Ông Trump nhậm chức, điểm nóng Trung Đông sẽ thay đổi thế nào?
Khi ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng, tình hình tại Trung Đông đang diễn biến ngày một phức tạp, đặt ra thách thức lớn cho nhiệm kỳ thứ hai của ông.
Khi Tổng thống đắc cử Donald Trump trở lại Nhà Trắng đầu năm tới, bối cảnh Trung Đông hoàn toàn khác so với khi ông rời nhiệm sở vào tháng 1/2021.
Sự thay đổi trong chính sách của Mỹ
Theo ông Brian Katulis, quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao Mỹ, ông Donald Trump là một trong những nhà lãnh đạo hiếm hoi của Mỹ có thể thực hiện những động thái bất ngờ để giành được đòn bẩy với cả kẻ thù và đồng minh.
Theo đó, các nhà phân tích và thậm chí là các thành viên trong đội ngũ của ông khó có thể đoán trước những nước đi tiếp theo ông đưa ra đối với một vấn đề cụ thể nào ở Trung Đông.
Trong bối cảnh xung đột và diễn biến phức tạp hiện nay, nhà phân tích này cho rằng ông Trump sẽ ưu tiên Trung Đông nhiều hơn trong những tháng đầu tiên nhiệm kỳ 2.0.
Trước đó, khi nhậm chức vào năm 2021, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã phải đối mặt với một loạt thách thức về chính sách trong nước liên quan đến đại dịch COVID-19 và cuộc khủng hoảng kinh tế, khi ấy Mỹ buộc phải ưu tiên châu Á và châu Âu hơn Trung Đông .
Tới năm thứ hai nhiệm kỳ, ông Biden mới tăng cường sự tham gia và ảnh hưởng của Mỹ tại Trung Đông, một phần do giá dầu và thực phẩm tăng sau chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine năm 2022 và sự mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc vào năm 2023.
Nửa sau nhiệm kỳ, ông Biden tập trung ứng phó với cuộc chiến tranh Israel-Hamas. Đội ngũ ông Biden đã trải qua những giới hạn trong chính sách ngoại giao của mình tại khu vực, nhưng họ vẫn tiếp tục theo đuổi cách tiếp cận chủ yếu là phản ứng với các sự kiện và có thể được mô tả chung là sự dịch chuyển chiến lược.
Trong những tuần cuối nhiệm kỳ, chính quyền Biden đang nỗ lực xây dựng dựa trên lệnh ngừng bắn tháng 11 giữa Israel và Hezbollah và tạo ra một số kết quả, bao gồm lệnh ngừng bắn ở Gaza và thả con tin.
Một yếu tố cần chú ý vào năm 2025 là cách đảng Dân chủ thể hiện quan điểm về các vấn đề Trung Đông. Trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, nhiều thành viên đảng Dân chủ áp dụng cách tiếp cận mang tính tranh luận và tham gia vào các chiến thuật tân Đông phương, trong đó coi vấn đề Trung Đông là một "công cụ" trong các cuộc tranh luận xã hội và chính trị. Dù vậy, chiến thuật này không giải quyết được những vấn đề còn tồn tại ở Trung Đông.
Tương tự, các cuộc tranh luận thường xuyên trong đảng Dân chủ về các vấn đề như chiến tranh Gaza vào năm 2023 và 2024 cũng không xây dựng được các liên minh mới.
Theo đó, ông Katulis cho rằng những gì xảy ra ở Trung Đông vào năm 2025 chủ yếu sẽ được quyết định bởi các cường quốc chủ chốt trong khu vực. Mỹ vẫn là cường quốc bên ngoài có ảnh hưởng nhất và cách chính quyền ông Trump sắp tới và Quốc hội tiếp theo thu hút các đối tác chủ chốt trong khu vực sẽ tác động đến việc Trung Đông có từ bỏ chiến tranh và xung đột để hướng tới hòa bình, thịnh vượng và hội nhập khu vực hay không.
Những lựa chọn của ông Trump
Trong chiến dịch tranh cử của mình, ông Trump đã đưa ra những cam kết về việc chấm dứt chiến tranh ở Gaza.
Các chuyên gia dự đoán với từng vấn đề cụ thể, ông Trump sẽ phải tìm ra những lời giải riêng. Như cuộc xung đột tại Gaza giữa Israel và Hamas, giải pháp về hai nhà nước cùng tồn tại song song đã không thể thực hiện.
Trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 5/2024, ông Trump từng nói: "Đã có lúc tôi nghĩ rằng việc hai nhà nước cùng tồn tại trong khu vực Gaza có thể là một phương án hiệu quả. Tuy nhiên, hiện giờ tôi thấy đây sẽ là một thách thức".
Hamas và các đồng minh đang chứng minh rằng giải pháp duy nhất cho hòa bình trong khu vực là xóa sổ Israel. Theo đó, họ đang đưa ra các điều kiện và chuẩn bị cho cuộc đàm phán khi họ chấp nhận giải pháp hai nhà nước. Với việc ông Trump đưa giải pháp này khỏi bàn đàm phán, Hamas có thể sẽ không chấp nhận các điều khoản khác.
Các nhà phân tích cho rằng, ông Trump có thể chấm dứt chiến tranh, nhưng không phải theo cách mà người Palestine mong muốn. Điều đó có nguy làm gia tăng xung đột hơn nữa.
Khi diễn biến xung đột leo thang, miền Nam Lebanon có khả năng sẽ là mục tiêu mà Israel nhắm tới, đặc biệt khi họ nhận được sự ủng hộ từ ông Trump. Mặt khác, bất kể tình bạn tốt đẹp giữa Quốc vương Jordan Abdullah II bin Al-Hussein và Mỹ, các khu vực của Jordan gần Israel có thể cũng trở thành phạm vi mới của xung đột.
Ngoài ra, ông Trump cũng cần phải có phương án đối phó với Iran, một quốc gia có tầm ảnh hưởng trong khu vực. Theo các nhà quan sát, ông có thể lựa chọn đàm phán hoặc trừng phạt Iran, nhiều khả năng là cả 2 cách làm này cùng lúc.
Ông Trump được biết đến với khả năng đàm phán đặc biệt, với cả đồng minh và đối thủ của Mỹ. Mặt khác, các chính trị gia Iran cũng được coi là những nhà đàm phán giỏi.
Tuy nhiên, ngay cả khi ông quyết định ngồi vào bàn đàm phán với Iran, điều đó cũng không ngăn Mỹ áp thêm các lệnh trừng phạt lên quốc gia này. Có nhiều khả năng ông Trump sẽ sử dụng các lệnh trừng phạt này để gây áp lực lớn hơn lên Iran, buộc họ phải nhượng bộ trong các cuộc đàm phán.
Ông Trump cũng có thể áp dụng một "lá bài" khác đó là việc giảm sản lượng dầu ở các quốc gia vùng Vịnh. Theo đó, lời kêu gọi liên tục này của ông có thể là một vấn đề đối với các quốc gia này. Với quan điểm “Nước Mỹ trên hết”, ông Trump đã hứa sẽ cắt giảm một nửa giá năng lượng, làm tăng đáng kể năng lượng của Mỹ.
Ngoài mối quan hệ giữa Ả Rập Xê-út và UAE với Iran, ông Trump có thể sẽ thúc đẩy các quốc gia này từ chối xuất khẩu và sản xuất. Bằng cách này, ông có thể tăng tầm ảnh hưởng đối với khu vực, từ đó giải quyết xung đột hiện nay theo cách có lợi hơn với Washington.