Nhận diện hướng đi của ông Trump với Israel và Trung Đông

Liệu rằng chính quyền ông Trump sắp tới sẽ ủng hộ Israel như nhiệm kỳ đầu hay sẽ có sự điều chỉnh?

Từ những ưu ái của ông Donald Trump đối với Israel trong nhiệm kỳ tổng thống Mỹ đầu tiên, giới quan sát cho rằng không có gì ngạc nhiên khi giới lãnh đạo Israel tin rằng việc ông Trump tái đắc cử cũng là chiến thắng cho nước này.

“Sự trở lại Nhà Trắng mang tính lịch sử của ngài mở ra một khởi đầu mới cho nước Mỹ và một cam kết mạnh mẽ đối với liên minh vĩ đại giữa Israel và Mỹ” - Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu chúc mừng ông Trump đắc cử.

Câu hỏi được nhiều người quan tâm lúc này là liệu chính sách của chính quyền ông Trump với Israel trong 4 năm tới sẽ vẫn như nhiệm kỳ đầu hay sẽ có điều chỉnh?

 Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại TP Tel Aviv (Israel) năm 2017. Liệu chính sách của chính quyền ông Trump với Israel sẽ thế nào? Ảnh: GETTY IMAGES

Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại TP Tel Aviv (Israel) năm 2017. Liệu chính sách của chính quyền ông Trump với Israel sẽ thế nào? Ảnh: GETTY IMAGES

Chính quyền ông Trump 2.0: Môi trường chiến lược đang thay đổi

Khi ông Trump bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống thứ hai vào tháng 1-2025, rõ ràng rằng sự cân bằng quyền lực ở Trung Đông đã thay đổi, các ưu tiên của Mỹ đối với khu vực cũng thay đổi. Điều đó đồng nghĩa chính sách Trung Đông của chính quyền ông Trump cần phải điều chỉnh theo thực tế mới, thay vì lặp lại chính sách của nhiệm kỳ đầu.

Trên bình diện địa chiến lược, trong thời gian ông Trump vắng mặt trên chính trường thế giới, nhiều xung đột xuất hiện và các mối quan hệ giữa các cường quốc cũng thay đổi.

Trong bối cảnh phải cạnh tranh với Trung Quốc, đau đầu với hai cuộc chiến ở Ukraine và Trung Đông cùng với thách thức khác, không khó hiểu khi Mỹ bận rộn với các thách thức về ngoại giao và quân sự. Các nguồn lực của Mỹ đang bị phân tán mỏng trên ba mặt trận: Đông Á, châu Âu và Trung Đông. Như ông Trump đã cảnh báo trong chiến dịch tranh cử, Mỹ có thể bị cuốn vào một cuộc “Thế chiến thứ ba”.

Theo tờ National Interest, cuộc tấn công của Hamas vào Israel ngày 7-10-2023 không chỉ là một chương mới trong lịch sử xung đột khu vực, mà còn là một phần trong nỗ lực của trục kháng chiến Iran nhằm phá vỡ sức mạnh răn đe của Israel và thách thức vị thế của Mỹ ở Trung Đông. Cuộc tấn công phơi bày thực tế căng thẳng quân sự của Washington khi Hải quân Mỹ phải điều động đội tàu sân bay từ Đông Á sang Trung Đông và ngược lại.

Bên cạnh đó, mối quan hệ ngày càng chặt chẽ giữa Nga và Iran, sự gia tăng vai trò của Trung Quốc ở Trung Đông cho thấy Mỹ hiện đang đối mặt các đối thủ thực sự trong khu vực.

Dù Iran có thể không áp đảo được Israel nhưng việc phô trương sức mạnh thông qua mối đe dọa mà nhóm vũ trang Houthis (Yemen) gây ra đối với hoạt động vận chuyển quốc tế đã phá vỡ vị thế bá quyền của Mỹ trong khu vực.

 Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại TP Tel Aviv (Israel) năm 2020. Liệu chính sách của chính quyền ông Trump với Israel sẽ thế nào? Ảnh: GETTY IMAGES

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại TP Tel Aviv (Israel) năm 2020. Liệu chính sách của chính quyền ông Trump với Israel sẽ thế nào? Ảnh: GETTY IMAGES

Trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Trump, số quốc gia Ả Rập có quan hệ ngoại giao chính thức với Israel đã tăng từ hai lên sáu. Hiệp định Abraham năm 2020, do chính quyền ông Trump làm trung gian, đã giúp Bahrain và Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) thiết lập quan hệ với Israel, và sau đó là Morocco và Sudan. Chính quyền ông Trump cũng sắp thành công trong việc làm cầu nối cho quan hệ Israel-Saudi Arabia.

Dự đoán chính sách sắp tới của ông Trump với Israel và Trung Đông

Trong chiến dịch tranh cử nhiệm kỳ hai, ông Trump khuyến khích Israel hoàn thành sứ mệnh quân sự ở Gaza và chỉ trích chính quyền Tổng thống Joe Biden vì những nỗ lực cản trở chiến dịch của Israel.

Thực tế, các đề cử nhân sự của ông Trump bao gồm nhiều nhân vật có lịch sử ủng hộ mạnh mẽ Israel và quan điểm cứng rắn với Iran. Một số nhân vật có thể kể đến như ông Marco Rubio - ứng viên ngoại trưởng, ông Mike Waltz - người được ông Trump chọn làm cố vấn an ninh quốc gia, Hạ nghị sĩ Elise Stefanik - người được ông Trump chọn làm đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc.

Người được ông Trump đề cử làm đại sứ tại Israel là cựu Thống đốc Arkansas Mike Huckabee. Ông Huckabee đã công khai ủng hộ việc mở rộng lãnh thổ Israel sang Bờ Tây, từ chối thừa nhận khu vực này là “lãnh thổ bị Israel chiếm đóng”.

Dựa trên những đề cử nhân sự, giới chuyên gia cho rằng chính quyền sắp tới của ông Trump nhiều khả năng sẽ không phản đối hành động “quá trớn” nào của Israel trên thực địa như chính quyền ông Biden đã làm. Một số chuyên gia còn dự đoán rằng chính quyền ông Trump có thể chấp nhận việc Israel sáp nhập một phần Bờ Tây.

Tuy nhiên, ông Trump cũng cam kết chấm dứt các cuộc chiến ở Gaza và Ukraine, cho thấy ông không kiên nhẫn với chi phí tài chính từ chiến tranh và nguy cơ tổn thất nhân mạng người Mỹ. Ba binh sĩ Mỹ đã thiệt mạng trong các cuộc giao tranh tại Trung Đông. Ngoài ra, còn có lo ngại rằng việc tiếp tục chiến tranh có thể làm phân tán sự chú ý khỏi các ưu tiên chính sách nội địa và đối ngoại khác, bao gồm việc chuyển nguồn lực quân sự sang Đông Á.

Điều này đặt ra một tình thế khó xử cho chính quyền sắp tới: làm thế nào để cân bằng giữa mục tiêu duy trì vị thế bá chủ của Mỹ tại Trung Đông và ủng hộ Israel, đồng thời đối phó với thách thức quân sự và kinh tế khác?

Về Iran, dự đoán cho thấy ông Trump có thể áp lực lên Tehran mạnh mẽ hơn so với nhiệm kỳ đầu, thông qua đội ngũ cố vấn có quan điểm cứng rắn. Tuy nhiên, chính quyền ông Trump có thể gặp khó khăn trong việc tái lập thành công của chiến dịch "gây áp lực tối đa" lên Iran.

Lần này, Nga và Trung Quốc có khả năng phản đối trừng phạt Iran và thậm chí hỗ trợ Tehran trong cuộc đối đầu với Mỹ. Cùng lúc, Saudi Arabia và các nước vùng Vịnh đã theo đuổi chính sách hòa hoãn với Iran, phản đối lập trường cứng rắn của Mỹ vì lo ngại điều này có thể gây bất ổn trong khu vực.

Thế nên, khác với chính sách “Làm Israel vĩ đại trở lại” như nhiệm thứ nhất, chuyên gia dự đoán ông Trump có thể gây sức ép buộc Israel chấp nhận giải pháp hai nhà nước, phù hợp với kế hoạch hòa bình mà ông từng công bố.

Kịch bản này có thể gia tăng khả năng đạt được hòa hoãn giữa Israel và Saudi Arabia, cũng như hiện thực hóa mục tiêu của nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump là xây dựng trục liên minh các quốc gia Ả Rập và Israel nhằm kiềm chế Iran, đồng thời thực hiện các bước để ổn định và tái thiết Dải Gaza.

Chính quyền ông Trump 1.0: Làm cho Israel vĩ đại trở lại

Ông Trump đã ủng hộ mạnh mẽ Israel trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông. Ngoài việc công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và chuyển đại sứ quán Mỹ đến TP này, chính quyền ông Trump khi đó đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới công nhận chủ quyền của Israel đối với Cao nguyên Golan - nơi Israel từ lâu có tranh chấp lãnh thổ với Syria.

Tổng thống Trump cũng công bố kế hoạch hòa bình Trung Đông mang lại cho Israel phần lớn những gì nước này mong muốn, đề xuất một nhà nước Palestine với chủ quyền hạn chế.

“Tầm nhìn của tôi mang lại cơ hội đôi bên cùng có lợi, một giải pháp hai nhà nước thực tế giải quyết rủi ro của việc thành lập nhà nước Palestine đối với an ninh của Israel” - ông Trump nói khi công bố kế hoạch hòa bình Trung Đông.

Sự ủng hộ của ông Trump dành cho Israel phản ánh sự gắn bó cá nhân của ông với Nhà nước Do Thái. Con rể ông Trump - ông Jared Kushner là người theo chủ nghĩa phục quốc Do Thái và đã tham gia chính quyền của ông Trump trong nhiệm kỳ đầu tiên với tư cách là cố vấn về Trung Đông.

Bên cạnh đó, việc ông Trump ủng hộ mục tiêu của Israel phù hợp với truyền thống của đảng Cộng hòa.

Hơn nữa, ủng hộ Israel cũng phù hợp với quan điểm chiến lược của ông Trump, coi Israel là đồng minh quan trọng ngoài Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), cùng chia sẻ lợi ích trong việc kiềm chế các lực lượng cực đoan trong khu vực và giúp duy trì vị thế của Mỹ ở Trung Đông.

THẢO VY

Nguồn PLO: https://plo.vn/nhan-dien-huong-di-cua-ong-trump-voi-israel-va-trung-dong-post824973.html