Nhận diện kịp thời, không đi sau tội phạm

Những ngày này, tại hầu khắp các địa phương trên cả nước, tội phạm liên quan 'tín dụng đen' không còn công khai, lộng hành như trước đây. Tình trạng các đối tượng xấu nhắn tin đe dọa, ném chất bẩn để đòi nợ trái pháp luật đang dần vắng bóng.

Đó là kết quả của quá trình thực hiện Chỉ thị số 12 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và hành vi vi phạm pháp luật liên quan hoạt động “tín dụng đen”.

Nạn nhân sợ hãi không cả dám tố cáo

Đường dây tín dụng đen do nhóm người Ukraina cầm đầu bị triệt phá. Ảnh: CACC

Đường dây tín dụng đen do nhóm người Ukraina cầm đầu bị triệt phá. Ảnh: CACC

Cách đây mấy năm về trước, hoạt động “tín dụng đen” diễn biến phức tạp trên toàn quốc và thường do các băng nhóm tội phạm, đối tượng hình sự, cộm cán cầm đầu; những dãy cửa hàng cầm đồ tấp nập người ra vào, hay bờ tường, cột điện nhan nhản quảng cáo “cho vay tiền nhanh”... Hậu quả của “tín dụng đen” làm phát sinh nhiều loại tội phạm có tính bạo lực, xâm phạm nhân thân, xâm phạm sở hữu, gây bức xúc dư luận. Thậm chí người dân bị đe dọa sợ hãi đến mức không dám tố cáo với lực lượng Công an.

Trước tình hình trên, Bộ Công an đã chỉ đạo Cục Cảnh sát hình sự (CSHS) tổ chức điều tra cơ bản tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen” và tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 12. Từ đó, các bộ, ngành, địa phương, các đoàn thể và lực lượng Công an đồng loạt triển khai các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh tội phạm và hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”.

Một số đối tượng xăm trổ đòi nợ thuê bị công an bắt giữ

Một số đối tượng xăm trổ đòi nợ thuê bị công an bắt giữ

Theo Cục CSHS, sau khi tổ chức điều tra cơ bản, lực lượng CSHS đã rà soát, lên danh sách và quyết liệt đấu tranh, xử lý các đối tượng, băng nhóm, cơ sở kinh doanh, cá nhân có biểu hiện hoạt động “tín dụng đen”. Trong đó đáng kể là đấu tranh, xử lý các băng nhóm tội phạm hoạt động núp bóng doanh nghiệp, sử dụng công nghệ cao, do đối tượng người nước ngoài cầm đầu (đối tượng người Trung Quốc, Nga, Latvia, Ukraina...).

Điển hình, đầu năm 2024, Cục CSHS xác lập, đấu tranh chuyên án triệt xóa băng nhóm sử dụng công nghệ cao do nhóm người Ukraina cầm đầu, núp bóng doanh nghiệp, thực hiện cho vay lãi nặng. Lực lượng công an đã triệu tập, bắt giữ 63 đối tượng. Các đối tượng hoạt động cho vay thông qua ứng dụng “easycash.vn” và “onecredit.vn” với số tiền từ 700 nghìn đồng - 40 triệu đồng với lãi suất cộng phí từ 876%-1.900%/năm. Qua các tài liệu thu thập được, cơ quan điều tra xác định các đối tượng đã cho hàng trăm nghìn khách hàng là người Việt vay, thu lời bất chính hàng nghìn tỷ đồng.

Cũng với thủ đoạn tương tự, băng nhóm cho vay lãi nặng qua app với lãi suất lên tới 1.000%/năm do Wang YunTao (1988, quốc tịch Trung Quốc) điều hành cũng bị bóc gỡ tận gốc. Quá trình bắt giữ các đối tượng, Phòng CSHS Công an TP Đà Nẵng và Cục CSHS với sự phối hợp, hỗ trợ của một số đơn vị đã huy động hơn 250 cán bộ chiến sĩ tiến hành khám xét 9 địa điểm của băng nhóm này tại TP HCM và tỉnh Bình Dương.

Thông tin về vụ án, Thiếu tướng Vũ Xuân Viên - Giám đốc Công an TP Đà Nẵng cho biết, sau khi phát lệnh, lực lượng công an ập vào, đến từng phòng thì các đối tượng đối tượng mới biết hoạt động tội phạm của chúng đã không thể qua mặt được công an. Công an đã bắt tại chỗ và thu giữ toàn bộ tài liệu của băng nhóm tội phạm.

Cơ quan điều tra xác định đường dây này đã cho khoảng 1,3 triệu người vay tiền với hơn 2 triệu lượt vay. Tổng số đối tượng bị bắt là 193 đối tượng, trong đó có 2 đối tượng nước ngoài cầm đầu. Trong 2 năm, tổng số tiền cho vay của băng nhóm này là 9.000 tỷ đồng, chúng thu lợi 2.500 tỷ đồng.

Trong 5 năm qua, cơ quan điều tra các cấp đã khởi tố 3.473 vụ án với 6.879 bị can liên quan “tín dụng đen”, chủ yếu là tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự là tội phạm nguồn của loạt tội phạm khác.

Trả lại cuộc sống bình yên cho nhân dân

Sau khi lực lượng công an quyết liệt đấu tranh, bắt giữ, xử lý nghiêm các hành vi liên quan đến “tín dụng đen”, thực chất là hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự cùng loạt tội phạm kéo theo như hành vi bắt giữ người trái pháp luật, cướp tài sản, hủy hoại tài sản, cưỡng đoạt tài sản thì tình trạng các đối tượng sử dụng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, nhắn tin, gọi điện đe dọa, ném chất bẩn, chất thải và cho vay lãi cao kiểu “cắt cổ” đã giảm rõ rệt.

Cho đến nay, các băng nhóm, cơ sở hoạt động “tín dụng đen” không còn công khai, lộng hành như trước do đã bị triệt phá ngay từ khi manh nha hình thành. Tình trạng đe dọa để đòi tiền trái pháp luật không còn diễn biến phức tạp, ngang nhiên như trước.

Hiện tượng treo biển quảng cáo, phát, dán tờ rơi liên quan đến hoạt động cho vay giảm rõ rệt. Từ rầm rộ quảng cáo, công khai mời chào, dụ dỗ người vay, các đối tượng phải chuyển sang hoạt động cầm chừng, núp bóng, lén lút, hoạt động lưu động, phân tán không có cơ sở, địa điểm cụ thể ở nhiều địa bàn, địa phương khác nhau.

Luật sư Trần Tuấn Anh - Công ty luật Minh Bạch ( Hà Nội) đánh giá, theo dõi từ thực tế đời sống xã hội cho thấy, tình trạng vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen” đã có sự chuyển biến tích cực. Đây là thành quả của quá trình đấu tranh phòng chống tội phạm, đặc biệt là tội phạm liên quan hành vi cho vay lãi nặng, của các cơ quan chức năng, trong đó lực lượng công an đóng vai trò trọng yếu.

“Từ việc cho vay lãi nặng kéo theo những hệ lụy rất khủng khiếp mà chúng ta biết như các vụ án cưỡng đoạt tài sản, gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích... bởi bản chất của “tín dụng đen” là nguồn tín dụng không “sạch” và đa phần dùng vào mục đích đánh bạc, buôn bán hàng hóa bất hợp pháp. Chính vì vậy, triệt phá các đường dây “tín dụng đen” thì các hành vi vi phạm pháp luật liên quan cũng sẽ giảm đi rõ rệt” - luật sư Trần Tuấn Anh nói.

Thanh Hà

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/nhan-dien-kip-thoi-khong-di-sau-toi-pham-post1695752.tpo