Nhận diện động lực phát triển kinh tế năm 2025

Ngày 12/12, Báo Đầu tư tổ chức Hội thảo với chủ đề 'Đầu tư 2025: Giải mã biến số - Nhận diện cơ hội'. Tại Hội thảo, các chuyên gia nêu nhận định, 2025 dự báo là một năm đầy thách thức với kinh tế thế giới, trong đó, có Việt Nam do diễn biến địa chính trị và thay đổi chính sách của một số quốc gia lớn.

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu - Viện trưởng Viện nghiên cứu và Phát triển Thị trường Tài chính và Bất động sản toàn cầu, bước sang năm 2025, Việt Nam sẽ đối mặt với những tác động từ năm 2024 sẽ tiếp tục kéo dài, kèm theo những biến cố mới, đặc biệt là trên mặt trận địa chính trị. Trong nhiệm kỳ thứ hai của ông Donald Trump, thế giới sẽ phải đối mặt với những chính sách bảo hộ thương mại quyết liệt, trong đó Việt Nam cũng sẽ chịu tác động mạnh. Điều này đặt ra yêu cầu phải chuẩn bị kỹ lưỡng, vì năm 2025 có thể sẽ là năm đầy thử thách cho nền kinh tế Việt Nam. TS. Nguyễn Trí Hiếu nêu ra 4 “biến số” chính đối với nền kinh tế Việt Nam trong năm tới liên quan đến tỷ giá, ngoại thương, tình hình địa chính trị và nội lực nền kinh tế trong nước.

Toàn cảnh Hội thảo

Toàn cảnh Hội thảo

Đồng quan điểm, theo ông Lương Văn Khôi, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung Ương (CIEM) cho biết, tuy tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2024 ước đạt 7,04%, là mức cao nhất trong khu vực ASEAN (theo dự báo của IMF đưa ra tháng 10/2024). Nền kinh tế phát triển đồng đều ở cả ba khu vực: nông, lâm, ngư nghiệp, công nghiệp – xây dựng và dịch vụ, với nhiều chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch. Nhưng Việt Nam vẫn phải đối mặt với một số thách thức. Một điểm yếu quan trọng là khu vực kinh tế trong nước chưa đóng vai trò lớn trong tăng trưởng, trong khi các địa phương kinh tế đầu tàu như TP.HCM, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu đang giảm dần tỷ trọng GDP. Nguyên nhân xuất phát từ việc các địa phương này đã đạt tới mức phát triển tối đa, trong khi các tỉnh thành khác đang dần vươn lên.

Về hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, dù có sự cải thiện đáng kể so với 10 năm trước, nhưng mức độ hiệu quả chung vẫn chưa đáp ứng kỳ vọng. Các ngành xuất khẩu chủ lực như da giày, may mặc và điện tử dù mang lại giá trị ngoại hối lớn nhưng hiệu quả chỉ đạt khoảng 50%, chủ yếu do doanh nghiệp vẫn dựa vào mô hình gia công.

Ông Lương Văn Khôi, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung Ương (CIEM) phát biểu tại Hội thảo

Ông Lương Văn Khôi, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung Ương (CIEM) phát biểu tại Hội thảo

Vì thế theo ông Khôi, Việt Nam đang hướng đến tăng trưởng GDP hai con số và không có nhiều hoài nghi về câu chuyện này. Trong đó, yếu tố cốt lõi nằm ở việc nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Do đó, nếu khai thông được hiệu quả doanh nghiệp, tăng trưởng hai con số không phải là điều khó khăn.

Tuy đối mặt với nhiều thách thức nhưng các chuyên gia cũng chỉ ra một số cơ hội đối với nền kinh tế Việt Nam trong năm tới. Cụ thể, Việt Nam có cơ hội lớn để thu hút dòng vốn từ Mỹ, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao và bán dẫn. Quyết định của Nvidia đặt trung tâm R&D tại Việt Nam là tín hiệu tích cực cho quá trình hiện đại hóa công nghiệp. Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, cuộc thương chiến Mỹ - Trung có thể là “con dao hai lưỡi”, do đó Việt Nam cần cẩn trọng để tránh trở thành “trạm trung chuyển” hàng hóa của Trung Quốc, dẫn đến nguy cơ bị Mỹ giám sát chặt chẽ. Ngoài ra, thị trường châu Âu cũng hứa hẹn mang lại tiềm năng lớn, mặc dù nhu cầu có thể bị ảnh hưởng bởi xung đột Ukraine. Hàng hóa Việt Nam với giá thành cạnh tranh vẫn có lợi thế lớn tại đây.

Bên cạnh đó, sự hỗ trợ của hành lang pháp lý cũng là một cơ hội cho nền kinh tế. Một số chính sách mới được ban hành sẽ giúp hình thành khung thể chế tốt hơn cho phát triển kinh tế, nhất là các luật mới được ban hành trong năm 2023 và năm 2024 như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật kinh doanh bất động sản, Luật Đấu thầu có hiệu lực và được thể chế chi tiết. “Sự nỗ lực, quyết tâm của Chính phủ và các địa phương tiếp tục được nâng cao vì cách điều hành của Chính phủ một số năm gần đây luôn đặt sự nỗ lực và quyết tâm lên hàng đầu, nhất là 2025 lại là năm “về đích” của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, làm nền tảng cho xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2026 – 2030" - ông Khôi nhận định.

Quỳnh Trang

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/nhan-dien-dong-luc-phat-trien-kinh-te-nam-2025-158747.html