Nhận diện đúng kết quả, khó khăn để tập trung tháo gỡ, tạo chuyển biến sau giám sát

Phát biểu kết luận phiên họp chiều nay, 30.10, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương nhấn mạnh, các đại biểu Quốc hội đánh giá cao việc Quốc hội quyết định giám sát ngay trong quá trình thực hiện nhằm nhận diện đúng kết quả, những khó khăn để tập trung tháo gỡ, tạo chuyển biến là hết sức đúng đắn và cần thiết.

Qua 1 ngày làm việc tích cực, khẩn trương, đã có 33 đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến, 8 đại biểu Quốc hội đăng ký tranh luận. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và xã hội; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu Tư; Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã phát biểu tiếp thu, giải trình làm rõ các vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Lâm Hiển

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, nội dung thảo luận đã bao quát toàn diện, các ý kiến góp ý phong phú, sâu sắc, có giá trị cao về lý luận và thực tiễn, thể hiện sự quan tâm, tâm huyết và trách nhiệm cũng như sự sâu sát thực tiễn của đại biểu Quốc hội; không khí thảo luận sôi nổi, thẳng thắn, mang tính xây dựng. Các ý kiến của các Bộ trưởng, trưởng ngành và Phó Thủ tướng Chính phủ cũng đã làm rõ thêm nhiều vấn đề thuộc trách nhiệm quản lý được phân công.

Về các nội dung cụ thể, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, các đại biểu Quốc hội đánh giá cao việc Quốc hội quyết định giám sát ngay trong quá trình thực hiện nhằm nhận diện đúng kết quả, khó khăn để tập trung tháo gỡ, tạo chuyển biến là hết sức đúng đắn và cần thiết. Đồng thời, đánh giá cao sự nỗ lực và trách nhiệm, quyết tâm của Đoàn giám sát trong khắc phục khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ được giao; sự phối hợp của Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ, sự tham gia tích cực, hiệu quả của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, HĐND, UBND các tỉnh, thành phố, cơ quan Kiểm toán Nhà nước, các chuyên gia, các nhà khoa học và đại biểu Quốc hội… góp phần nâng cao chất lượng giám sát tối cao của Quốc hội.

Cũng theo Phó Chủ tịch Quốc hội, quá trình giám sát đã tác động tạo chuyển biến trong nhận thức, hành động của các cấp, các ngành. Quốc hội cơ bản tán thành nội dung trong Báo cáo số 550 của Đoàn giám sát; phân tích sâu sắc cả những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế trong thời gian qua do nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Ngoài những nguyên nhân do quy định của pháp luật, văn bản dưới luật, các tiêu chí cao hơn giai đoạn trước thì nguyên nhân chủ yếu là việc tổ chức triển khai thực hiện ở các bộ, ngành, địa phương cũng còn những hạn chế, chưa thật quyết liệt, trách nhiệm có lúc có nơi chưa cao; một bộ phận cán bộ né tránh, đùn đẩy trách nhiệm.

Ảnh: Lâm Hiển

Ảnh: Lâm Hiển

Quốc hội cơ bản thống nhất với kiến nghị của Đoàn giám sát về việc trình Quốc hội xem xét thông qua Nghị quyết giám sát chuyên đề. Quốc hội yêu cầu hoàn chỉnh dự thảo Nghị quyết giám sát theo hướng:

Thứ nhất, đề nghị Chính phủ có các giải pháp để cân đối, bố trí đủ ngân sách trong Chương trình theo các Nghị quyết của Quốc hội, đồng thời cân đối thêm như Nghị quyết của Quốc hội ở các nhiệm kỳ.

Thứ hai, về chủ trương kéo dài nguồn vốn phân bổ năm 2023 có bao gồm của năm 2022 chưa được giải ngân để chuyển tiếp sang tiếp tục thực hiện đến 31.12.2024 hay là hết giai đoạn, đề nghị Chính phủ chuẩn bị tiếp để báo cáo. Bên cạnh đó, yêu cầu khẩn trương thực hiện Nghị quyết thí điểm khoán gọn nguồn vốn cho cấp huyện trong điều phối chương trình; Nghị quyết về các cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đẩy nhanh thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 – 2025 ngoài 7 nội dung chính sách đặc thù trong Tờ trình số 557. Đề nghị Chính phủ nghiên cứu toàn diện các nội dung Đoàn giám sát kiến nghị cũng như kiến nghị của đại biểu Quốc hội tại phiên họp để nghiên cứu, đề xuất tháo gỡ trên thực tế. Ngoài ra, các giải pháp đối với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong năm 2023 cần tập trung thực hiện quyết liệt hơn những vấn đề thuộc thẩm quyền để tháo gỡ và thực hiện tốt hơn cơ chế phân cấp, trao quyền cũng như cơ chế lồng ghép, cơ chế hỗ trợ sản xuất cộng đồng và sản xuất theo chuỗi, cơ chế về vốn đối ứng và cơ chế đặc thù đối với các địa bàn, lĩnh vực, đối tượng, nội dung đặc thù một cách phù hợp.

Thứ ba, đề nghị Chính phủ đẩy mạnh tổ chức phong trào thi đua thực chất hơn, nhất là phong trào tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau giữa tỉnh, huyện, xã khá hơn với tỉnh, huyện, xã khó khăn hơn; giữa gia đình khá hơn với gia đình nghèo hơn để phát huy truyền thống tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều của dân tộc ta. Trong đó, vai trò của Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội là hết sức quan trọng.

Thứ tư, đề nghị Chính phủ rà soát mô hình tổ chức của các Ban chỉ đạo, văn phòng, bộ phận giúp việc của các cơ quan từ Trung ương tới cơ sở, nhất là cán bộ ở cấp cơ sở, xã, phường; ban hành các loại sổ tay hướng dẫn, tổ chức tốt hoạt động truyền thông, xây dựng ý thức tự vươn lên thoát nghèo của Nhân dân; rút kinh nghiệm để tiếp cận và thiết kế các chương trình mục tiêu cho những chương trình khác như Chương trình văn hóa tới đây.

Thụy Vũ

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/thoi-su-quoc-hoi/nhan-dien-dung-ket-qua-kho-khan-de-tap-trung-thao-go-tao-chuyen-bien-sau-giam-sat-i348108/