạo.
Phản hồi đề nghị của đoàn công tác, đại diện VCCI đã báo cáo nhanh sự phát triển nhanh chóng của các mô hình kinh doanh, đã tạo nên những chuyển dịch tích cực cho nền kinh tế và toàn xã hội trong thời gian qua. Các mô hình kinh doanh toàn cầu liên tục chứng kiến những sự thay đổi đáng kể với việc ra đời và phát triển của các mô hình kinh doanh dựa trên đổi mới, sáng tạo.
Đây cũng chính là cơ hội giúp nền kinh tế Việt Nam tăng tốc và bắt kịp các quốc gia có trình độ phát triển cao hơn trên thế giới. Tuy nhiên, để tận dụng các cơ hội đó, ngoài các vấn đề về đầu tư hạ tầng, nguồn vốn và con người thì chất lượng của thể chế, môi trường kinh doanh cũng là những điều kiện tiên quyết.
Mặc dù đã có nhiều những nỗ lực từ phía Quốc hội, Chính phủ và các bộ ngành, song vẫn còn rất nhiều dư địa để cải cách chất lượng thể chế của Việt Nam tạo thuận lợi cho các mô hình kinh doanh dựa trên đổi mới, sáng tạo.
Có thể kể đến một số vấn đề hiện nay có nhiều tranh luận, như: việc phân bổ tần số vô tuyến điện theo hướng tối ưu hóa hiệu quả phát triển hạ tầng viễn thông quốc gia về dài hạn; cơ chế thử nghiệm quy định mới đối với các mô hình kinh doanh đổi mới, sáng tạo; nhu cầu bảo hộ các ngành kinh tế mới, đồng thời vẫn giữ đủ áp lực cạnh tranh cần thiết để đổi mới, sáng tạo; nguy cơ tạo xu thế “bảo hộ ngược” gây bất lợi cho doanh nghiệp nội địa khi có nhiều quy định chỉ áp dụng được với các doanh nghiệp trong nước mà không thể áp dụng cho các nhà cung cấp dịch vụ xuyên biên giới; cân bằng giữa nhu cầu kiểm duyệt nội dung thông tin xấu độc trên mạng và tạo môi trường tự do dành cho những nhà sáng tạo...
Đối diện với những vấn đề kể trên, lãnh đạo VCCI cũng kiến nghị một số giải pháp giúp tháo gỡ những vướng mắc hiện tại về chính sách pháp luật trong lĩnh vực hạ tầng viễn thông cho internet tốc độ cao; đầu tư và xin phép giấy phép cung cấp dịch vụ trên môi trường mạng; vấn đề về bảo vệ tài sản trí tuệ; kiểm duyệt nội dung thông tin trên môi trường mạng; bảo vệ dữ liệu người dùng; các sản phẩm, dịch vụ đổi mới, sáng tạo...
Kỳ vọng đặt ra là, cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục tìm lại được niềm tin, sự trợ giúp thực chất cùng những giải đáp phù hợp, thích đáng từ phía các cơ quan Nhà nước... giúp tháo gỡ những điểm nghẽn đang ngăn trở tiến trình phục hồi của doanh nghiệp./.